Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những quy hoạch quan trọng, được kỳ vọng sẽ tạo động lực thu hút dòng vốn đầu tư mới vào tỉnh này trong thời gian tới.
Hơn 107.300 tỉ đồng đầu tư vào Quảng Bình
Ngày 17/4/2023, UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023, qua đó sẽ mời gọi những nhà đầu tư có năng lực tài chính, các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh này.
UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, trong năm 2022, số lượng nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh khá nhiều, có nhiều dự án đã đăng ký và triển khai đầu tư với quy mô lớn.
Tính đến cuối năm 2022, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình khoảng 8.000 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký hơn 107.300 tỉ đồng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 27 dự án FDI đã được cấp chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 1,1 tỉ USD. Trong đó có nhiều dự án lớn như, dự án Xi Măng Quảng Phúc quy mô 200 triệu USD; dự án cụm trang trại điện gió B&T có tổng vốn đầu tư 330 triệu USD; dự án nhà máy điện mặt trời 49,5 MW có tổng vốn đầu tư 44,6 triệu USD.
Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 63 dự án trong nước được phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 7.200 tỉ đồng, tăng gấp 2 lần về số dự án và tăng gấp 6 lần về tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ.
UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư 11 dự án nhà ở, đất ở với tổng vốn đầu tư 13.430 tỉ đồng; tiếp nhận 18 dự án NGO với tổng vốn cam kết viện trợ khoảng 5,4 triệu USD.
Tại chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023, tỉnh Quảng Bình đã xác định rõ quan điểm, định hướng, mục tiêu cũng như hàng loạt giải pháp tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Chờ đợi làn sóng đầu tư mới
Ngày 12/4 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 377/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là một trong những quy hoạch quan trọng, được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều vùng đất phát triển mới, đồng thời tạo động lực mới trong việc phát triển kinh tế xã hội, cũng như thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung, với tốc độ tăng GRDP bình quân từ 8,4-8,8%/năm và tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 375.000-425.000 tỉ đồng.
Để hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra, Quảng Bình đã xác định quỹ đất phát triển mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Cụ thể, đến năm 2030, Quảng Bình sẽ giảm 9.304ha đất nông nghiệp, tăng 18.383ha đất phi nông nghiệp.
Trong quỹ đất phi nông nghiệp nói trên, diện tích đất ở đô thị được điều chỉnh tăng thêm 1.808ha so với năm 2020, diện tích đất ở tại nông thôn tăng thêm 2.673ha, diện tích đất khu công nghiệp tăng thêm 2.040ha, diện tích đất thương mại, dịch vụ tăng thêm 3.234ha.
Quy hoạch xác định hai trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh gồm Khu du lịch quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á và Khu Kinh tế (KKT) Hòn La trở thành KKT động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế.
Quảng Bình sẽ hình thành ba trung tâm đô thị.
Trung tâm đô thị thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận, trong đó thành phố Đồng Hới là hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối thành phố Đồng Hới, gồm đô thị Quán Hàu, Hoàn Lão, Việt Trung, Dinh Mười.
Trung tâm đô thị phía bắc với hạt nhân là Thị xã Ba Đồn gắn với huyện lỵ của huyện Quảng Trạch, KKT Hòn La, Tiến Hóa. Ngoài ra còn có Trung tâm đô thị phía nam với hạt nhân là Thị trấn Kiến Giang (tương lai là Thị xã), đô thị vệ tinh gồm: Lệ Ninh và Áng Sơn.
Quy hoạch cũng xác định ba hành lang kinh tế tại tỉnh Quảng Bình gồm: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1A, đường ven biển; Hành lang kinh tế Đông – Tây dọc quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo – thị xã Ba Đồn – cảng biển Hòn La; Hành lang kinh tế trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc – Nam phía đông.
Cũng theo quy hoạch vừa được phê duyệt, tại tỉnh Quảng Bình phát triển kinh tế theo bốn trụ cột gồm tập trung đầu tư để phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch quốc tế, coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Trụ cột thứ hai là phát triển công nghiệp là trọng điểm, trong đó khuyết khích phát triển công nghiệp sản xuất điện, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo.
Trụ cột thứ ba là phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hoá, giá trị gia tăng cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, coi đây là bệ đỡ nền kinh tế của tỉnh. Trụ cột thứ tư là phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo.