Một số nhà đầu tư Đài Loan cho biết nếu đầu tư vào TP.HCM, thì họ đã chọn đầu tư cách đây 3 năm. Bởi mặt bằng giá tại Hà Nội so với TP.HCM ở phân khúc căn hộ trung – cao cấp thấp hơn tới 30-50%.
Một số nhà đầu tư Đài Loan cho biết nếu đầu tư vào TP.HCM, thì họ đã chọn đầu tư cách đây 3 năm.
Ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển kinh doanh OneHousing, cho biết đã làm việc với các nhà đầu tư đến từ Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc). Những nhà đầu tư này rất quan tâm tới thị trường bất động sản Việt Nam. Một số nhà đầu tư đến từ Đài Loan đang quan tâm đến bất động sản cao cấp ở Hà Nội nhiều hơn TP.HCM.
“Tôi hỏi họ vì sao chọn Hà Nội, họ cho biết nếu đầu tư vào TP.HCM thì đã chọn đầu tư cách đây 3 năm bởi mặt bằng giá tại Hà Nội so với TP.HCM ở phân khúc căn hộ trung – cao cấp thấp hơn tới 30-50%. Không có lý do gì hai thị trường này lại lệch nhau như vậy”, vị này cho biết.
Theo ông Trung, khi thị trường bình thường, khoảng 2 năm nữa thì Hà Nội sẽ tiệm cận 80-90% mặt bằng giá của TP.HCM. Nhà đầu tư Đài Loan có tầm nhìn từ 3-5 năm, họ cho biết chỉ lựa chọn chủ đầu tư mà tiêu chuẩn chủ đầu tư đó là không có nhiều khoảng cách so với sản phẩm tại các quốc gia của họ.
Họ cũng quan tâm yếu tố khách hàng là người nước ngoài sang sinh sống, như vậy có thể sẽ hình thành các cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam. Trước đây chúng ta chỉ có cộng đồng người Hàn Quốc, sau đó có cộng đồng người Nhật Bản.
“Họ tìm quốc gia ở châu Á để đầu tư, Singapore thì quá đắt, các quốc gia khác lại khác biệt về văn hoá. Họ lựa chon Việt Nam vì vốn FDI Đài Loan rất lớn”, ông Trung cho biết.
TS. Vũ Tiến Lộc – Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Việt Nam, cho biết khi tiếp xúc nhiều với nhà đầu tư nước ngoài, họ quan tâm tới cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam và sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng vào nước ta. Khi chuỗi cung ứng dịch chuyển sẽ kèm theo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhu cầu ở và đầu tư cũng kéo theo.
“Nghiên cứu báo cáo của VCCI hay Tổng cục Thống kê tôi thấy xu hướng ngắn hạn là niềm tin kinh doanh đang xuống thấp hay tốc độ cải cách chậm lại trong vài năm qua. Khu vực kinh tế tư nhân đang suy yếu, FDI dè chừng. Nhưng bối cảnh khó khăn lại là động lực để chúng ta thực hiện cải cách”, ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, một trong những vấn đề được nói nhiều là pháp lý, chiếm đến 65-70%. Nếu giải quyết được, chúng ta sẽ tạo ra nguồn lực để phát triển, khơi thông nguồn lực bằng cải cách thể chế, pháp lý.
Chín năm qua, condotel vẫn tắc nghẽn. Và bây giờ, dưới nhiều áp lực chúng ta bắt đầu tháo gỡ dần. Như khi tốc độ phát triển của TP.HCM sụt giảm chúng ta mới quyết tâm tháo gỡ thông qua cơ chế đặc thù cho thành phố này.
Ông Lộc hy vọng đây sẽ là khởi đầu cho làn sóng cải cách lần hai của nền kinh tế và thị trường bất động sản.
“Một loạt các biện pháp chúng ta đang làm sẽ hỗ trợ cho sự phục hồi và hy vọng thị trường trung – cao cấp sẽ có cơ hội phục hồi vào cuối năm nay. Trong đó, Hà Nội, TP.HCM sẽ là nơi phát triển phân khúc này, bởi dịch Covid-19 đã cho thấy việc tập trung quá nhiều người vào nội đô đã gây quá tải cho thành phố. Trong dài hạn, khi trung tâm giữ lại nhân sự chất lượng cao, thu nhập cao thì phân khúc trung – cao cấp sẽ có cơ hội phát triển. Đây sẽ là thị trường quan trọng, là động lực cho sự phát triển của thị trường bất động sản Hà Nội, TP.HCM trong thời gian tới”, ông Lộc chia sẻ.
Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, cần thay đổi tư duy, niềm tin của chúng ta đối với phân khúc này trong quá trình phát triển.
Dưới góc độ nhà đầu tư nước ngoài, ông Yoshi Nori Takita, Đại sứ tại Việt Nam, Lào, Campuchia của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ (NAR), cho rằng để tăng thêm tính cạnh tranh, thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các chủ đầu tư Việt Nam cần tăng thêm các tiện ích như trường học, bệnh viện, công viên, trung tâm thương mại…
Ngoài ra, để tăng thêm sức hấp dẫn của các chung cư cao cấp, chủ đầu tư cần hướng đến nhu cầu của khách hàng. Cần xác định nhu cầu của khách hàng cần hiện nay là gì để tập trung vào đấy và đáp đúng ứng nhu cầu của họ.