Biên phòng – Là mặt hàng cấm, chưa được phép nhập khẩu vào Việt Nam, nhưng thời gian gần đây, tôm hùm đất đông lạnh và tươi sống vẫn được giao bán trên các gian hàng online để làm thực phẩm. Trước tình trạng trên, BĐBP đã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là Hải quan, Kiểm dịch, kiểm tra, kiểm soát; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng lậu, trong đó có tôm hùm đất vào Việt Nam qua các cửa khẩu phụ, lối mòn, lối mở.
Tôm hùm đất có màu sắc bắt mắt, được chế biến thành món ăn quảng cáo trên “chợ mạng”. Ảnh: Thu Hằng
Việt Nam cấm nuôi
Không khó để tìm kiếm địa chỉ bán tôm hùm đất cả tươi sống và đông lạnh trên công cụ tìm kiếm của Google. Loài sinh vật ngoại lai này được rao bán trên mạng với nhiều mức giá khác nhau, kèm theo minh họa bắt mắt về các món ăn ngon được chế biến từ nguyên liệu này. Theo quảng cáo của một trang mạng, tôm hùm đất là loại giáp xác, tuy tỉ lệ thịt chỉ chiếm 15% so với trọng lượng, nhưng hàm lượng dinh dưỡng lại rất cao, thịt tôm béo, giàu đạm.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, tôm hùm đất là sinh vật ngoại lai, thuộc diện hàng cấm ở Việt Nam. Thông tin từ Cục Thú y cho hay, tôm hùm đất sống (hay còn gọi là tôm hùm nước ngọt) có tên khoa học là Procambarus clarki, không có trong danh mục được phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam. Loài này cũng không có tên trong Phụ lục VIII Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam (ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản).
Theo quy định, để được nhập khẩu tôm hùm đất sống thì người nhập khẩu phải được Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nhập khẩu (theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, Thông tư số 25/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục đánh giá rủi ro, cấp phép nhập khẩu thủy sản sống (được sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT)). Đối với sản phẩm tôm hùm đất đông lạnh, theo quy định chung, sản phẩm thủy sản đông lạnh nhập khẩu vào Việt Nam làm thực phẩm phải bảo đảm điều kiện có nguồn gốc từ các cơ sở có trong Danh mục cơ sở sản xuất được phép xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thủy sản vào Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ. Đồng thời, phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho lô hàng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Thú y cho biết, đến thời điểm này, Cục Thú y chưa hướng dẫn bất kỳ tổ chức, cá nhân nào kiểm dịch nhập khẩu tôm hùm đất sống. Cục Thú y cũng chưa nhận được đề nghị kiểm dịch nhập khẩu tôm hùm đất đông lạnh để làm thực phẩm.
Các chuyên gia nghiên cứu nuôi trồng thủy sản cho biết, tôm hùm đất là loài động vật ăn tạp, sống ở tầng đáy, thích đào hang, chuyên hoạt động về đêm. Chúng có thể sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ 0-37 độ C. Thức ăn chủ yếu của loại tôm này là mùn bã hữu cơ, ngũ cốc, khô đậu, rau quả, cỏ non, rong cỏ nước, côn trùng, sinh vật đáy cỡ nhỏ, xác động vật, thức ăn chế biến… Với tập quán ăn tạp, tôm hùm đất được đánh giá là loài động vật gây phá hoại mùa màng hơn cả ốc bươu vàng nếu không được quản lý tốt. Loài này cũng không có giá trị kinh tế cao nên bị cấm ở Việt Nam.
Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hàng nhập lậu
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, BĐBP tại các cửa khẩu duy trì nghiêm các quy trình kiểm tra, kiểm soát phương tiện và hàng hóa xuất nhập khẩu. Các đơn vị Biên phòng cũng phối hợp với lực lượng chức năng tại cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn việc nhập lậu, buôn bán, vận chuyển các mặt hàng cấm dưới mọi hình thức qua các cửa khẩu, lối mòn, lối mở biên giới. Trường hợp phát hiện lô hàng nghi ngờ, Biên phòng sẽ phối hợp với lực lượng Hải quan kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đối tượng nhập lậu hàng cấm.
BĐBP phối hợp với lực lượng Hải quan kiểm tra, kiểm soát phương tiện xuất cảnh tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: Vi Toàn
Trung tá Lý Văn Tý, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma, BĐBP Lạng Sơn cho hay: “Cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân giữ gìn an ninh trật tự địa bàn và tích cực tham gia các hoạt động quản lý bảo vệ biên giới, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Quản lý thị trường và lực lượng Dân quân địa phương trong công tác trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, ngăn chặn gian lận thương mại, nhập lậu hàng cấm, xuất nhập cảnh trái phép, duy trì an ninh trật tự trên địa bàn. Hiện nay, đơn vị đang duy trì quân số tại 5 lán chốt trên biên giới, 2 điểm chốt kiểm soát ra vào khu vực biên giới và 1 tổ tuần tra, kiểm soát cơ động; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, chủ động nắm tình hình địa bàn, nhằm phát hiện từ sớm, từ xa các trường hợp vi phạm. Qua đó, thời gian qua, đơn vị đã kịp thời phát hiện, đấu tranh thành công nhiều vụ án, góp phần giữ ổn định an ninh trật tự địa bàn đơn vị phụ trách”.
Trong khi đó, Đồn Biên phòng Ba Sơn, BĐBP Lạng Sơn đã triển khai nhiều biện pháp phát huy vai trò của nhân dân trong tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm. Thiếu tá Trần Quang Đam, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ba Sơn chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình “Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm”. Chúng tôi đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, nòng cốt là các tổ chức quần chúng trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân và học sinh, làm cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trở thành phong trào rộng khắp. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức sinh hoạt thôn, bản để tuyên truyền cho nhân dân có các biện pháp tố giác những người có các hành vi sai trái, việc làm quá khích, gây mất an ninh, trật tự…, không để trở thành điểm nóng về an ninh, trật tự ở khu vực biên giới. Qua đó, nhân dân đã tích cực cung cấp cho BĐBP nhiều nguồn tin có giá trị, giúp cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn”.
Thu Hằng – Vi Toàn