Trường đại học Hoa Sen công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp (năm 2021) có việc làm sau một năm của bốn khối ngành đều trên 94% (trong đó khối ngành III tỉ lệ 97,8%) – Ảnh: Website Trường đại học Hoa Sen
Như Tuổi Trẻ phản ánh, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành thông tư 10/2023/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học (sửa đổi, bổ sung thông tư cũ), sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 13-6.
Trong đó có quy định các trường đại học phải công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm hai năm gần nhất trong đề án tuyển sinh.
Và, điều đáng nói là nhiều trường đại học công bố tỉ lệ có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp cao ngất ngưởng, có trường tỉ lệ này lên đến 100% tất cả các ngành.
Tuy nhiên, theo ông Thái Phương Triều (giám đốc Công ty Talent – TP.HCM), thực tế hai năm qua các doanh nghiệp rất khó khăn, nhu cầu tuyển dụng không nhiều. Trong khi báo cáo tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp của các trường công bố con số đều rất đẹp.
“Nếu muốn biết tình hình sinh viên ra trường có việc làm thế nào hiện nay, ra đường chỉ cần gọi xe ôm công nghệ là rõ ngay, rất nhiều bạn tạm thời làm việc này chờ xin việc phù hợp ngành học” – ông Triều nói.
Đồng tình với nhận định này, bạn đọc Dovantha viết: “Bây giờ các trường đại học cũng quảng cáo kinh doanh đâu thua gì doanh nghiệp. Đầu vào thì tiếp thị rầm rộ, còn đầu ra tự bươn chải. Tôi cho rằng những con số đẹp như trên là có vấn đề”!
Cần làm rõ khái niệm “việc làm là việc làm gì, có phù hợp ngành đã học hay không?”, bạn đọc Trần QLam viết: “Em tôi học có bằng thạc sĩ chuyên ngành kinh tế giờ thất nghiệp về làm cò đất 3 năm rồi, cũng có nghề đàng hoàng”.
Bổ sung cho câu hỏi này, bạn đọc Lê nêu: “Sinh viên tốt nghiệp về quê làm rẫy, làm ruộng… cũng gọi là có việc làm? Học kế toán ra làm lễ tân thì có gọi là có việc làm không? Cần có quy định rõ ràng là làm đúng chuyên ngành đã được đào tạo mới gọi là có việc làm mới đúng”.
Học là để mở mang kiến thức cho mình, có những sinh viên tốt nghiệp ra trường làm trái nghề là chuyện bình thường, do đó đâu nhất thiết phải báo cáo tròn trịa thành những con số đẹp, để chạy theo thành tích.
Về ý này, bạn đọc Định Trúc viết: “Chạy xe ôm, bưng bê cũng là việc làm. Cần nhìn nhận khách quan vì đây cũng là 2 nghề lương thiện để kiếm sống, thu nhập có thể cao hơn 1 cử nhân làm việc trong 1 doanh nghiệp”.
Cũng theo bạn đọc Định Trúc: “Từ kiến thức học được cũng không ít bạn trẻ khởi nghiệp từ quán cà phê, quán ăn nhỏ. Việc làm nào cũng đáng được trân trọng, miễn là bằng sức lao động của mình. Chứ tôi thấy nhiều bạn chức danh “ảo” như chuyên viên/nhân viên sale nhưng thực ra là gọi điện thoại mời mua bất động sản, chứng khoán, sở hữu kỳ nghỉ,… công việc rất mông lung, thu nhập bấp bênh không bằng các bạn làm bưng bê, chạy xe công nghệ”.
Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Hà nhận xét: “Các con số thống kê một số trường đưa ra chưa đáng tin cậy. Bởi những con số này nhảy múa theo ý chí chủ quan, thiếu khách quan”.
Cùng suy nghĩ các trường không nên “tung chảo ảo” để thu hút sinh viên, bạn đọc Phạm Hát nêu ý kiến: “Thời buổi này, đi học hay không đi học mà có việc để làm nhằm phục vụ tối thiểu cho cuộc sống là thành công rồi, còn có việc đúng với ngành đang học là bình thường và 10, 15 thậm chí 20 năm còn đang làm việc đúng với ngành đã học thì đó là giấc mơ hoàn hảo. Bây giờ cứ chế số liệu kiểu ảo tưởng mãi mãi chẳng qua là chiêu trò kinh doanh con chữ”.
Để có câu trả lời đúng với thực tế, bạn đọc Nguyễn Hữu Trí gợi ý: “Đó là nghệ thuật kinh doanh của các trường đại học thôi! Xin hãy khảo sát thực tế thì sẽ rõ”.
Trong khi đó, bạn đọc Hạnh chua chát: “Làm giáo dục dạy con người thành nhân, nhưng báo cáo lại không đúng sự thật. Vậy đâu là giáo dục? Chỉ vì bệnh thành tích mà thôi”.