Sáng 23/3, gần 100 sinh viên từ các trường đại học, học viện đã tham gia chương trình Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ sinh viên tiêu biểu với chủ đề “Khát vọng sinh viên thành phố Bác”.
Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh, từ năm 2018 đến nay, các cơ quan công quyền vẫn chưa thu hút được sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, tiêu biểu. Nhiều ý kiến của sinh viên đã tập trung vào vấn đề này.
Theo sinh viên Võ Lập Phúc (Đại học Sư phạm TP.HCM), hầu hết sinh viên vẫn chưa được tiếp cận và nhận thức đầy đủ về môi trường làm việc trong khu vực công.
Sinh viên luôn hình dung công chức, viên chức là những người mặc trang phục chỉnh tề, làm việc hành chính, phòng lạnh… khó phát triển tư duy sáng tạo.
Sinh viên Võ Lập Phúc nêu ý kiến tại buổi gặp gỡ
“Thành phố phải có những cơ chế, chính sách để tái định hình tư duy của người trẻ về môi trường làm việc công. Làm sao để tạo ra một thế hệ cán bộ trẻ không chỉ là hình mẫu một công chức mẫn cán, còn là những Youtuber, Tiktoker… miễn là họ phát huy được tài năng, đóng góp cho sự phát triển của thành phố”, sinh viên Võ Lập Phúc nói.
Còn Nguyễn Thị Châu Anh (ĐH Quốc tế-ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, hầu hết sinh viên ra trường chọn lựa làm cho khu vực tư nhân vì điều kiện tốt, thu nhập cao, việc chưa tiếp cận đầy đủ môi trường khu vực công cũng là nguyên nhân chưa thu hút được sinh viên.
Sinh viên Nguyễn Thị Châu Anh (ĐH Quốc tế-ĐH Quốc gia TP.HCM)
Sinh viên Phạm Đức Công (ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết, chương trình thu hút sinh viên giỏi, xuất sắc vẫn còn những quy định chưa hoàn thiện.
Lấy ví dụ về bản thân, Đức Công cho hay, là học sinh có kết quả học tập tốt, nhưng Đức Công chưa đủ xuất sắc, vì còn đảm nhận công tác đoàn hội.
“Dù không muốn nói, nhưng làm tốt công tác đoàn, hội phần nào đó ảnh hưởng đến kết quả học tập. Vì vậy, chương trình thu hút nhân tài của thành phố cần tính đến hai yếu tố trên”, Đức Công tâm tư.
Đồng tình với quan điểm trân, sinh viên Mai Hải yến (Học viện cán bộ thành phố) cho rằng, thu hút nhân tài cần mở rộng với những sinh viên học tốt và tích cực trong công tác đoàn, hội.
Hầu hết, các ý kiến từ sinh viên đều cho rằng, khu vực công chưa đủ sức thu hút nhân tài so với khu vực tư do thu nhập thấp, chưa tạo điều kiện cho người tài phát huy năng lực và tư duy sáng tạo.
Lắng nghe và đồng hành cùng sinh viên
Trao đổi với sinh viên, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, điều cốt lõi nhất đối với sinh viên là phải có hoài bão, ước mơ và quyết tâm thực hiện bằng được.
Đi vào cụ thể, ông Mãi đề xuất với Thành đoàn khởi động chương trình sáng kiến sinh viên, tạo không gian cho các ý tưởng hình thành và phát triển.
“Tôi sẽ sắp xếp thời gian tham gia mạng lưới này. Thành phố cũng sẽ thành lập một tổ công tác để gặp gỡ, tập trung xây dựng các cơ chế để phát triển ý tưởng của sinh viên”, ông Mãi cho biết.
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi
Liên quan đến ý kiến sinh viên muốn được tiếp cận nhiều hơn, đầy đủ hơn các chính sách phát triển tài năng trẻ, xây dựng đội ngũ lãnh đạo trẻ, Chủ tịch thành phố cam kết tiếp thu và triển khai trong hệ thống chính quyền.
Ông yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong hệ thống công quyền mở rộng không gian cho sinh viên tiếp cận, thực tập để nhận thức đầy đủ hơn về việc làm trong khu vực công.
Về ý kiến khi trở thành viên chức, công chức phải mặc trang phục một cách rập khuôn hay không?, có được tư duy, sáng tạo hay không? Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng, làm việc ở khu vực công là theo các quy chế, định chế, nhưng tất nhiên không phải nơi nào cũng rập khuôn cứng nhắc.
Nhưng ông khẳng định, chắc chắn công chức không thể mặc trang phục đi làm như những người làm trong giới showbiz.
Về hỗ trợ sinh viên trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, theo ông Mãi, thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách trong vấn đề này. Tuy nhiên, thời gian tới, sẽ xây dựng chương trình này có trọng tâm, trọng điểm hơn.
Cũng theo người đứng đầu chính quyền thành phố, không ít sinh viên gặp khó khăn về kinh tế trong quá trình học tập. Thành phố đã có ý tưởng xây dựng chương trình “tín dụng sinh viên”, để bất kỳ sinh viên nào có nhu cầu đều được tiếp cận vay vốn, yên tâm học tập đến khi tốt nghiệp, ra trường đi làm và trả lại.
“Trong tuần tới, UBND TP sẽ cùng ngân hàng, khối các trường đại học, Thành đoàn… phối hợp xây dựng chính sách “tín dụng sinh viên”, Chủ tịch thành phố cam kết.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, cần có chính sách hỗ trợ cho sinh viên, làm sao để tốt nghiệp ra trường là tham gia ngay vào thị trường lao động hoặc tham gia vào nghiên cứu sáng tạo.
“Để hỗ trợ sinh viên, để những sáng kiến, sáng tạo của sinh viên phát huy hiệu quả, lãnh đạo thành phố phải luôn lắng nghe, đồng hành cùng sinh viên, cùng với nhau làm việc để đạt được kết quả tốt”, Chủ tịch thành phố nói.
Đằng sau vẻ hào nhoáng của Harvard: Tỷ lệ sinh viên tự tử cao nhất nước MỹPhía sau “giấc mộng Harvard”, mấy ai hiểu được “ác mộng Harvard” của người trong cuộc. Đằng sau ánh hào quang của ĐH top đầu thế giới, ngôi trường dường như “bất lực” trong đảm bảo sức khỏe tâm thần cho sinh viên.