Biên phòng – Từ nguồn vốn Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tương Dương hỗ trợ, Đồn Biên phòng Nhôn Mai, BĐBP Nghệ An trích thêm quỹ đơn vị triển khai một số mô hình sinh kế quân dân kết hợp với mục đích giúp các hộ gia đình nghèo phát triển kinh tế. Bước đầu thực hiện, các hộ gia đình có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, yên tâm bám bản làng, sát cánh cùng BĐBP bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn.
Trung tá Nguyễn Khắc Sửu hỗ trợ ông Lô Văn Toản thu hoạch cá nuôi lồng bè trên sông. Ảnh: Viết Lam
Trong sương sớm, trên khu vực thượng nguồn sông Nậm Nơn thuộc địa bàn bản Nhôn Mai, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An có khá nhiều người dân hành nghề đánh bắt cá tự nhiên. Cũng tại khúc sông này, ở một lồng bè được xây dựng kiên cố, ông Lô Văn Toản, bản Nhôn Mai và Trung tá Nguyễn Khắc Sửu, nhân viên Đội Kiểm soát – Hành chính, Đồn Biên phòng Nhôn Mai đang từng bước “thu lưới” bắt cá.
“Sáng nay, người phụ trách bếp của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nhôn Mai gọi điện lên đặt 20kg cá phục vụ cho bữa ăn của học sinh, tôi phải gọi chú Sửu nhờ chú xuống hỗ trợ. Đàn cá tăng trưởng đều lắm, trung bình mỗi con có trọng lượng khoảng 2kg, bắt xong, tôi sẽ sử dụng xe máy chở xuống giao cho họ, rồi nhận tiền về nhập vào sổ” – ông Toản cho biết.
Trong câu chuyện, ông Toản cũng chia sẻ rằng, đã nhiều năm hành nghề đánh bắt cá tự nhiên trên sông Nậm Nơn, nhưng nguồn thu nhập bấp bênh và nguy cơ gặp rủi ro tai nạn lao động. Chính vì vậy mà ông rất vui khi cuối năm 2022, Trung tá Nguyễn Khắc Sửu đã đến gặp, truyền đạt ý kiến của chỉ huy đơn vị về việc hỗ trợ nuôi cá lồng trên sông. Theo đó, Đồn Biên phòng Nhôn Mai sẽ hỗ trợ 2 lồng bè, cá giống, kỹ thuật chăn nuôi, còn ông Toản sẽ trực tiếp chăm sóc.
Theo cam kết, sau khi thu hoạch, gia đình ông Toản sẽ được nhận 50% số tiền lãi từ việc bán cá, số tiền còn lại sẽ được đơn vị tiếp tục thu lại để hỗ trợ cho các hộ dân khác. Sau khi “giao ước” được ký kết, căn cứ vào thực tế, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Nhôn Mai và ông Toản đã thống nhất chọn giống cá trắm cỏ để thả lồng bởi có thể tận dụng thân, lá cây chuối rừng vốn mọc rất nhiều ở khu vực rừng núi ở hai bên lòng sông để làm thức ăn.
Trên cơ sở đó, vụ nuôi đầu tiên, Đồn Biên phòng Nhôn Mai và gia đình ông Toản đã thả 300 con cá trắm giống để chăn nuôi. Sau gần 6 tháng chăm sóc, ông Toản bắt đầu bán ra thị trường và dự kiến, tổng trọng lượng đàn cá đạt khoảng 6 tạ, giá trị kinh tế ước tính 60 triệu đồng.
Cán bộ Đồn Biên phòng Nhôn Mai hướng dẫn ông Vi Thanh Vinh chăm sóc đàn dê. Ảnh: Viết Lam
Thượng tá Phan Thanh Hồng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhôn Mai cho biết: “Từ nguồn vốn của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tương Dương hỗ trợ, Ban chỉ huy đơn vị quyết định trích thêm quỹ phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nhôn Mai để xây dựng các mô hình sinh kế quân dân kết hợp, với mục đích giúp các hộ gia đình nghèo phát triển kinh tế. Trong đó, chúng tôi tập trung phát triển 3 loại vật nuôi chính gồm: Bò, dê và cá lồng trên sông Nậm Nơn. Ngoài công sức của bộ đội, các hộ gia đình tham gia mô hình sẽ ký cam kết để phát huy trách nhiệm trong lao động sản xuất và đảm bảo quyền lợi. Chúng tôi cũng vận động các tổ chức đoàn thể địa phương tham gia kiểm tra, giám sát, đôn đốc hộ dân thực hiện cam kết đã ký”.
Cũng tại địa bàn bản Nhôn Mai, ở một khu vực đất bằng phẳng bên bờ sông Nậm Nơn, ông Vi Thanh Vinh đang cùng một cán bộ Biên phòng cho đàn dê ăn lá cây rừng. Khu chuồng trại chăn nuôi dê do ông Vinh làm chủ cũng được phát triển theo mô hình sinh kế quân dân kết hợp. Ban đầu, ngoài việc hỗ trợ 12 con dê giống sinh sản, Đồn Biên phòng Nhôn Mai còn cử cán bộ, chiến sĩ đến giúp hộ gia đình ông Vinh xây dựng chuồng trại phù hợp với kỹ thuật. Từ ngày tham gia mô hình, người nông dân đồng bào dân tộc Thái chuyên tâm chăm sóc đàn gia súc được giao. Mỗi sáng, ông đều đặn thả đàn dê cho đi ăn, chiều muộn lại tìm đuổi về chuồng. Khoảng thời gian rảnh rỗi, ông dọn vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị thức ăn bổ sung vào những ngày mưa, rét.
Sau thời gian chăn nuôi, dưới sự hỗ trợ, giám sát chặt chẽ của cán bộ Biên phòng, đàn dê phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu vùng biên giới. Còn ông Vinh cũng đã quen dần với việc nuôi dê tập trung. “Sau gần một năm triển khai, số lượng đàn dê đã tăng gần gấp đôi, một số con khác lại sắp sinh lứa thứ hai. Theo cam kết, tôi sẽ được hưởng một nửa số dê được sinh ra, số còn lại sẽ được BĐBP tặng các hộ dân khác. Hi vọng rằng, mô hình chăn nuôi dê sẽ giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định” – ông Vinh chia sẻ.
Ngoài việc triển khai các mô hình cụ thể giao cho các hộ dân quản lí, tại các tổ, chốt của Đồn Biên phòng Nhôn Mai đều đẩy mạnh chăn nuôi dê, bò với mục đích gây quỹ đơn vị và hỗ trợ con giống cho các hộ gia đình nghèo trên địa bàn. Cùng với đó, cán bộ Biên phòng “bám bản” sẽ hướng dẫn, vận động nhân dân thay đổi tư duy về chăn nuôi, phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững. Cách làm mới này bước đầu thu được kết quả tích cực, góp phần tăng cường tình đoàn kết quân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ biên giới, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn.
Viết Lam