Biên phòng – Nằm trên vùng giáp ranh giữa hai xã Ia Nan và Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, thác Jrai Glong là một trong những ngọn thác đẹp nhất của tỉnh Gia Lai vẫn giữ được nét hoang sơ nguyên bản. Jrai Glong trong tiếng Jrai có nghĩa là thác cao, được UBND huyện Đức Cơ xác định là một trong 4 điểm du lịch trọng tâm từ nay đến năm 2030. Thế mạnh du lịch thì vẫn đang ở dạng tiềm năng chưa được khai thác, tuy nhiên, bên ngọn thác nguyên sơ này từ lâu đã hiện hữu sức sống mãnh liệt, đong đầy giá trị của tình đất, tình người…
Nét đẹp hoang sơ của thác Jrai Glong. Ảnh: Thái Kim Nga
Vóc dáng nông thôn mới và tình yêu người lính Biên phòng
Thác Jrai Glong là điểm hợp lưu giữa hai con suối Ia Nan và Ia Pnôn trước khi nhập với sông Ia Drăng chảy sang bên kia biên giới. Với dòng Ia Nan, con suối này quanh co uốn lượn hình thành nên vùng đất trù phú, rất thuận lợi cho canh tác nông nghiệp.
Là địa phương thuần nông, sản xuất nông nghiệp theo kiểu tự cung, tự cấp, sau ngày được chia tách thành lập (năm 1991), đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Ia Nan đã nỗ lực vượt khó, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng, mang tính bền vững cao. 30 năm kể từ ngày được chia tách, thành lập, xã Ia Nan đã “chạm đích” xây dựng nông thôn mới, với 100% thôn, làng văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm xuống dưới 5%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 42 triệu đồng/năm.
Đất không phụ công người, 11ha bạch đàn của Đồn BP Ia Pnôn vừa xuống giống 1 năm đã vượt quá đầu người, “trăm cây như một”. Mặc dù vậy, đây là “của để dành” cho thế hệ sau, còn trước mắt, người lính BP vẫn phải vượt khó theo cách riêng của mình.
Để có được “vóc dáng” như hôm nay, bên cạnh nỗ lực quyết tâm của đảng bộ, chính quyền, nhân dân, không thể không nói đến sự đồng hành từ người lính Biên phòng (BP). Có thể nói, Đồn BP Ia Nan, BĐBP Gia Lai là một trong những đơn vị triển khai xây dựng các mô hình giúp dân đa dạng, phong phú và hiệu quả.
Trung tá Trần Mạnh Hùng, Chính trị viên Đồn BP Ia Nan chia sẻ: “Dù mô hình có quy mô lớn hay nhỏ thì tính hiệu quả phải luôn được đặt lên hàng đầu. Chỉ riêng lĩnh vực giáo dục, địa bàn đơn vị phụ trách có 7 cháu học sinh được hỗ trợ trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn BP” thì cả 7 cháu đạt học sinh giỏi và khá. Ngoài ra, hàng chục cháu học sinh nghèo bán trú được đồn hỗ trợ thực phẩm rau xanh mỗi ngày trong suốt gần 3 năm qua. Những việc làm này tuy nhỏ, nhưng hiệu ứng thì rất lớn, lan tỏa nét đẹp tình người…”.
Cậu bé mồ côi Kpui Trí đang từng ngày lớn lên trong vòng tay yêu thương của những người lính Đồn BP Ia Nan. Ảnh: Thái Kim Nga
Một trong những hình ảnh đẹp nhất bên dòng thác Jrai Glong có lẽ là câu chuyện của cậu bé mồ côi Kpui Trí ở làng Nú, xã Ia Nan. Ngày mới về làm con nuôi của đồn, Kpui Trí là đứa trẻ yếu đuối, sống nép mình trong sự trầm lặng. Trong vòng tay yêu thương của người lính, cậu bé “vụt lớn” cả về thể chất lẫn trí tuệ, trở thành học sinh giỏi toàn diện. Câu chuyện về đứa con nuôi của Đồn BP Ia Nan không chỉ lan tỏa nét đẹp tình người, mà còn tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực đến với các chủ nhân biên giới.
Cô giáo Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kpăh Klơng (nơi Kpui Trí đang theo học) xúc động chia sẻ với chúng tôi: “Những hạt gạo tình thương, những bó rau xanh từ đồn BP và đặc biệt là hình ảnh cậu bé Kpui Trí tung tăng đến trường trong vòng tay yêu thương của BĐBP đã tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để chúng tôi tiếp tục cống hiến cho quê hương biên giới…”.
Quà Xuân từ biên giới
Nếu như suối Ia Nan uốn mình, hình thành nên mảnh đất trù phú bên thác Jrai Glong thì tại điểm hợp lưu với dòng sông biên giới Ia Drăng lại có hình thái thổ nhưỡng, thời tiết cực kỳ khắc nghiệt, một thử thách chưa bao giờ nguôi đối với người lính Đồn BP Ia Pnôn (BĐBP Gia Lai).
Sau ngày hoàn thành xây dựng cơ bản, trên nền đất “trơ gan gà”, người lính Đồn BP Ia Pnôn kiến thiết lại từ đầu với hàng ngàn cây xanh, cây ăn quả trong khuôn viên đơn vị được đào lên trồng xuống, hàng chục héc ta đất trồng cây lâu năm phải chuyển đổi do không phù hợp điều kiện thổ nhưỡng. Cùng với đó là hệ thống nước tưới tiêu, vườn tăng gia, khu chăn nuôi cũng thay đổi, tạo thêm gánh nặng lên đôi vai người lính.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Nan tặng rau xanh cho giáo viên, học sinh bán trú Trường Tiểu học Kpăh Klơng. Ảnh: Thái Kim Nga
Trung tá, Đồn trưởng Nguyễn Quang Công chia sẻ: “Cái gì không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp thì phải chuyển đổi. Sau khi chủ động được nguồn nước tưới dẫn về từ sông Ia Drăng, chúng tôi tập trung cải tạo đất đai, quy hoạch sắp xếp lại khu chăn nuôi để tăng quy mô đàn gia súc, thay thế vườn điều 4 năm tuổi, năng suất thấp sang trồng cây bạch đàn…”. Theo tính toán của Đồn trưởng Nguyễn Quang Công, nếu để vườn điều thì mỗi năm chỉ thu về khoảng hơn 30 triệu đồng, còn thay thế bằng cây bạch đàn thì 10 năm sau, đơn vị sẽ có tiền tỷ, trong khi chi phí đầu tư cho loại cây này lại rất thấp.
Có thể nói, tại thời điểm này, “điểm nhấn” trong công tác tăng gia sản xuất của Đồn BP Ia Pnôn là bảo đảm nguồn rau xanh, kết hợp duy trì chăm sóc, khai thác số diện tích trồng cao su và các loại cây nông sản ngắn ngày để phục vụ phát triển chăn nuôi. Hiện tại, đàn bò của đồn đã vượt mốc hơn 80 con, đàn heo duy trì trên 50 con, được khoanh nuôi bán tự nhiên dưới tán rừng, không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống, chất lượng cao trong mỗi bữa ăn hằng ngày của bộ đội, mà thi thoảng còn được gói ghém gửi về hậu phương như món quà ý nghĩa từ biên giới.
“Những chuyến nghỉ phép về quê ăn Tết cổ truyền hay về tranh thủ thăm gia đình, hành trang của anh em chúng tôi không chỉ có nhánh lan rừng, cành mai, mà còn có thành quả lao động do chính bàn tay mình làm ra. Đây là sự động viên rất thiết thực để chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình “chân cứng, đá mềm”, xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh hơn” – Lời chia sẻ của Đồn trưởng Nguyễn Quang Công giúp chúng tôi hiểu hơn giá trị từ những món quà xuân được người lính Đồn BP Ia Pnôn gửi về từ biên giới. Đó chính là nét đẹp mộc mạc đơn sơ được chắt chiu từ tình đất, tình người.
Thái Kim Nga