Bên cạnh quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Quốc hội thông qua, nhiều quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021- 2030 cũng sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023. Những quy hoạch mới này đang mở ra nhiều vùng đất phát triển đô thị mới trong thời gian tới
Quy hoạch mới sẽ mở ra nhiều vùng đất phát triển đô thị mới. Ảnh: Lưu Bang
Sẽ có những đô thị ngang tầm khu vực và quốc tế
Ngày 9/1/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch đã xác định mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021–2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp – xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%.
Bên cạnh đó là mục tiêu phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế – xã hội; tập trung phát triển hai vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với hai cực tăng trưởng là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Bắc – Nam, hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, hành lang kinh tế Mộc Bài – Thành phố Hồ Chí Minh – Biên Hoà – Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước.
Song song với đó là mục tiêu phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; phấn đấu từ 3 – 5 đô thị ngang tầm khu vực và quốc tế. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP.
Đặc biệt là việc hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, bao gồm các trục giao thông đường bộ Bắc – Nam (đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, một số đoạn của đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đường ven biển), các trục giao thông Đông – Tây quan trọng.
Cùng với đó, phấn đấu có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc; các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển quốc tế, các cảng hàng không quốc tế lớn, các tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển lớn, đường sắt đô thị; phấn đấu xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao trên tuyến Bắc – Nam;…
Hé lộ các vùng đô thị lớn
Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã hé lộ những định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, trong đó có định hướng phân bố các vùng đô thị lớn.
Cụ thể, tại vùng đô thị Hà Nội sẽ xây dựng hệ thống đô thị gồm thành phố Hà Nội và các đô thị lân cận của các tỉnh xung quanh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và vùng trung du và miền núi phía Bắc nhằm chia sẻ chức năng về giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, thương mại, dịch vụ, du lịch và hạn chế sự tập trung quá mức vào đô thị trung tâm Hà Nội.
Tại đây sẽ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại, bao gồm các trục từ Hà Nội kết nối với các đô thị lớn của vùng, các đường vành đai 4, vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội và các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt vành đai phía Đông thành phố Hà Nội, thúc đẩy liên kết và lan tỏa phát triển kinh tế – xã hội cho cả khu vực phía Bắc. Hình thành các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ dọc theo các đường vành đai 4, vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội.
Quy hoạch cũng xác định việc phát triển thành phố Hà Nội trở thành đô thị thông minh, đầu tàu trong khoa học, công nghệ; trung tâm giao dịch quốc tế, dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, tài chính, ngân hàng chất lượng cao; đầu mối giao thông quan trọng của khu vực và quốc tế,…
Tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng hệ thống đô thị gồm thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị thuộc các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm chia sẻ chức năng về dịch vụ, công nghiệp, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, hạn chế sự tập trung quá mức vào đô thị trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.
Tại vùng đô thị này sẽ xây dựng các trục từ thành phố Hồ Chí Minh kết nối với các đô thị lớn của vùng, các đường vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt kết nối sân bay, cảng biển cửa ngõ quốc tế, thúc đẩy liên kết và lan tỏa phát triển kinh tế – xã hội cho cả khu vực phía Nam. Hình thành các vành đai công nghiệp – đô thị – dịch vụ dọc theo các đường vành đai 3, vành đai 4. Phát triển thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành.
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân, trung tâm phát triển của toàn vùng; chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, trở thành trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh trong khu vực; đi đầu về công nghiệp công nghệ cao và là đầu mối giao thương với quốc tế.
Tại vùng đô thị này sẽ chú trọng khai thác không gian ngầm gắn với khai thác hiệu quả quỹ đất đô thị. Nghiên cứu khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển khu vực Thủ Đức, Cần Giờ trở thành động lực tăng trưởng mới cho thành phố Hồ Chí Minh.
Riêng tại vùng đô thị Đà Nẵng sẽ xây dựng hệ thống đô thị gồm thành phố Đà Nẵng và các đô thị lân cận trở thành trung tâm về khởi nghiệp, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin.
Quy hoạch xác định phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành cực tăng trưởng, động lực quan trọng, đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên.
Tại vùng đô thị Cần Thơ sẽ xây dựng hệ thống đô thị với đô thị trung tâm là thành phố Cần Thơ và các đô thị lân cận trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học, công nghệ, văn hoá, thể thao của cả vùng.
Quy hoạch cũng xác định việc khai thác trục giao thông kết nối Cần Thơ – Mỹ Thuận – Trung Lương – Thành phố Hồ Chí Minh để tập trung phát triển đô thị, tạo sự lan tỏa tới các khu vực khác trong vùng,…
Đô thị Đà Nẵng đang đứng trước cơ hội phát triển mới. Ảnh: Lưu Bang
Mở ra những vùng đất phát triển mới
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023.
Đây là quy hoạch rất quan trọng, định hướng cho việc phát triển toàn diện về kinh tế – xã hội đồng thời cũng hé mở nhiều vùng đất phát triển mới tại từng địa phương.
Cuối năm 2021, HĐND tỉnh Bình Định thông qua quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 bình quân 8,5% trở lên, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 là 204-213 triệu đồng/người.
Trong giai đoạn này, kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa.
Quy hoạch cũng hé mở định hướng xây dựng trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu Kinh tế Nhơn Hội trên cơ sở chuyển đổi đất công nghiệp sang đất đô thị, dịch vụ.
Tại tỉnh Bình Định sẽ có các trục hành lang động lực phát triển như quốc lộ 19, quốc lộ 1, tuyến quốc lộ 19B, quốc lộ 1D, quốc lộ 19C, tuyến đường tỉnh ĐT.638, tuyến đường tỉnh ĐT.629, ĐT.630,…
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức họp thẩm định quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Báo cáo quy hoạch của thành phố Đà Nẵng đã đặt ra quan điểm tập trung phát triển thành phố theo 3 trụ cột.
Trong đó đã nghiên cứu tích hợp đồng bộ yếu tố văn hóa vào sự phát triển du lịch trở thành một trụ cột quan trọng của thành phố. Đó là du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế và yếu tố văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt.
Một trụ cột quan trọng khác định hình sự phát triển của thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ tới là kinh tế tri thức với 2 mũi nhọn là công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.
Trụ cột thứ ba là trung tâm dịch vụ chất lượng cao với hai mũi nhọn là cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.
Báo cáo quy hoạch cũng xác định trong thời kỳ tới thành phố Đà Nẵng sẽ có sáu nhóm ngành, lĩnh vực cần ưu tiên, kèm theo các không gian và nguồn lực phát triển trong sự kết nối không chỉ trong nội bộ Đà Nẵng mà còn với các địa phương khác trong nước và các thành phố trong khu vực và quốc tế.