Thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương cấp sổ hồng cho các công trình khách sạn biệt thự du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú… được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc pháp lý cho những loại hình này, từ đó đưa bất động sản nghỉ dưỡng thoát khỏi kỳ “ngủ đông” trong suốt thời gian vừa qua.
Ảnh minh hoạ
Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý 1.2023, có 20 dự án du lịch, nghỉ dưỡng được chào bán, đưa ra thị trường 826 sản phẩm, chủ yếu đến từ các dự án tại Phú Quốc. Nguồn cung sụt giảm mạnh hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Hàng loạt dự án đóng giỏ hàng, rời hoạt động mở bán và đưa vào khai thác theo kế hoạch để chờ đợi, quan sát thêm trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều khó khăn.
Sản phẩm căn hộ du lịch gần như vắng bóng trên thị trường. Thanh khoản thị trường ở mức rất thấp. Tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 7%.
Đánh giá về phân khúc này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng, mặt bằng giá sơ cấp được chủ đầu tư điều chỉnh tăng so với cuối năm ngoái, quay trở lại với mức giá chào bán vào quý 1, quý 3.2022.
Theo ông Đính, các chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng những chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất,… nhằm kích cầu thị trường. Một số chủ đầu tư áp dụng chiết khấu lên đến 40% giá chào bán.
“Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng khó “đảo chiều” và sẽ tiếp tục trầm lắng với mức thanh khoản trung bình. Diễn biến thị trường phụ thuộc vào pháp lý, dòng tiền và sự tăng trưởng của du lịch”, ông Đính nhận định.
Nghị định số 10/2023 của Chính phủ được xem là động thái mang đến những tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Theo đó, các căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng và những công trình khác phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đủ điều kiện sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ).
Đặc biệt, mới đây, ngày 15.5, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu rà soát, ban hành theo thẩm quyền các văn bản để tổ chức thực hiện Nghị định số 10/2023. Trong đó, yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh việc cấp “sổ đỏ” cho condotel, biệt thự du lịch, officetel, thương mại dịch vụ…
Điều này càng làm gia tăng kỳ vọng của giới đầu tư về sự khởi sắc của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng thời gian tới.
Bàn về vấn đề này, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property), cho rằng việc cấp sổ mang tính chất đặt tên, khai sinh cho dòng sản phẩm bất động sản, sẽ giải quyết về mặt pháp lý. Và một khi bất động sản được định danh chắc chắn sẽ tăng giá, xấu nhất là giữ giá.
Tuy nhiên, ông Toản cũng nhấn mạnh rằng, việc khai thác, vận hành cũng là yếu tố quan trọng quyết định giá trị của bất động sản nghỉ dưỡng. Nhất là khi trước đó, thị trường này đã diễn ra làn sóng bán cắt lỗ thứ cấp rất nhiều, có rất nhiều người bán lỗ tới 50% nhưng vẫn không có khách.
CEO EZ Property nhìn nhận, khó khăn của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời gian vừa qua là rất lớn. Bên cạnh pháp lý thì việc thực hiện cam kết của chủ đầu tư cũng khiến khách hàng mất niềm tin và muốn “dứt cơn đau” sớm. Thậm chí, có dự án còn không thể bàn giao cho khách hàng.
Bản thân ông Toản cũng là người đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng và cũng trong tình cảnh bị chủ đầu tư hoãn trả cam kết lợi nhuận đồng thời bị đề xuất phương án thay thế. Theo ông, những người đã lỡ “đâm lao phải theo lao” còn người mới tham gia vào phân khúc này thời gian qua gần như không có.
Do đó, vị này cho rằng, thời điểm này để dự báo sự khởi sắc của bất động sản nghỉ dưỡng thời gian tới e còn quá sớm, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cách thức vận hành của chủ đầu tư. “Tôi cho rằng các chủ đầu tư nên hạ giá bán ra”, ông Toản nêu quan điểm.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, việc cấp sổ đỏ, đặt tên cho bất động sản nghỉ dưỡng là thông tin rất tích cực, sẽ giúp củng cố một phần niềm tin của các nhà đầu tư, còn hiệu quả của thông tin này đến đâu sẽ phụ thuộc vào kết quả xử lý của các cơ quan chức năng. Hơn nữa, mọi yếu tố tác động đều cần thời gian để thị trường tiếp nhận, thích nghi, không phải thay đổi ngay trong một sớm một chiều, nên để trả lời cho câu hỏi, bao lâu sau khi được cấp sổ, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi là rất khó. Nhất là trong bối cảnh kinh tế, thị trường đang khó khăn, trầm lắng, bất động sản nghỉ dưỡng lại không phải là những sản phẩm thiết yếu, nguồn cầu thực cao như nhà ở nên thanh khoản chắc chắn sẽ vẫn gặp khó trong thời gian tới.