Tâm lý “chờ xem” của người mua nhà và nhà đầu tư đã khiến số lượng giao dịch của phân khúc nhà liền thổ tại TP.HCM giảm gần 92% so với quý trước, chỉ có 19 căn giao dịch thành công.
Sức mua giảm hơn 90%
Trong báo cáo thị trường nhà ở TP.HCM, Công ty JLL Việt Nam cho biết tâm lý thị trường ngày càng thận trọng. Trong đó số lượng giao dịch tại thị trường nhà liền thổ TP.HCM ghi nhận mức giảm đến 91,7% so với quý trước và giảm 98,3% so với cùng kỳ năm trước. Cả quý 1/2023 chỉ bán được 19 căn, chủ yếu là ở dự án cũ, không có nguồn cung mới.
“Hầu hết người mua và nhà đầu tư áp dụng chiến thuật “chờ xem” trong bối cảnh thị trường trầm lắng và còn nhiều bất ổn pháp lý”, JLL cho biết.
Diễn biến trên thị trường nhà liền thổ TP.HCM được đánh giá đang tiếp tục xu hướng trầm lắng từ quý trước. Trong quý 1/2023, thị trường nhà liền thổ không ghi nhận dự án mở bán mới. Do đó, số căn mở bán mới giảm gần 68% so với quý trước và giảm 93,6% so với cùng kỳ năm trước, với chỉ khoảng 60 căn đến từ các dự án giá cao hiện có.
Tâm lý thị trường ngày càng thận trọng khiến giao dịch tại thị trường nhà liền thổ TP.HCM trầm lắng. Ảnh minh họa – H.Sang
Đơn vị nghiên cứu thị trường này ghi nhận, giá bán nhà liền thổ trung bình trên thị trường sơ cấp giảm giảm nhẹ 2-3% so với quý trước (tính trên mỗi dự án), do chủ đầu tư có xu hướng giảm giá nhầm thu hút người mua.
Trong khi đó, giá bán thứ cấp trung bình giảm nhẹ 0,5% so với quý trước, nguyên nhân đến từ việc giảm giá đáng kể của các dự án liên quan đến các thông tin tiêu cực về nhà phát triển dự án. Ngược lại, khu Nam Sài Gòn ghi nhận tăng trưởng ở mức 1,74% so với quý trước, nhờ vào chất lượng sản phẩm và nhu cầu ổn định tại khu vực này.
Không chỉ tại TP.HCM, thị trường nhà liền thổ tại Hà Nội tiếp tục chứng kiến một quý ảm đạm khi nhiều dự án lớn trên địa bàn thành phố ngừng mở bán. Nguồn cung mới chỉ ghi nhận 60 căn được mở bán, giảm 93% so với năm ngoái.
“Trong khi một vài dự án lớn tạm thời ngừng giao dịch, nhiều dự án nhỏ và vừa ghi nhận trường hợp khách hoàn cọc hoặc trả hàng. Việc ngân hàng siết chặt tín dụng cho vay bất động sản khiến người mua không đủ khả năng chi trả và làm tỷ lệ hấp thụ trong quý chạm mức âm 19 căn”, JLL cho biết.
Diễn biến không quá bất ngờ
Giới đầu tư đánh giá diễn biến trên thị trường nhà liền thổ hiện nay dù ảm đạm nhưng không quá bất ngờ khi trước đó đã có nhiều dự báo cho thấy, số lượng giao dịch nhà liền kề, biệt thự được đánh giá là thấp nhất trong nhiều năm qua. Trên một số trang rao vặt nhà đất, người rao bán nhà phố tại các dự án cùng với lời mời chào như “hàng ngộp cần bán gấp”.
Theo Savills Việt Nam, trong quý 4/2022, lượng giao dịch trên thị trường biệt thự, nhà phố TP.HCM giảm 70% theo quý và 48% theo năm, mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam, đánh giá thị trường bất động sản toàn cầu trong năm 2023 sẽ diễn biến chậm hơn. “Bóng ma” lãi suất cao sẽ kìm hãm lạm phát trên toàn thế giới. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu bất động sản nói chung sẽ có chiều hướng giảm và Việt Nam cũng không ngằm ngoài xu hướng đó.
Bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao khối Tư vấn và Nghiên cứu JLL Việt Nam, dự báo nguồn cung sẽ chịu áp lực do tâm lý thận trọng trong bối cảnh kinh tế bất ổn và các vấn đề pháp lý kéo dài. Theo đó, thị trường căn hộ phân khúc cao và nhà liền thổ TP.HCM dự kiến sẽ chào đón lần lượt khoảng 6.000 căn và 1.000 căn vào năm 2023.
Trong khi đó, thị trường nhà liền thổ Hà Nội được kỳ vọng sẽ dần hồi phục từ nửa cuối năm 2023, với khoảng 1.200 căn được mở bán mới trong 9 tháng tới. Tuy nhiên, con số này còn phụ thuộc nhiều vào khả năng tái cơ cấu nợ, thỏa thuận thanh toán trái phiếu bằng bất động sản với nhà đầu tư.
Tương tự, nguồn cầu được dự báo sẽ vẫn yếu, đặc biệt trong nửa đầu năm 2023 khi thị trường tiếp tục đối mặt với những khó khăn kinh tế làm ảnh hưởng đến quyết định đầu tư nhà ở. Chính vì vậy, tốc độ tăng trưởng giá có khả năng tiếp tục bị cản trở bởi nhu cầu suy giảm và nguồn cung mới hạn chế để tạo ra các chiến dịch tiếp thị giúp vực dây tâm lý thị trường.