Doanh thu từ thị trường xuất khẩu giảm mạnh khiến Thép Nam Kim báo lỗ quý 1/2023 hơn 49 tỷ đồng và đây đã là quý lỗ thứ 3 liên tiếp của doanh nghiệp này.
Thép Nam Kim báo lỗ quý thứ 3 liên tiếp
Công ty CP Thép Nam Kim (Mã: NKG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1/2023 với doanh thu thuần đạt 4.375 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong kỳ, giá vốn chiếm 97% doanh thu thuần khiến lợi nhuận gộp thu hẹp còn 138 tỷ đồng, biên lãi gộp giảm mạnh từ 13% cùng kỳ xuống 3% quý này.
Doanh thu từ thị trường nội địa của Nam Kim đạt 2.255 tỷ đồng, giảm 16%; doanh thu từ xuất khẩu đạt 2.125 tỷ đồng, giảm tới 53% so với quý 1/2022.
Ngoài ra, doanh thu tài chính đạt hơn 57 tỷ đồng, giảm 21% so với quý 1 năm ngoái, chi phí tài chính tăng nhẹ lên 128 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí bán hàng giảm mạnh từ 295 tỷ đồng xuống còn gần 83 tỷ đồng.
Kết quả, sau khi trừ các khoản chi phí, Nam Kim báo lỗ sau thuế hơn 49 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 507 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ 3 liên tiếp của doanh nghiệp này.
Năm 2023, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng. Như vậy, sau ba tháng, Nam Kim chỉ mới hoàn thành 22% kế hoạch doanh thu và chưa đạt chỉ tiêu có lãi.
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Nam Kim đạt 12.752 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho vẫn là khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất (51%) trong cơ cấu tài sản của công ty với 6.478 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn khoảng 941 tỷ đồng.
Cuối quý 1/2023, tổng nợ vay của Nam Kim ở mức 5.608 tỷ đồng, hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn bằng VND và đồng USD, chiếm 44% tổng nguồn vốn. Ba tháng đầu năm, số tiền lãi mà công ty phải trả là hơn 93 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của công ty đạt 5.261 tỷ đồng bao gồm 1.569 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tại ngày 31/3.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Hồ Minh Quan – Chủ tịch Thép Nam Kim cho rằng, tình hình quý đầu năm nay còn nhiều khó khăn do nghỉ Tết và giá cả vừa được ổn định.
“Nhìn chung kết quả quý 1/2023 của Nam Kim đã tương đối tốt hơn so với các đơn vị cùng ngành, dù có lỗ nhưng đã giảm thiểu so với hai quý cuối năm 2022. Quý 2, dự báo sẽ khả quan và sáng sủa hơn”, ông Quan nói.
Năm 2023, những biến động giá nguyên liệu đầu vào, chất đốt… vẫn rất khó lường; rủi ro về lạm phát tăng cao khiến nhu cầu về xây dựng suy giảm. Kinh tế thế giới đối diện với khủng hoảng khi lãi suất tăng mạnh, các dự án triển khai ngày một ít đi trong khi chi phí lãi vay toàn cầu tăng mạnh. Trong khi đó, mức độ cạnh tranh ngày càng lớn, đặc biệt là các sản phẩm về tôn mạ và ống thép.
Nam Kim cho rằng, thị trường năm nay sẽ chưa thực sự thuận lợi để tăng trưởng nhưng những gì khó khăn nhất đã qua.