Khối ngành đào tạo giáo viên (còn gọi là sư phạm) đang có nhiều chuyển biến tích cực do các chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho người học. Tuy nhiên, các ngành này có những quy định ràng buộc về điểm sàn xét tuyển đầu vào.
Học sinh tỉnh Lâm Đồng tham dự chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên
“Sinh viên sư phạm vẫn phải cạnh tranh việc làm”
Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết, theo quy định của Bộ GD-ĐT, khoa học sức khỏe và đào tạo giáo viên là 2 khối ngành có ngưỡng đảm bảo đầu vào chung (còn gọi là điểm sàn).
Chẳng hạn, với ngành sư phạm toán học, thí sinh dù xét tuyển theo phương thức nào cũng có yêu cầu chung là học lực THPT loại giỏi. Theo ông Quốc, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay tuyển sinh theo 5 phương thức: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, điểm học bạ (học lực giỏi lớp 12), kết hợp điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt môn toán và điểm học bạ theo tổ hợp (học lực giỏi lớp 12), điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 (điểm sàn Bộ GD-ĐT công bố sau khi có kết quả kỳ thi).
Về vấn đề việc làm, thạc sĩ Quốc giải đáp băn khoăn của một học sinh tỉnh Ninh Thuận theo học ngành sư phạm muốn trở về quê làm việc.
Theo ông Quốc, Nghị định 116 của Chính phủ quy định sinh viên sư phạm được miễn học phí và cấp sinh hoạt phí nếu đăng ký công tác trong ngành giáo dục sau khi ra trường. Sự khác nhau nằm ở chỗ đơn vị nào là người cấp tiền các khoản tiền này.
Ông Quốc phân tích: “Nếu tỉnh Ninh Thuận đồng ý hỗ trợ tiền học phí và sinh hoạt phí, sinh viên này có thể về Ninh Thuận công tác. Tuy nhiên, về Ninh Thuận làm ở đâu còn phụ thuộc vào vấn đề xin việc. Bởi lẽ sau khi ra trường, sinh viên ngành sư phạm vẫn phải nộp hồ sơ xin việc như người bình thường, nếu không đạt các tiêu chí tuyển dụng thì vẫn có thể không có cơ hội làm việc tại tỉnh này”.
Trong trường hợp tỉnh Ninh Thuận không đặt hàng, ông Quốc cho rằng, sinh viên vẫn hưởng hỗ trợ kinh phí nhưng khi ra trường có thể xin việc ở bất kỳ địa phương nào, trong đó có cả Ninh Thuận, nếu đủ điều kiện tuyển dụng.
“Như vậy, việc miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí không có nghĩa sinh viên sư phạm được đảm bảo việc làm. Người học các ngành này vẫn phải cạnh tranh trong tuyển dụng. Đó là điều kiện để người học phấn đấu nếu muốn có việc làm tốt như mong đợi”, thạc sĩ Quốc nhấn mạnh.
Thông tin trên được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành xã hội nhân văn và sư phạm” của Báo Thanh Niên chiều 14.3.
Các chuyên gia chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến chiều 14.3
Nghị định quy định sinh viên được tư vấn, định hướng việc làm
Cũng theo Nghị định 116, sinh viên trúng tuyển ngành sư phạm từ năm học 2021-2022 bắt đầu được hưởng chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt. Ngoài miễn học phí, mỗi tháng người học ngành học này còn được nhận 3,63 triệu đồng tiền sinh hoạt phí. Ngoài ra, những sinh viên này còn được tư vấn, hỗ trợ về định hướng việc làm sau khi ra trường.
Nghị định 116 nêu rõ, sau khi tốt nghiệp, sinh viên thông báo cho cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu về kết quả học tập để được tư vấn, hỗ trợ về định hướng việc làm trong ngành giáo dục. UBND các tỉnh thành có nhiệm vụ tuyển dụng sinh viên sư phạm tốt nghiệp thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và bố trí vị trí việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo trong các cơ sở giáo dục theo quy định hiện hành về tuyển dụng, sử dụng viên chức.
Theo đó, sinh viên ngành đào tạo giáo viên sau khi tốt nghiệp được bố trí công tác trong ngành giáo dục, bao gồm giảng dạy, nghiên cứu, viên chức quản lý trong các cơ sở giáo dục, cơ quan nghiên cứu khoa học về giáo dục và đào tạo. Người học các ngành này cũng có thể được bố trí để trở thành công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.