Giảng đường tại doanh nghiệp
Có mặt tại Trung tâm đào tạo công nghệ kỹ thuật của Tập đoàn Goertek Việt Nam (Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh, chuyên nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm như linh kiện kết cấu chính xác, thiết bị thông minh…), chúng tôi bất ngờ với những giảng đường được đầu tư xây dựng hiện đại, khép kín giữa khu vực rộng hàng chục ha nhằm thực hiện mô hình đào tạo phối hợp giữa tập đoàn với các trường CĐ.
Sinh viên đang học tại một giảng đường của trung tâm đào tạo thuộc Tập đoàn Goertek
Tại một phòng học, trong không khí im lặng nhưng hăng say, hàng chục sinh viên đang chăm chú nghe giảng viên chia sẻ về các giai đoạn tiếp cận và triển khai làm việc nhóm, từ “hình thành” đến ‘xung đột” đến “bình thường hoá” và cuối cùng là “hoạt động trôi trảy”.
Ở một giảng đường khác, sinh viên và giảng viên cũng đang thảo luận về những kỹ năng quan trọng khi làm việc trong một dây chuyền sản xuất các linh kiện kết cấu chính xác, văn hoá doanh nghiệp…
Được biết, đây là những sinh viên của Trường CĐ Công nghệ Việt Hàn Bắc Giang, đang học năm 3 và là thực tập sinh toàn thời gian tại Tập đoàn Goertek.
Nguyễn Văn Phước, sinh viên năm 3 ngành điện tử, cho hay: “Để trở thành thực tập sinh ở đây, em phải trải qua vòng phỏng vấn. Chúng em học tập và trải nghiệm ở xưởng sản xuất từ thứ hai tới thứ bảy với các buổi học về kỹ năng mềm, kỹ năng vận hành máy móc thiết bị theo đúng chuyên môn… Do môi trường doanh nghiệp rất chuyên nghiệp và phát triển nên kiến thức và kỹ năng của tụi em được nâng cao rất nhiều”.
Trung tâm đào tạo công nghệ kỹ thuật được xây dựng trên diện tích hơn 2.000 mét vuông
Được biết, trung tâm đào tạo gồm 15 phòng học được xây dựng trên diện tích hơn 2.100 m 2 , gồm các phòng đào tạo chuyên môn căn cứ vào nhu cầu của từng đơn vị sản xuất, từng chuyên ngành…; phòng đào tạo lý thuyết, thực hành; phòng họp; phòng nghỉ ngơi và sinh hoạt chung…
Đại diện của Goertek cho biết: “Có tổng cộng 30 giảng viên chuyên trách và kiêm nhiệm, được lựa chọn từ các kỹ sư lâu năm có kinh nghiệm của tập đoàn. Những giảng viên này được học khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm, có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo cho 400 sinh viên trong cùng thời điểm và 1.200 lượt sinh viên/năm”.
Vị đại diện này thông tin thêm, hiện Goertek đang hợp tác với 5 trường CĐ (3 trường ở Bắc Ninh, 1 trường ở Bắc Giang và 1 trường ở Thái Nguyên), với 2 chương trình gồm thực tập sinh và đào tạo định hướng theo địa chỉ đặt hàng mô hình 1+1+1.
Đạt yêu cầu tuyển sinh, coi như đã được tuyển dụng
Được biết, Trường CĐ Cơ điện và xây dựng Bắc Ninh hiện đã có 50 sinh viên tham gia mô hình 1+1+1 từ năm 2022 và năm 2023 là 100 sinh viên ở các nghề điện tử công nghiệp. Ông Trương Văn Tâm, Phó hiệu trưởng của trường, cho biết: “Chúng tôi và doanh nghiệp đã cùng nhau xây dựng chương trình, phối hợp giảng viên, bố trí cơ sở vật chất… Năm 2022 mỗi sinh viên năm 2 được Goertek hỗ trợ thêm học bổng 10-12 triệu đồng và được hỗ trợ lương khi là thực tập sinh năm 3.
Sinh viên thực hành tại trung tâm đào tạo
Thạc sĩ Tô Giang, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Việt Hàn Bắc Giang, cũng thông tin: “Năm học 2023-2024, trường sẽ tuyển sinh 50 em nghề điện tử công nghiệp để đào tạo theo mô hình 1+1+1, điều kiện là các em tốt nghiệp THPT và vượt qua vòng sơ tuyển của Tập đoàn Goetek. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục với các nghề công nghệ thông tin và điện công nghiệp”.
Theo thạc sĩ Giang, khi đạt yêu cầu tuyển sinh, coi như sinh viên đã được tuyển dụng. Nghĩa là sau khi hoàn thành khóa học theo quy trình một năm đầu học tại trường CĐ, năm 2 học chuyên ngành tại trung tâm đào tạo của Goertek và năm 3 thực tập tại xưởng sản xuất tập đoàn, các em sẽ trở thành nhân viên chính thức.
Lý giải về việc thành lập trung tâm đào tạo và hợp tác với các trường CĐ tại Việt Nam, đại diện của Goertek chia sẻ thêm: “Chúng tôi muốn hưởng ứng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp của Việt nam, thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của giáo dục, đáp ứng nhu cầu thị trường kết hợp nhu cầu phát triển sinh doanh bền vững của công ty. Với mô hình đào tạo 1+1+1, chúng tôi hy vọng sẽ khắc phục được hạn chế của mô hình đào tạo truyền thống, tận dụng được nguồn lực của cả trường học và doanh nghiệp, rút ngắn được thời gian đào tạo, giúp sinh viên tiếp cận ngay từ đầu với nghề nghiệp để ra trường là làm được việc ngay”.