Thấy nhiều người khuyết tật, người khó khăn ngại ngùng khi không nhận tiền cuốc xe, tài xế công nghệ Đỗ Văn Sơn (24 tuổi, quê Phú Yên) đã dán tờ giấy thông điệp ở sau mũ bảo hiểm để người được anh chở miễn phí bớt ngại.
Sơn mới gắn bó với công việc này được 5 tháng
“Đó là tử tế, không phải bao đồng”
Đến điểm hẹn PV trong buổi trưa cuối tuần sau một cuốc xe chở người khuyết tật miễn phí, Sơn nổi bật bởi mái tóc cá tính, style trẻ trung. Mở đầu câu chuyện, chàng trai quê Phú Yên cười: “Chạy xe 5 tháng, em bị khóa tài khoản 3 lần vì hay tắt ứng dụng hoặc hủy cuốc đêm khuya. Nhưng em vẫn thấy vui vì giúp được nhiều người”.
Sơn kể, bỏ dở đại học từ năm 2, anh vào TP.HCM đi làm cho một hãng điện tử nổi tiếng. Với số tiền tiết kiệm sau 3 năm, Sơn cùng một người bạn khởi nghiệp bán hàng online. Thời gian đầu, đơn hàng liên tục, chàng trai gen Z có tiền gửi về quê phụ cha mẹ. 5 tháng trước, kế hoạch khởi nghiệp đành gác lại sau thời gian dài gặp khó khăn về nguồn hàng, Sơn cùng bạn rủ nhau đi chạy xe công nghệ, hẹn ngày xây dựng lại từ đầu.
Chiếc nón của tài xế công nghệ khiến nhiều khách bất ngờ
Chạy đêm nhiều, tài xế công nghệ gen Z gặp nhiều người miệt mài mưu sinh đêm cũng như người ngủ trên vỉa hè.
“Gặp ai khó, em chủ động miễn phí, chở không lấy tiền rồi tự bỏ tiền túi bù vào tiền ứng dụng nhưng nhiều người ngại ngùng. Do vậy em chủ động in giấy dán sau mũ để người khó khăn đặt qua ứng dụng hay không khi nhìn thấy nhờ chở em vẫn sẵn sàng. Khi tấm ảnh chụp mũ của em được chia sẻ lên mạng, người ủng hộ, người nói bao đồng; nhưng em nghĩ đó là tử tế, không phải bao đồng”, tài xế sinh năm 1999 nói.
Mỗi ngày, Sơn chạy xe từ 7 giờ sáng đến trưa, sau đó nghỉ ngơi rồi chạy tiếp tục từ chiều tối đến nửa đêm với tổng thu nhập khoảng 500.000 đồng và chở từ 2 – 3 cuốc xe miễn phí.
Sơn chia sẻ: “Mỗi khi chạy những cuốc xe 0 đồng ở ngoài thì buộc em phải tắt ứng dụng để tránh ảnh hưởng đến công việc. Nhưng em thấy tâm mình nhẹ nhàng, tối về ngủ ngon”.
Cho đi là nhận lại
Cuộc trò chuyện với tài xế công nghệ khiến tôi bất ngờ nhất có lẽ là những tấm ảnh chụp màn hình được Sơn lưu lại trong điện thoại. Đó là những clip quay về các mái ấm, nhà tình thương chăm trẻ em mồ côi, khuyết tật Sơn gặp khi lướt mạng.
Sơn theo đạo Phật từ năm lớp 8 và thường nghe giảng pháp của thượng tọa Thích Chân Quang, đi chùa phóng sinh. Chính điều đó khiến tài xế sinh năm 1999 thay đổi rất nhiều so với khi đi làm công nhân.
“Ngày trước đi làm có điều kiện, em hay gửi tiền về phụ cha mẹ. Giờ thì em không gửi được, nhưng em làm những việc tử tế, mong gửi phước cho cha mẹ bình an. Thu nhập không cao, đời sống không dư dả nhưng đó là niềm vui mỗi ngày. Nếu có điều kiện em sẽ giúp nhiều người hơn nữa”, Sơn bộc bạch.
Chị Nguyễn Thị Ái Lam (24 tuổi, chị họ của Sơn) cho hay ngoài những cuốc xe miễn phí, Sơn cũng gom tiền tip và gom chung với một số bạn mua cơm đi phát cho người vô gia cư hay lao động khó khăn.
“Trong cốp xe của Sơn lúc nào cũng có chai xăng nhỏ để đi đường gặp ai hết xăng thì tặng liền. Tôi thấy Sơn cởi mở hơn từ khi chuyển sang nghề này”, chị Lam nhận xét.
Anh T.Q.Đ (30 tuổi, bảo vệ tại Q.1, TP.HCM) thì xúc động khi kể về cuốc xe miễn phí của chàng trai quê Phú Yên cách đây 3 tuần: “Tôi ở nhà trọ tại Q.12, chăm ba bị ung thư, ngày thường đi làm bằng xe buýt. Hôm đó tôi trực ca đêm, tan ca thì hết xe buýt, mà trong người không đủ tiền nên gọi thử số Sơn từng nhìn thấy trên mạng. Vậy mà Sơn đến, chở tôi từ Q.1 về nhà lúc 12 giờ đêm, tôi không nghĩ một người không quen biết lại sẵn sàng giúp mình như vậy”.