Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trong một vài năm tới TP.HCM sẽ có thêm 4 cây cầu với mức đầu tư gần 20.000 tỉ đồng được triển khai góp phần giảm ùn tắc và hoàn thiện giao thông.
Cầu Cần Giờ
Phối cảnh cầu Cần Giờ.
Theo kế hoạch, cầu Cần Giờ có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 3,6km, kết nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè vào trung tâm TP.HCM.
Cầu có quy mô 6 làn xe. Công trình thiết kế dây văng 1 trụ tháp, phác họa hình tượng cây đước (đặc trưng của huyện Cần Giờ), sử dụng lan can hình tượng sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu, đồng thời thiết kế chiếu sáng nghệ thuật cho cầu.
Tổng mức đầu tư dự án gần 10.000 tỉ đồng, được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
Được biết, tháng 8/2022, UBND TP.HCM đã giao vốn thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư cầu 500 triệu đồng cho Sở GTVT TP.HCM. Hiện Sở GTVT TP.HCM đã lựa chọn xong đơn vị tư vấn lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Công tác lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án dự kiến hoàn tất trong quý 1/2023.
Khi hoàn thành, cầu Cần Giờ có nhiệm vụ thay thế cho phà Bình Khánh kết nối khu Nam TP.HCM với huyện Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Cầu Thủ Thiêm 4
Hình phương án dự thi tuyển chọn “Phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Thủ Thiêm 4 – Thành phố Hồ Chí Minh”.
Theo tìm hiểu, năm 2016, UBND TP.HCM phê duyệt chủ trương xây dựng dự án cầu Thủ Thiêm 4 với tổng mức đầu tư khoảng 5.300 tỉ đồng.
Công trình bắt đầu từ trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 – Nguyễn Văn Linh đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát để kết nối vào đường Lưu Trọng Lư. Cầu tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn, rồi nối với Khu đô thị Thủ Thiêm tại giao lộ trục Bắc Nam và tuyến R4.
Cầu có chiểu dài dài gần 2,2km, rộng 28m với quy mô 6 làn xe và vận tốc thiết kế 60 km/h.
Cầu Thủ Thiêm 4 được kỳ vọng góp phần giảm ùn tắc giao thông từ khu Nam TP.HCM về trung tâm, đồng thời giúp Khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển nhanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội thành phố.
Tuy nhiên, nhiều năm qua dự án vẫn “giậm chân tại chỗ” do chờ xác định phương án đầu tư mới. Bởi công trình trước đó dự tính thực hiện theo hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng), nhưng hình thức này bị loại bỏ trong Luật PPP nên phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Sở GTVT TP.HCM dự kiến triển khai dự án cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Theo kế hoạch, công trình dự kiến thực hiện giai đoạn 2024-2028.
Cầu đường Bình Tiên
Dự án cầu đường Bình Tiên góp phần làm giảm ùn tắc cho quốc lộ huyện Bình Chánh.
Dự án cầu đường Bình Tiên dài hơn 3,2 km, trong đó phần cầu hơn 900m và phần đường dài gần 2,3 km, điểm đầu tại nút giao đường Bình Tiên – Phạm Văn Chí (Q.6), điểm cuối kết nối vào đường Nguyễn Văn Linh tại nút giao với quốc lộ 50 (Bình Chánh), mặt cắt ngang 30 – 40m.
Công trình có điểm đầu tại nút giao Bình Tiên – Phạm Văn Chí (quận 6), sau đó băng qua đại lộ Võ Văn Kiệt, kênh Tàu Hủ, đường Cây Sung (quận 8), kênh Đôi, đường Tạ Quang Bửu, rồi chạy qua khu dân cư Bình Hưng trước khi nối vào đại lộ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).
Cuối năm 2022, Sở GTVT TP.HCM báo cáo UBND TP.HCM về việc nhà đầu tư đề xuất đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BOT. Đơn vị này sẽ tự bỏ kinh phí nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đầu tư dự án nếu thành phố chấp thuận.
Theo Sở GTVT TP.HCM, nếu dự án được thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm nay, dự án sẽ được tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi và lựa chọn nhà đầu tư để khởi công trong năm 2024.
Cầu đường Bình Tiên khi hoàn thành giúp giảm ùn tắc, tăng kết nối vùng TP.HCM với các tỉnh miền Tây bởi tuyến đường sẽ nối qua quốc lộ 50, đường Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 1, cao tốc Bến Lức – Long Thành, Vành đai 3.
Cầu Tân Kỳ – Tân Quý
Dự án cầu Tân Kỳ – Tân Quý (Quận Bình Tân) ngừng thi công 4 năm qua. Ảnh: Anh Tú
Cầu Tân Kỳ – Tân Quý có chiều dài 80m, rộng 16m với quy mô 4 làn xe, đường dẫn 225m nằm trên đường Tân Kỳ – Tân Quý thuộc phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân. Dự án khi hoàn thành sẽ đóng góp quan trọng vào việc giải quyết ùn tắc giao thông cho cửa ngõ phía tây nam thành phố và kết nối hiệu quả Quốc lộ 1A với đường Cộng Hòa.
Được biết, công trình được khởi công vào quý I/2018 với vốn đầu tư 312 tỉ đồng theo hình thức BOT do Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO-IDI) làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành trong quý 4/2018.
Tuy nhiên, dự án bị chậm tiến độ. Đến cuối 2018, khi đã xây dựng được 70% thì công trình đã tạm ngừng cho đến nay do chưa hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước đã khuyến cáo việc đầu tư BOT cầu Tân Kỳ – Tân Quý để thu phí trên Quốc lộ 1A là không thích hợp, không hợp với lợi ích của nhà đầu tư và người sử dụng. Do đó, UBND thành phố đã quyết định dừng hợp đồng BOT để chuyển qua đầu tư công, tổng vốn hơn 491 tỉ đồng, đã được HĐND thành phố thông qua.
Theo UBND thành phố, số tiền 491 tỉ đồng đã bao gồm phần hoàn trả cho nhà đầu tư, cùng kinh phí đầu tư các hạng mục còn lại của dự án. Dự kiến trong năm nay, thành phố sẽ hoàn tất trả cho nhà đầu tư gần 206 tỉ đồng; 24 tỉ đồng là kinh phí dự phòng nếu thời gian thanh toán kéo dài đến hết năm 2023. Riêng kinh phí đầu tư hoàn thành các hạng mục còn lại khoảng 261 tỉ đồng.
Dự kiến công trình sẽ tái khởi động năm 2023 và hoàn thành năm 2024.