Luật Thanh niên chưa rộng khắp
Tại buổi làm việc, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đề nghị các sở, ngành tỉnh Hà Tĩnh báo cáo tình hình thực hiện luật Thanh niên tại địa phương và những kết quả đạt được giúp đoàn có thêm thông tin, cơ sở để báo cáo, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về các chính sách về thanh niên.
Đoàn công tác của Uỷ ban quốc gia về thanh niên VN làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, tỉnh này đã giao Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở TT-TT, các cơ quan báo chí phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu luật Thanh niên 2020 cho các đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh bằng nhiều hình thức đa dạng.
Các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã tổ chức hơn 700 buổi tuyên truyền luật Thanh niên 2020, các văn bản liên quan của T.Ư và của tỉnh cho đoàn viên, thanh niên bằng các hình thức như: Hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, đối thoại. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật lồng ghép trong hội nghị, cuộc họp, sinh hoạt Chi đoàn…
Thường xuyên đăng tải các thông tin, hình ảnh về Luật thanh niên 2020 lên website và trang fanpage của địa phương, đơn vị. Liên tục đổi mới hình thức tuyên truyền bằng việc sáng tạo ra các sản phẩm truyền thông mới, thu hút sự quan tâm của đoàn viên, thanh niên, như: Infographic, video, các hình ảnh minh họa trực quan sinh động…
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Nội vụ, Sở LĐ-TB-XH, Sở Tư pháp, Sở VH-TT-DL, Tỉnh đoàn… đánh giá luật Thanh niên và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về thanh niên, phát huy thế mạnh của thanh niên trong phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Các hoạt động của thanh niên phát triển rộng khắp trên địa bàn, tạo điều kiện cho thanh niên được rèn luyện và cống hiến. Các cơ quan, ban ngành của địa phương đã có cơ chế, tạo điều kiện để thanh niên tham gia thực hiện các mục tiêu chương trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu tại buổi làm việc
Những chính sách thiết thực, từng bước giải quyết được những vấn đề quan trọng đặt ra như giải quyết việc làm; hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, khởi nghiệp, lập nghiệp; nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cho thanh niên…
Tuy nhiên, việc tuyên truyền, đưa luật Thanh niên vào cuộc sống chưa rộng khắp, thiếu tính toàn diện. Một số địa phương, đơn vị triển khai, thực hiện còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu, chưa thu hút được sự quan tâm của đoàn viên, thanh niên. Đến nay vẫn chưa có nhiều cơ chế, đặc thù riêng để hỗ trợ thanh niên, mô hình kinh tế của thanh niên.
Cơ chế, chính sách tạo môi trường cho thanh niên hoạt động còn ít; điều kiện cho thanh niên, thiếu niên vui chơi giải trí, học tập và rèn luyện nâng cao năng lực sở trường cá nhân còn hạn chế. Nguồn kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của Đoàn còn thiếu.
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các ngành liên quan chưa chặt chẽ, việc lồng ghép các nội dung của luật Thanh niên, chương trình phát triển thanh niên trong chương trình, kế hoạch công tác của các đơn vị còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò của thanh niên trong tình hình mới…
Các sở ngành đề nghị đoàn công tác của Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam tham mưu Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị đẩy mạnh thực hiện luật Thanh niên và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam. Đồng thời, T.Ư cần ban hành bộ tiêu chí về phát triển thanh niên và quan tâm nhiều hơn nữa về các cơ chế chính sách cho thanh niên.
Ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh cho hay, sau khi luật Thanh niên ra đời, địa phương cũng đã có những cơ chế, ban hành nhiều Nghị quyết, chính sách tạo môi trường cho thanh niên hoạt động. Chính quyền các cấp cũng đã quan tâm đến công tác đối thoại với thanh niên để định hướng chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, giúp tổ chức Đoàn và thanh niên ở địa phương hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, các cấp cũng rất quan tâm, kêu gọi nguồn lực để hỗ trợ cho các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…
“Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh thực hiện luật Thanh niên. Qua đây, tôi cũng đề nghị Chính phủ và Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam nên có chỉ thị để đốc thúc các địa phương triển khai luật. Bên cạnh đó, T.Ư cần phải có cơ chế chính sách để đào tạo, tuyển dụng, thu hút cán bộ trẻ cho hệ thống chính trị và xem xét thay đổi quy chế kết nạp Đảng viên cho học sinh khi chưa tròn 18 tuổi”, ông Dũng chia sẻ.
Tăng cường giám sát, phản biện luật Thanh niên
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, anh Bùi Quang Huy đồng tình, đánh giá cao các ý kiến của đại diện các sở ngành và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về những kết quả, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện luật Thanh niên.
Anh Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn phát biểu tại buổi làm việc
Anh Huy đánh giá Hà Tĩnh đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện luật Thanh niên năm 2020 và các Nghị định của Chính phủ về tổ chức, thực hiện luật Thanh niên khá sớm, thậm chí có những kế hoạch cụ thể thực hiện trong từng giai đoạn để thực hiện Chương trình phát triển thanh niên của tỉnh nhà. Cùng với đó, hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước và nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được bố trí. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành trong việc tổ chức, thực hiện luật Thanh niên năm 2020, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Chương trình phát triển thanh niên tỉnh giai đoạn 2021-2030 được quan tâm, chú trọng.
Việc tổ chức thực hiện Tháng Thanh niên trong các năm 2021, 2022 và 2023 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được xã hội, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh với thanh niên được thực hiện theo đúng quy định. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng đã tổ chức và thực hiện các hoạt động đối ngoại quốc tế thanh niên với nước bạn Lào.
Thời gian tới, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đề nghị Hà Tĩnh cần tiếp tục nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và xã hội về vị trí, vai trò của thanh niên và công tác thanh niên, về sự đóng góp của thanh niên đối với sự phát triển của tỉnh với quan điểm đầu tư cho thanh niên là đầu tư cho phát triển và tương lai. Cần quan tâm xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm đối với Chương trình phát triển thanh niên của tỉnh giai đoạn 2021-2030. Đặc biệt, lưu ý công tác đánh giá thực hiện 6 mục tiêu của Chương trình để có số liệu đầy đủ về kết quả thực hiện Chương trình phát triển thanh niên trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, Hà Tĩnh cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc tổ chức thực hiện luật, chiến lược, Chương trình phát triển thanh niên tỉnh và các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến thanh niên.
“Hà Tĩnh cũng cần phải tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của Đoàn Thanh niên các cấp đối với việc tổ chức thực hiện luật Thanh niên, chiến lược và chính sách liên quan đến thanh niên. Cổ vũ động viên thanh niên tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách, để thanh niên thực sự là đối tượng được thụ hưởng chính sách”, anh Huy nhấn mạnh.
Anh Huy khẳng định một số đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh liên quan đến luật Thanh niên, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam sẽ được Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tổng hợp, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thông báo đến các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết.