Bổ sung thêm đất có quy hoạch phân khu
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 03, sửa đổi Thông tư 09 của Bộ Xây dựng về Nguyên tắc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu.
Đất có quy hoạch phân khu, quy hoạch chung được đưa vào đấu thầu làm nhà ở xã hội (ảnh minh hoạ)
Nếu điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư 09 cũ chỉ quy định, đất đấu thầu nhà ở xã hội phải có quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thì Thông tư 03 mới bổ sung thêm trường hợp với đất đưa vào đấu thầu nhà ở xã hội khi chưa có quy hoạch chi tiết.
Theo đó, đất đưa vào đấu thầu khi chưa có quy hoạch chi tiết được cơ quan nhà nước phê duyệt, thì phải thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch phân khu (đối với khu vực có yêu cầu phải lập quy hoạch phân khu), hoặc đã được phê duyệt quy hoạch chung đối với khu vực không yêu cầu lập quy hoạch phân khu.
Đồng thời, khu đất dự kiến thực hiện dự án nhà ở phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực để quy định các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch và các yêu cầu liên quan về kết nối hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật”. Quy định này có hiệu lực từ ngày 15/6 tới.
Trao đổi với PV Báo Giao thông về nội dung mới này, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho hay, hiện nay, chủ trương của Chính phủ là phát triển nhà ở xã hội, do đó đòi hỏi cơ chế thông thoáng hơn. Thông tư 03 bổ sung thêm trường hợp đất được xây nhà ở xã hội, tạo cơ chế thuận lợi, hướng tới mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Cần thí điểm cơ chế đặt hàng làm nhà ở xã hội?
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, một doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội tại Bắc Giang cho hay, Thông tư 03 đối với doanh nghiệp không có nhiều tác động, chủ yếu là tạo thêm cơ chế để phát triển quỹ đất đấu thầu nhà ở xã hội. Khó khăn với doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội hiện nay là giá bán. Quy định, doanh nghiệp chỉ được bán giá lãi 10% là quá thấp so với thời gian triển khai và thực hiện các thủ tục cần thiết. Ngoài ra, giá vật liệu biến động liên tục, đơn giá định mức ban hành chậm, giảm giá định mức khiến doanh nghiệp không dám đầu tư, bởi cứ đầu tư là lỗ.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp cho rằng, cần phải thực hiện theo cơ chế thị trường, đặt hàng nhà ở xã hội. Quy định khung giá nhà ở xã hội, khi doanh nghiệp cam kết với mức giá Nhà nước đưa ra thì nghiễm nhiên được nhận các ưu đãi đối với nhà ở xã hội. Như vậy giảm các hiện tượng mua chui, xin cho, giảm các khâu thủ tục hành chính rườm rà cho cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.
Ví dụ quy định, giá nhà ở xã hội tại TP Hà Nội và TP.HCM là 20 triệu/m2. Như vậy, cứ doanh nghiệp nào bán giá nhà 20 triệu/m2 thì được hưởng những chính sách về nhà ở xã hội về giao đất, giảm thuế…Như thế, doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, tính toán thu chi, họ mới mặn mà vào làm.
Bên cạnh đó cần xây dựng giải pháp thanh toán tốt thúc đẩy mua nhà ở xã hội, thay vì chỉ cho vay 5-10 năm, thì kéo dài thời gian cho vay mua nhà ở xã hội, lãi suất thấp lên 20-30 năm. Như thế, việc xây dựng và phát triển nhà ở xã hội mới có hiệu quả.
Đồng thời, ông kiến nghị thêm, cần quy định tiêu chuẩn hạ tầng xã hội của nhà ở xã hội phải được như nhà ở thương mại. “Bắt buộc nhà ở xã hội phải có tiêu chuẩn tầng hầm như nhà ở thương mại, giải quyết các nhu cầu cho cư dân như để xe, không gian công cộng… Nhiều nhà ở xã hội không có tầng hầm gây hệ quả rất lớn đối với xã hội”, ông Điệp nói.