Tôn vinh, giáo dục tinh thần, ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật
Tại buổi làm việc các đại biểu đã nghe trình bày dự thảo Kế hoạch tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 và Đề cương Báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Qua trao đổi và thảo luận, các đại biểu đều cơ bản nhất trí với các dự thảo đồng thời nhấn mạnh, việc tổng kết nhằm đánh giá tình hình 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, hướng đến đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm rút ra sau 10 năm thực hiện Hiến pháp.
Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, gắn với các hoạt động kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) và tiến tới kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 – 6/1/2026).
Các đại biểu cũng cho rằng cần ban hành kế hoạch tổng thể của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Trên cơ sở đó, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị có trách nhiệm tổ chức tổng kết triển khai thi hành Hiến pháp về các nội dung quy định của Hiến pháp liên quan đến tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; xây dựng báo cáo về việc triển khai thi hành Hiến pháp thuộc trách nhiệm của ngành mình gửi Chính phủ để tổng hợp chung.
Chính phủ với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, ban hành Kế hoạch riêng phân công cụ thể các cơ quan hữu quan trong việc triển khai thi hành Hiến pháp, làm cơ sở để xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp.
Quang cảnh buổi làm việc.
Góp ý về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng cần có rà soát các văn bản của Trung ương, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý để tổ chức triển khai việc tổng kết thi hành Hiến pháp bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Nhấn mạnh việc tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp là sự kiện quan trọng, cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị dự thảo Kế hoạch cần xác định các mục tiêu, yêu cầu của việc tổng kết bảo đảm rõ ràng, khả thi. Dự kiến các nội dung tổng kết cũng cần tiếp tục rà soát để bảo đảm phù hợp với mục tiêu đề ra.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, tổng kết 10 năm thi hành Hiến pháp là nội dung vô cùng quan trọng, có ý nghĩa lớn và là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Việc tổng kết này là dịp để nhìn lại 10 năm qua đã thực hiện được những gì, những gì chưa làm được và còn cần phải làm những gì để thúc đẩy thực hiện Hiến pháp tốt hơn, xây dựng phát triển đất nước nhanh và bền vững. Thông qua tổng kết để tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, tuyên truyền và giáo dục tinh thần, ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nội dung báo cáo tổng kết 10 năm cần có kế thừa nội dung sơ kết 5 năm và có nâng cấp, bổ sung các nội dung phù hợp với thực tiễn; trong quá trình này có đề xuất thi đua khen thưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Song hành với việc tổng kết này, các cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có thể tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các viện, trường về nội dung tổng kết; tổ chức các hoạt động kỷ niệm, các cuộc thi, hội thi, nghiên cứu khoa học, xuất bản các ấn phẩm chuyên đề … hưởng ứng kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam gắn với việc tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất các hoạt động chuẩn bị tổng kết sẽ được tiến hành ngay, song để có thêm thời gian sẽ đề xuất trình Quốc hội báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp vào tháng 5/2024.
Bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ lập pháp hàng năm
Cũng tại buổi làm việc, trình bày Báo cáo tình hình và tiến độ chuẩn bị đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết trong năm 2023, Chính phủ dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 21 dự án. Trong đó, tại Kỳ họp thứ 5 dự kiến có 16 dự án, trình Quốc hội thông qua 6 dự án; tại Kỳ họp thứ 6 dự kiến có 13 dự án.
Bộ trưởng Lê Thành Long trình bày Báo cáo tình hình và tiến độ chuẩn bị đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Về đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết dự kiến sẽ trình Quốc hội 13 dự án, trong đó có 5 dự án được gối từ năm 2023 và 8 dự án mới là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Dân số (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi).
Ngoài ra, báo cáo về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho hay, có 57/80 dự án theo Kế hoạch 81 phải đưa vào Chương trình năm 2022-2024. Đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội đưa vào Chương trình năm 2022 hoặc đang đề nghị đưa vào Chương trình các năm 2023 – 2024 tổng số là 33/57 dự án, chiếm 57,9%.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan đã trao đổi làm rõ sự cần thiết các đề xuất xây dựng luật và báo cáo về tiến độ thực hiện các nhiệm vụ lập pháp theo Chương trình và Kế hoạch.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao các cơ quan trong việc chuẩn bị báo cáo về việc chuẩn bị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và dự kiến các công việc triển khai trong thời gian tới. Trên cơ sở các nội dung trao đổi tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối trong lĩnh vực này tham mưu cho Chính phủ để khẩn trương hoàn thiện Tờ trình về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình năm 2023 để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/3 để tổ chức thẩm tra theo quy định.
Đồng thời, cần tiếp tục rà soát các nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là các nhiệm vụ phải hoàn thành trong năm 2023 và đề xuất đưa vào Chương trình của năm 2023 và 2024. Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ để đôn đốc các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình bảo đảm tiến độ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý cân đối số lượng các dự án luật, pháp luật để đưa vào Chương trình hàng năm bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ lập pháp, trong đó có sự điều hòa, phối hợp, có tính đến tính hợp lý, khả thi, gối đầu giữa các năm để tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan chủ trì thẩm tra vào một kỳ họp Quốc hội hay một năm, để tránh quá tải cho các cơ quan hay làm gấp gáp mà ảnh hưởng đến chất lượng dự án.