Bến Tre đề xuất xây tuyến đường ven biển dài 48km kết nối Tiền Giang và Trà Vinh với vốn đầu tư khoảng 8.400 tỉ đồng. Đây là là 1 trong số 16 dự án trọng điểm tại khu vực Miền Tây được địa phương thảo luận với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong cuộc họp diễn ra gần đây.
Bến Tre đề xuất đầu tư 8.400 tỉ đồng để xây dựng đường ven biển nối với Tiền Giang, Trà Vinh. Ảnh minh họa
Theo đề xuất của tỉnh Bến Tre, tuyến đường ven biển sẽ đi qua các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú và kết nối với tuyến đường bộ ven biển của tỉnh Tiền Giang và tỉnh Trà Vinh với tổng chiều dài đầu tư khoảng 48 km.
Theo quy mô quy hoạch dự kiến, dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre được chia thành 2 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1, xây dựng đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới; giai đoạn 2, dự kiến nâng cấp, mở rộng tuyến đường ngoài đô thị với bề rộng nền đường 46 m và trong đô thị với bề rộng nền đường 100 m
Dự án sẽ xây dựng tổng cộng 4 công trình cầu, yêu cầu tổng kinh phí lên tới 8.400 tỉ đồng. Phía địa phương đề xuất huy động nguồn vốn hỗn hợp từ ngân sách và vốn vay ODA để triển khai dự án.
Cụ thể, cầu Ba Lai và 10 km đường được đề xuất sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; phần còn lại 38 km và cầu Hàm Luông 2 đề xuất đầu tư bằng nguồn vốn ODA.
Riêng 2 cầu lớn liên tỉnh là cầu Cửa Đại kết nối với Tiền Giang và cầu Cổ Chiên 2 kết nối với Trà Vinh, tỉnh Bến Tre đề xuất Trung ương đầu tư 100% (bằng vốn ODA cấp phát 100%, hoặc huy động vốn hợp pháp khác). Mỗi nguồn vốn sẽ được đầu tư bằng 1 dự án độc lập.
Bến Tre đề xuất vay vốn ODA khoảng 5.200 tỉ đồng từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc – Kexim, còn lại vốn đối ứng 3.200 tỉ đồng. Nếu dự án được phê duyệt trong năm 2023, năm 2024 sẽ tiến tới ký hiệp định vay và triển khai đầu tư.
Đây là dự án thuộc kế hoạch xây dựng 415 km đường ven biển liên vùng đi qua 7 tỉnh miền Tây được thảo luận trong cuộc họp về phát triển vùng ĐBSCL vừa qua. Kế hoạch yêu cầu kinh phí lên tới 43.000 tỉ đồng để thực hiện, chiếm phần lớn so trong số vốn 94.000 tỉ đồng để triển khai 16 dự án tại khu vực miền Tây. Nguồn vốn đầu tư vào ĐBSCL dự kiến sẽ huy động tư vốn vay quốc tế (2.8 tỉ USD) và khoảng 28.000 tỉ đồng vốn đối ứng.
Các dự án này sẽ tăng cường liên kết vùng, thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời tạo được động lực phát triển cho các địa phương, các dự án trên sẽ hiện thực hóa Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.