Sắp có quy định về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ

Sau khi Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm ban hành thông tư về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ trước 25/4, HoREA đề xuất Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ cho phép xây dựng và ban hành thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Phó Thủ tướng yêu cầu ban hành trước 25/4

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm ban hành Thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiêu chí đánh giá năng lực khách hàng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng, góp phần phát triển hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trước 25/4.

Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại căn cứ vào danh mục dự án, đối tượng, điều kiện tiêu chí được thụ hưởng Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng của Bộ Xây dựng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP để áp dụng điều kiện cho vay và lập quỹ dự phòng rủi ro, không đánh đồng giữa các doanh nghiệp.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.

HoREA đề xuất Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ cho phép xây dựng và ban hành thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Liên quan đến chỉ đạo này của Phó Thủ tướng, chiều tối ngày 17/4, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đề nghị ban hành thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cùng thông tư về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN theo thủ tục rút gọn.

Theo Hiệp hội, do yêu cầu cấp bách phải khẩn trương tháo gỡ các khó khăn của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nên Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ cho phép xây dựng và ban hành (Dự thảo) Thông tư Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước vừa hoàn thành dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ. Dự thảo đang được các tổ chức tín dụng và tất cả các khách hàng của các tổ chức tín dụng bao gồm cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người mua nhà mong ngóng, chờ đợi.

Theo đánh giá của công ty tư vấn và quản lý tài sản – FIDT, đối với thị trường chứng khoán, dự thảo thông tư về cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là thông tin tích cực vì sẽ hỗ trợ mạnh cho nhóm ngân hàng, bất động sản và cả nền kinh tế. Kết hợp với các biện pháp giảm thuế đang chuẩn bị và gia hạn nộp thuế cho thấy sự hỗ trợ đồng bộ của cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Đây là kỳ vọng lớn cho thị trường và nền kinh tế.

Đề xuất ngân hàng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp

Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét xây dựng hoàn thiện và ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp”.

Cụ thể, theo Hiệp hội, các ngân hàng thương mại có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia xử lý trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn, nhưng lại không được phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp do “vướng” quy định tại điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN nên có độ “vênh”, không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

HoREA đề nghị không cấm tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.

Hiệp hội cũng đề nghị Dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất và trái chủ được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn.

Khoản vay có thể xem xét không vượt quá 70% giá trị gói trái phiếu đã phát hành, và ngân hàng thương mại được phép nhận thế chấp bằng chính gói trái phiếu này và có tài sản bảo đảm, để phát hành gói trái phiếu đó theo phương thức ngân hàng thương mại giải ngân trực tiếp đến các “trái chủ”.

Đối với phần 30% giá trị gói trái phiếu đã phát hành còn lại, thì doanh nghiệp và các “trái chủ” thỏa thuận đàm phán với nhau theo quy định tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP.

Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép các ngân hàng thương mại được xem xét từng trường hợp cụ thể cho các “trái chủ” đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định được vay tín dụng để đầu tư kinh doanh và được thế chấp bằng trái phiếu với giá trị khoản vay tối đa không vượt quá 70% giá trị trái phiếu.

“Nếu có cơ chế, chính sách này thì sẽ tác động tích cực ngay lập tức và cùng với Nghị định 08/2023/NĐ-CP, sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn, và các “ trái chủ” hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển”, ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch HoREA kiến nghị.