Từ nay đến cuối năm, thị trường bất động sản công nghiệp phía bắc sẽ đón nhận thêm 670ha đất khu công nghiệp.
Ảnh minh hoạ
Cushman & Wakefield vừa phát hành báo cáo về thị trường bất động sản công nghiệp phía bắc quý 1.2023.
Theo đó, nguồn cung tương lai của nhà xưởng và nhà kho xây sẵn tiếp tục dồi dào trong giai đoạn 2023-2025, với 1,2 triệu m2 nhà xưởng và 700.000 m2 nhà kho gia nhập thị trường.
Nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp vẫn sẽ được duy trì nhờ chiến lược Trung Quốc + 1 của các công ty sản xuất, nhưng có khả năng chậm lại.
Bên cạnh đó, giá thuê bất động sản xây sẵn có thể tiếp tục tăng nhưng với tốc độ vừa phải. Trong khi đó, giá thuê đất công nghiệp sẽ tiếp tục xu hướng tăng.
Cụ thể, trong quý 1.2023, giá chào thuê sơ cấp của khu công nghiệp được ghi nhận ở mức 115 USD (khoảng 2,8 triệu đồng)/m2/thời hạn thuê, tăng 2,9% theo quý và 5,5% theo năm nhờ nhu cầu cao đối với loại hình này.
Giá thuê nhà xưởng xây sẵn tăng nhẹ 1,9% theo quý do một số dự án điều chỉnh giá thuê, ghi nhận ở mức 4,7 USD/m2/tháng. Trong khi đó, giá thuê của nhà kho xây sẵn vẫn giữ ổn định, ở mức 4,5 USD/m2/tháng.
Về nguồn cung, trong quý I/2023, thị trường công nghiệp miền Bắc chào đón nguồn cung mới khoảng 116ha từ khu công nghiệp Tam Dương I – Phân khu 2 tại tỉnh Vĩnh Phúc, trong khi không có nguồn cung kho xưởng mới.
Theo Cushman & Wakefield, nhờ vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng và khả năng kết nối được cải thiện, Vùng Kinh tế trọng điểm miền Bắc tiếp tục nhận được làn sóng đầu tư, đặc biệt là từ ngành công nghiệp điện tử và ô tô (các nhà đầu tư đáng chú ý bao gồm Goertek, Autoliv, Xiamen Sunrise Group…). Điều này đã giúp tỷ lệ lấp đầy tăng nhẹ 1 điểm phần trăm theo quý, tương đương với diện tích hấp thụ là 81ha.
Tương tự như thị trường khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy của nhà xưởng xây sẵn tăng nhẹ 1 điểm phần trăm theo quý do nhu cầu từ các doanh nghiệp phụ trợ trong ngành điện tử và các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ khác vẫn được duy trì.
Thị trường nhà kho xây sẵn ghi nhận tỷ lệ lấp đầy giảm nhẹ 1 điểm phần trăm theo quý vì lý do mùa vụ và một phần do triển vọng kinh tế toàn cầu tiêu cực.
Trước đó, Báo cáo Cạnh tranh chi phí khu công nghiệp hai miền Bắc – Nam của Cushman & Wakefield Việt Nam, ghi nhận giá thuê sơ cấp trung bình đất công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc đạt 112 USD/m2, thấp hơn 42% so với vùng kinh tế trọng điểm miền Nam (159 USD/m2).
Trong đó, giá thuê đất công nghiệp tại Hà Nội chỉ 235 USD/m2 cho cả chu kỳ thuê, còn giá thuê đất công nghiệp tại TP.HCM lại đạt ngưỡng 300 USD/m2 – lập đỉnh giá thuê đất công nghiệp trên cả nước và cao hơn 28% so với Hà Nội.
Có cùng đánh giá, báo cáo vừa công bố của CBRE cũng cho thấy, năm 2022 tại miền Nam, bình quân giá thuê đất công nghiệp ở thị trường cấp 1 (thủ phủ công nghiệp phát triển) tăng 8-13% theo năm và đạt 166 USD/m2 tính trên kỳ hạn thuê còn lại.
Trong khi đó, giá thuê trung bình của các thị trường cấp 1 phía Bắc chỉ ở mức 120 USD/m2 cho kỳ hạn thuê còn lại, tăng 11% so với năm trước và thấp hơn 38% so với miền Nam.
Đáng chú ý theo CBRE, việc có vị trí gần Trung Quốc hơn và giá thuê đất công nghiệp cạnh tranh hơn phía Nam đã giúp các khu công nghiệp miền Bắc thuận lợi đón xu hướng chuyển dịch sản xuất.
Ngoài ra, chiến lược Trung Quốc + 1 (chiến lược kinh doanh mà các tập đoàn quốc tế áp dụng để tránh chỉ đầu tư vào Trung Quốc) của nhiều công ty sản xuất đang tiếp diễn vài năm trở lại đây.
Trong đó, các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng hiện là những địa phương dẫn đầu trong việc thu hút FDI.