Tuy nhiên, đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn (Bình Dương) dài 16,7km với 6 làn đã bon bon xe chạy từ nhiều năm nay. Dọc tuyến, đã hình thành các khu đô thị với nhiều dự án nhà ở.
Cư dân trẻ đổ về khu dân cư mới
Những cư dân trẻ tương lai của TP Thuận An, nơi có đường Vành đai 3 đi qua
Hai TP Thuận An và Dĩ An của Bình Dương được hưởng lợi trực tiếp bởi có đường Vành đai 3 xuyên qua. Theo đó, ngoài đoạn 16,7km hiện hữu, còn có đoạn Bình Chuẩn (Bình Dương) – Hóc Môn (QL22, TP.HCM) dài 19,1km.
Sáng 25/2, từ nội thành TP.HCM, chúng tôi mất chừng 30 phút theo hướng Xa lộ Hà Nội để đến nút giao Tân Vạn. Đây là nút giao quan trọng nhất của đường Vành đai 3 trên tuyến, nối TP.HCM – Đồng Nai – Bình Dương.
Trên đoạn Vành đai 3 đã hình thành này, lúc nào cũng nườm nượp xe đầu kéo container len đặc 2 làn ô tô (làn trong cùng dành cho xe máy).
Đoạn Vành đai 3 này kéo dài thẳng về hướng Bình Phước (nối lên Tây Nguyên) bằng đường Mỹ Phước – Tân Vạn (49km) do Tổng công ty Becamex IDC (Bình Dương) thi công, thông xe từ 2021.
Trên tuyến Vành đai 3 hoàn thành, hai bên đường phần lớn là các cơ sở sản xuất hoặc dịch vụ mua bán xe cơ giới hạng nặng như máy ủi, xúc…
Một số dự án cao tầng đang xây dựng. Còn các khu dân cư nằm lùi bên trong, đã có người dân đến ở, chợ búa, trường học nhộn nhịp.
Người dân đến sinh sống tại những khu dân cư mới hình thành này chủ yếu là người từ những tỉnh khác, họ đến Bình Dương làm việc khi địa phương này có tăng trưởng việc làm thuộc hàng cao nhất nước.
Chị Phạm Oanh (29 tuổi, quê Nghệ An), cư dân Khu đô thị Thuận An Center cho biết: “Tôi mới chuyển về khu này hơn một năm. Khu vực này đã đầy đủ các tiện ích như: Nhà thờ, chợ, trường học… Công ty của tôi ở gần đây. Nơi này khá thuận tiện cho việc đi lại, việc đi làm cũng như việc học hành cho con cái nên tôi chọn định cư ở đây”.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An cho biết, phần lớn cư dân của các khu đô thị ở Thuận An, Dĩ An là lao động di cư từ nơi khác đến, như chị Oanh.
Họ tìm việc và định cư ở đây, sinh con đẻ cái và các cháu được học hành ở miền đất mới.
Chị Nguyễn Yến, cũng một lao động nhập cư và nay đã trở thành công dân Bình Dương, chia sẻ: “Tôi mua nhà ở đây đã được hai năm. Đa số người dân ở đây còn rất trẻ và từ các vùng miền khác mới chuyển về. Tương lai thì tôi chưa biết khu vực này sẽ như thế nào nhưng hiện tại thì thấy đi đâu cũng gần, thuận tiện. Chẳng hạn muốn đi siêu thị, đi làm hay đi về Đồng Nai, đi TP.HCM đều nhanh, thuận lợi”.
Tại hai thành phố trẻ của Bình Dương, còn nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang mọc lên, thu hút thêm nhiều cư dân đến sinh sống, làm việc.
Đi trên đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn, sẽ thấy dự án cao tầng Honas Residenceđang xây dựng, cách lộ giới chừng 20m. Đây là dự án căn hộ chung cư được xây dựng trên khu đất rộng 4.585m2, gồm 500 căn hộ do Công ty TNHH Dịch vụ Bất động sản và Xây dựng Hoàng Nam làm chủ đầu tư.
Dự án có quy mô 1 tòa tháp với 29 tầng nổi, 2 tầng hầm. Giá bán căn hộ từ 26 triệu đồng/m2, một mức giá rất dễ chịu so với láng giềng TP.HCM gần đó, bình quân có mức giá 40-50 triệu đồng/m2.
Gần đó là dự án Bcons Sala thuộc đường Phan Bội Châu, khu phố Đông Tân, phường Dĩ An, gồm 1 tòa tháp với hơn 513 căn hộ, diện tích từ 45 – 62m2 và 11 căn shophouse, do Công ty CP Bất động sản Phú Mỹ Hiệp làm chủ đầu tư, giá bình quân dao động 30 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, nhiều dự án lân cận khác như: Khu đô thị Vista Riversiden, Luxury Residence, Tecco Felice Homes, Khu dân cư An Residence, Chung cư Thuận Giao Legacyprime…
Trong số này, có một số dự án đang vướng lùm xùm về tính pháp lý hoặc tranh chấp với chủ đầu tư về việc đóng tiền đặt cọc mua nhà.
Thị trường bất động sản sôi động
Những tháng gần đây, khi TP.HCM và các tỉnh trong khu vực quyết liệt thúc tiến độ đường Vành đai 3 thì thị trường bất động sản khu vực Bình Dương cũng sôi động.
Tại Khu đô thị Đông Bình Dương (nằm trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, cách Vành đai 3 khoảng 5km), chúng tôi được nhân viên của công ty địa ốc Thuận Thiên ríu rít tư vấn các sản phẩm ở dự án này. Ở các dự án khác, khi chúng tôi tới là luôn luôn có nhân viên “chăm sóc”.
Giá đất hoặc căn hộ của các dự án trên khu vực tuyến Vành đai 3 đều tăng giá nhiều so với 2018. Chẳng hạn, dự án của Công ty CP Ngoại thương và Phát triển đầu tư TP.HCM (Fideco) làm chủ đầu tư đang rao bán với giá 11 – 16 triệu đồng/m2, trong khi đó vào năm 2018 chỉ bán với giá khoảng 4,5 triệu đồng/m2.
Lý do là dự án này tọa lạc tại vị trí thuận tiện, kết nối với các tuyến giao thông nên giá tăng. Dù vậy cũng phải… coi chừng.
Theo tìm hiểu của PV, dự án Đông Bình Dương dù đã được chấp thuận chủ trương, giao đất và phê duyệt quy hoạch từ năm 2003 nhưng được hoàn thiện, chưa có giấy phép xây dựng.
Ngay cả khi PV đặt ra câu hỏi về những tiện ích nội khu của dự án như trường học, bệnh viện khi nào được hình thành thì nhân viên tư vấn lắc đầu, không biết.
Nhiều khu đô thị sẽ hình thành trong tương lai
Một góc TP Thuận An, đô thị trẻ trên tuyến đường Vành đai 3. Ảnh: Ngọc Hoa
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An cho biết, ngoài số ít các dự án nhà ở đang xây dựng, phần lớn các dự án vẫn còn nằm trên quy hoạch.
Trên thực tế, chuyến khảo sát của nhóm PV chúng tôi cho thấy: Dù giáp với TP.HCM “tấc đất, tấc vàng” nhưng ở Thuận An, dư địa đất đai còn mênh mông với những vườn cây, rừng cây bạt ngàn.
“Vành đai 3 là trục giao thông huyết mạch của tỉnh Bình Dương nói chung và TP Thuận An nói riêng. Tuyến đường này đi qua sẽ giúp cho việc lưu chuyển hàng hoá và đi lại của người dân nhanh hơn, thuận lợi hơn.
Theo quy hoạch chung của TP đang lập trình gửi tỉnh để thẩm định, phê duyệt sắp tới thì trên trục Vành đai 3 này sẽ có quy hoạch một số khu đô thị.
Hiện nay một số nhà đầu tư đang nghiên cứu, rất kì vọng Vành đai 3 sẽ được thi công nhanh và đi vào sử dụng để tạo sức bật cho TP Thuận An và các vùng lân cận”, ông Tâm chia sẻ.
Cũng theo ông Tâm, dân cư Thuận An hiện nay còn thưa thớt. Tuy nhiên, khi đường Vành đai 3 đi qua, dân cư sẽ về đông hơn và như ông nói: “Những cư dân đó chính là động lực phát triển mới của vùng đất này. Quy hoạch đến năm 2030, TP Thuận An sẽ có 600.000 người”.
Con đường kết nối vùng kinh tế lớn
Đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 92km, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An thành một hình vòng cung và khép kín khi nối vào cao tốc Bến Lức – Long Thành. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 19.280 tỉ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 13.528 tỉ đồng.
Đường Vành đai 3 có vai trò quan trọng trong việc kết nối các kho, cảng, khu công nghiệp, sân bay, kết nối các vùng miền, tăng tốc độ lưu thông hàng hóa và mở ra triển vọng phát triển các khu đô thị…