Hôm tòa xét xử, hai bị cáo trong vụ án cũng thừa nhận rằng chẳng có chuyện xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Bản thân họ vẽ ra viễn cảnh để đưa các “con mồi” vào tròng nhằm chiếm đoạt tiền của họ.
Giăng bẫy
Phiên tòa xét xử hai bị cáo Vũ Đức Minh (41 tuổi) và Đinh Hồng Quang (44 tuổi, cùng trú Hà Nội) lừa đảo chiếm đoạt tài sản có đến 150 người là bị hại. Nhưng hôm ấy, tại TAND TP Đà Nẵng chỉ có năm người là bị hại có mặt. Một số người thân của các bị hại khác đang sinh sống tại Đà Nẵng xin tòa được ngồi dự phía dưới.
Hồ sơ thể hiện khoảng tháng 4-2021 Minh và Quang đã lợi dụng lòng tin của nhiều người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc để lừa đảo chiếm đoạt tiền của họ.
Để “giăng bẫy”, Minh và Quang lên mạng xã hội đặt làm thẻ căn cước công dân giả mang tên Trần Danh Cường (để Quang sử dụng), Phạm Doãn Tuấn (Minh sử dụng). Sau khi có căn cước công dân giả, cả hai dùng mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền lừa được sau này.
Để tạo lòng tin cho những người có nhu cầu đi Hàn Quốc lao động “chui”, cả hai bị cáo lên mạng xã hội “quảng cáo”, đăng thông tin liên lạc giả của mình. Khi có người liên hệ, Minh và Quang thỏa thuận về việc nhận đưa họ đi Hàn Quốc lao động bằng hình thức du lịch trên tàu 5 sao xuất phát từ cảng Đà Nẵng. Khi đến Hàn Quốc thì trốn ở lại để lao động chui. Giá tiền cho mỗi trường hợp đi Hàn Quốc trót lọt dao động từ 8.000 – 11.000 USD.
Khi có “con mồi” liên lạc, Minh và Quang hẹn họ đến Hà Nội để khám sức khỏe và thu phí mỗi người 5 triệu đồng. Sau đó, họ được hẹn đến Đà Nẵng để xét nghiệm COVID-19 lần cuối rồi lên tàu 5 sao để đi Hàn Quốc.
Khi những bị hại đến Đà Nẵng, Minh và Quang yêu cầu mỗi người phải nộp 300 USD để làm thẻ lên tàu và chi phí sinh hoạt trên tàu. Bằng chiêu thức này, hai bị cáo đã lừa được 150 người đến Đà Nẵng để “lên tàu 5 sao đi du lịch Hàn Quốc” và hẹn tối 15-5-2021 sẽ xuất phát. Sau khi đã thu hơn 1,8 tỉ đồng của 150 bị hại, cả hai cắt hết mọi liên lạc và bỏ trốn vào Cần Thơ.
Bị lừa lôi kéo thêm người bị lừa
Tại tòa, cả Minh (với vai trò khởi xướng, chủ mưu) và Quang đều khai nhận rõ ràng hành vi phạm tội của mình. Minh thừa nhận là không có chuyện đi Hàn Quốc và cũng chẳng có chuyến tàu 5 sao nào. “Bị cáo chỉ tính để lừa lấy tiền. May rủi được bao nhiêu thì được” – Minh khai.
Cũng theo bị cáo này, ban đầu Minh nghĩ chắc chỉ lừa được khoảng 10 – 20 người, không ngờ lên đến 150 bị hại. Cứ người này vô tình “dính bẫy” thì lại giới thiệu tiếp người khác. Họ giới thiệu người quen, bạn bè với mục đích giúp nhau để có thể đi xuất khẩu lao động nhưng cũng có phần vì lợi nhuận.
“Bị cáo hứa nếu đi được mỗi người đóng 10.000 USD nhưng bị cáo chỉ nhận 9.000 USD, còn 1.000 USD bị cáo cho lại họ vì đã giới thiệu người cho bị cáo. Được lợi như vậy nên người này lôi kéo người kia giúp bị cáo dễ dàng lừa được nhiều người” – Minh trình bày.
Minh cũng nói rằng mình tính toán chỉ lừa mỗi người khoảng 12 triệu đồng, cũng là khoản tiền nhỏ nên các bị hại không kiện tụng gì.
Minh cũng nhận trách nhiệm và xin hội đồng xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Quang vì chỉ làm theo lời của bị cáo.
Còn Quang cũng thành khẩn khai nhận, xin lỗi các bị hại và gia đình, bày tỏ mong muốn sớm trở về với cuộc sống để làm ăn chân chính, bồi thường cho các bị hại.
Khi được hỏi ý kiến, các bị hại đề nghị các bị cáo trả lại tiền và mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho họ.
Đừng để bị lừa vì nhẹ dạ cả tin
Đối với Minh và Quang, hội đồng xét xử nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo đều ý thức được việc làm của mình là trái pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện chiếm đoạt số tiền lớn của nhiều người. Hành vi được thực hiện bài bản, nhiều lần, có sự cấu kết, có tổ chức. Do vậy cần phải xử lý nghiêm khắc…
Các bị cáo không có nghề nghiệp nhưng trong thời gian ngắn đã thực hiện nhiều lần việc chiếm đoạt tiền của 150 người, lấy tiền phạm tội như là thu nhập chính của bản thân, vì vậy cần áp dụng thêm tình tiết tăng nặng.
Qua đó, tòa đã tuyên bị cáo Minh 24 năm tù, còn Quang là 23 năm tù cùng về các tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Cuối phiên tòa hôm đó, chúng tôi gặp ông T. (bị hại) bên ngoài hành lang. Ông nói rằng ở quê làm ruộng, không có thu nhập gì thêm. Cuộc sống bí bách nên khi thấy Minh, Quang rao trên mạng xã hội liền liên hệ. Được họ hướng dẫn nộp hộ chiếu và cam kết cấp visa, sang đến nơi mới đóng tiền nên ông tin tưởng.
“Mình nghĩ xuất khẩu lao động được thì cuộc sống sẽ đỡ khó khăn, vất vả hơn. Làm lụng kiếm tiền gửi về quê hương giúp đỡ gia đình” – ông T. tâm sự.
Cùng suy nghĩ đó nên ông và nhiều người khác phải vay mượn gần 12 triệu đồng để đóng tiền khám sức khỏe, chi phí sinh hoạt nhưng nào ngờ ước mơ đã vụt tắt.
Hôm nay, ông phải đi xe khách suốt đêm từ quê vào Đà Nẵng, thuê chỗ trọ để lên tòa với hy vọng đòi lại được số tiền đã đóng cho nhóm lừa đảo.
Hội đồng xét xử cho rằng trong vụ án này lỗi một phần cũng xuất phát từ các bị hại. “Nguyện vọng xuất khẩu lao động nước ngoài là chính đáng. Tuy nhiên, các bị hại phải hiểu là nó phải được thực hiện bằng con đường chính ngạch, đúng pháp luật. Xuất khẩu lao động mà đi bằng tàu du lịch 5 sao, đi rồi trốn lại làm chui, nghe thôi đã thấy không bình thường rồi”.
Nỗi buồn của người cha già
Nhiều người không khỏi xót xa khi chứng kiến ông Đ. (70 tuổi, cha của bị cáo Quang) phải lặn lội từ Hà Nội vô Đà Nẵng để dự phiên tòa xét xử con trai mình. Dáng người cha khắc khổ ngồi bên ghế người tham gia tố tụng khác, cách con trai chừng dăm bước chân. Hai cha con chỉ biết nhìn nhau.
Là người lính trở về từ chiến trường, vợ chồng sinh được ba người con, trong đó Quang là con trai. Quang lập gia đình và sinh được ba đứa con. Từ ngày Quang vướng lao lý, vợ Quang cũng đi làm xa, vợ chồng ông phải chăm ba đứa cháu.
Cuộc sống khó khăn nhưng ông Đ. cũng gom góp được 100 triệu đồng để nộp khắc phục hậu quả thay con. Khi được hỏi ý kiến, ông Đ. mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Quang để sớm trở về chăm sóc các con nhỏ…