Sau Tết là thời điểm lượng tiền nhàn rỗi khá lớn trong dân cư, gồm tiền thưởng, tiền dư dả không chi tiêu hết trong dịp nghỉ lễ. Mặt bằng lãi suất hiện phổ biến ở mức 8-9,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Mặt bằng lãi suất hiện tại so với những tháng cuối năm 2022 đã “hạ nhiệt” song vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm trước. Theo ghi nhận của Dân trí, mức lãi suất tiền gửi tại ngân hàng ở các kỳ hạn phổ biến như 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng chênh lệch không quá lớn.
Cụ thể, tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất phổ biến ở mức 6,5-8,8%/năm với hình thức gửi tại quầy, 7-9,4%/năm cho hình thức gửi online.
Tại kỳ hạn 9 tháng, lãi suất huy động ở mức 6,5-9%/năm nếu gửi tại quầy và 7-9,5% nếu gửi online.
Còn với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động ở mức 7-9,5%/năm nếu gửi tại quầy và 8-9,8%/năm nếu gửi online.
Nhiều ngân hàng niêm yết biểu lãi suất cao hút khách gửi tiền (Ảnh: Hữu Nghị).
Thực tế, mức lãi suất kể trên so với những tháng cuối năm 2022 đã “hạ nhiệt”. Hồi giữa tháng 12/2022, trước việc một số đơn vị đẩy lãi suất huy động lên 11-12%/năm, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhận định điều này gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn với cả người gửi tiền và đi vay nên đã đề xuất mức lãi suất (gồm cả phần khuyến mại) cao nhất chỉ 9,5% và được nhiều nhà băng ủng hộ.
Với kỳ hạn 12 tháng, ở hình thức gửi tại quầy, hiện chỉ có Saigonbank niêm yết lãi suất huy động trên 9,5%/năm còn ở hình thức online có một số đơn vị là NCB, Saigonbank, MSB, NCB.
Còn tại nhóm ngân hàng Big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước) là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, lãi suất tại quầy với kỳ hạn 12 tháng đồng loạt là 7,4%/năm còn gửi online cao nhất là 8,2%/năm.
*Biểu lãi suất huy động tại các ngân hàng (đơn vị: %/năm)
Thực tế, thời điểm kết thúc Tết Nguyên đán là lúc lượng tiền nhàn rỗi trong dân cư ồ ạt trở lại hệ thống ngân hàng. Hàng năm, số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy tiền gửi tại các nhà băng thường giảm trong tháng 12, và bật tăng mạnh vào tháng 1, tháng 2. Nhiều ngân hàng từ trước Tết cũng đã rục rịch cho ra các chương trình ưu đãi để hút tiền người dân, đặc biệt là các ngân hàng tư nhân.
Theo nhận định từ Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất huy động vẫn còn dư địa tăng trong năm 2023. Công ty chứng khoán này cho rằng áp lực lớn nhiều hơn vào thời điểm 6 tháng đầu năm, sau đó lãi suất huy động dự báo đi ngang hoặc thậm chí hạ nhiệt vào nửa cuối năm.
Đơn vị này dự báo, lãi suất huy động dự báo đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 với mức tăng 1-1,5% trong những tháng nửa đầu năm 2023. Sở dĩ áp lực lãi suất tiền gửi trong nước còn tăng, theo VCBS là do quá trình tăng lãi suất ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6/2023.
So với những tháng cuối năm 2022, lãi suất huy động đã “hạ nhiệt” (Ảnh: Hữu Nghị).
Còn VNDirect lại dự báo lãi suất huy động có thể tăng 0,5% trong năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng khoảng 2-3% trong năm 2022. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 8,0-8,5%/năm (bình quân) vào cuối năm 2023.
Trong khi đó, ACBS lại nhận định, lãi suất điều hành có thể tăng thêm 2%/năm trong năm 2023, trong khi lãi suất liên ngân hàng, thanh khoản hệ thống sẽ duy trì ở mức hiện tại để hỗ trợ tiền đồng.
Lãi suất huy động cao, người dân đua nhau gửi tiết kiệm