Sinh viên tham gia Ngày hội sinh viên và doanh nghiệp – UIT JOB FAIR 2023, do Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức – Ảnh: VĂN TOÀN
Chuyên gia cảnh báo tỉ lệ này có thể “ảo” vì nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường chạy xe ôm, phục vụ quán ăn cũng được tính là “có việc làm”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành thông tư 10/2023/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học (sửa đổi, bổ sung thông tư cũ), sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 13-6.
Trong đó có quy định chỉ tiêu tuyển sinh đại học của lĩnh vực không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của lĩnh vực đó nếu tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng của lĩnh vực đó đạt dưới 80%.
Khi nào mà báo cáo việc làm có địa chỉ làm việc của từng sinh viên thì mới hy vọng có số liệu thực.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM)
100% sinh viên có việc làm?
Theo quy định, các trường đại học phải công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm hai năm gần nhất trong đề án tuyển sinh.
Tuy nhiên, thực tế yêu cầu này bị không ít trường bỏ trống hoặc “lờ” đi. Trong khi đó, phần lớn các trường công bố tỉ lệ này với những con số “trong mơ”, có trường 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm!
Ở khối các trường đại học ngoài công lập, Trường đại học Hoa Sen công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp (năm 2021) có việc làm sau một năm của bốn khối ngành đều trên 94% (trong đó khối ngành III tỉ lệ 97,8%).
Trường đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM cũng công bố hơn 94% sinh viên tốt nghiệp có việc làm (trong đó có ba ngành: kế toán, luật kinh tế, ngôn ngữ Trung Quốc tỉ lệ 100%). Theo thông tin từ Trường đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM, hơn 94% sinh viên ra trường có việc làm trước khi nhận bằng tốt nghiệp.
Tương tự, các trường đại học công lập cũng công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm rất ấn tượng. Tháng 1-2023, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM công bố báo cáo kết quả khảo sát cựu sinh viên sau một năm tốt nghiệp đạt tỉ lệ 97,31% (số liệu đã bao gồm chưa có việc làm vì phải học nâng cao); chỉ có 1,73% đã xin việc nhưng chưa có việc làm.
Trường đại học Tài chính – Marketing cho biết tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp năm 2022 có việc làm trên tổng số 2.055 sinh viên phản hồi khảo sát việc làm của trường là 92,65%. Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) công bố tỉ lệ có việc làm trên tỉ lệ phản hồi 92,84% (1.038 sinh viên).
Đáng chú ý, theo báo cáo tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp khảo sát năm 2022 của Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, tất cả 2.047 sinh viên 14 ngành đều có việc làm, đạt tỉ lệ 100% (tỉ lệ sinh viên phản hồi khảo sát là 100%).
Trường đại học Kiến trúc TP.HCM cũng có 100% sinh viên tốt nghiệp năm 2022 có việc làm (trong số sinh viên phản hồi).
Vì sao có số đẹp?
Qua tìm hiểu của Tuổi Trẻ, phần lớn báo cáo khảo sát tình hình việc sinh viên tốt nghiệp của các trường đại học có tỉ lệ phản hồi rất thấp.
Cụ thể như khảo sát năm 2022 Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã thu được ý kiến phản hồi của 1.038/3.341 sinh viên tốt nghiệp từ năm 2018 – 2022, đạt tỉ lệ 31,07%.
Thống kê số liệu khảo sát cựu sinh viên sau một năm tốt nghiệp của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm học vừa qua chỉ có 510/2.727 cựu sinh viên thực hiện khảo sát trên tổng số địa chỉ email đã gửi phiếu khảo sát, đạt tỉ lệ 18,70%.
Nhiều chuyên gia nhận định thông tin tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hiện nay đều khó tin. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng: “Việc khảo sát tình hình việc làm của sinh viên các trường phần lớn “làm cho có”, chưa chặt chẽ, dẫn đến kết quả cuối cùng không thể hiện đầy đủ thông tin tin cậy.
Đặc biệt, số sinh viên được khảo sát hoặc phản hồi khảo sát luôn rất ít, từ đó đưa ra kết quả cho toàn khóa không thể chính xác. Thực tế, không ít sinh viên ra trường làm phục vụ quán cũng được tính là có việc làm”.
Trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng một trường đại học công lập ở TP.HCM lý giải việc các trường đẩy tỉ lệ sinh viên có việc làm lên có thể phục vụ mục đích tuyển sinh. Do việc khảo sát của hầu hết các trường không được thực hiện trên toàn bộ sinh viên tốt nghiệp, nên nếu có ý định gian dối, trường sẽ chọn mẫu khảo sát để ra “con số đẹp”.
“Sinh viên ra trường chạy xe ôm công nghệ, làm thời vụ… trong lúc chờ xin việc phù hợp với ngành nghề đào tạo nhưng có thể vẫn được coi là ‘có việc làm’ nên tỉ lệ khảo sát sẽ rất ảo”, người này nói.
TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), phân tích: “Việc công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp là trách nhiệm của các trường, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có trách nhiệm kiểm chứng, không thể để các trường muốn nói sao cũng được.
Hơn nữa, bộ đã có quy định nếu tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thấp sẽ không được tăng chỉ tiêu, do đó nếu không có sự kiểm chứng thì quy định này trở nên vô nghĩa. Có lẽ phải có giám sát bởi bên thứ ba và phải có chế tài nghiêm khắc nếu gian lận”.
* Ông Thái Phương Triều (giám đốc Công ty Talent – TP.HCM):
Cần đơn vị khảo sát độc lập
Thực tế hai năm qua các doanh nghiệp rất khó khăn, nhu cầu tuyển dụng không nhiều. Trong khi báo cáo tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp của các trường công bố con số đều rất đẹp.
Nếu muốn biết tình hình sinh viên ra trường có việc làm thế nào hiện nay ra đường, chỉ cần gọi xe ôm công nghệ là rõ ngay, rất nhiều bạn tạm thời làm việc này chờ xin việc phù hợp ngành học.
Theo tôi, cách khảo sát các trường đang thực hiện hoàn toàn không ổn. Vì vậy, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo dựa vào số liệu các trường công bố để quyết định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường là không thực tế và chính xác được. Cần có đơn vị độc lập thực hiện việc này một cách khoa học hơn.