Giữa thời điểm thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, nhiều môi giới nhà đất đã đổ dồn về xã Cam An Bắc (huyện Cam Lâm) khiến cho thị trường bất động sản nơi đây bỗng dưng nhộn nhịp khác thường.
Xe ô tô nườm nượp ra vào xã Cam An Bắc trong sáng 4-4. (ảnh: Báo Khánh Hòa)
Thông tin từ Báo Khánh Hòa cho biết, những ngày gần đây các nhóm Zalo bất động sản ngập tràn thông tin về giao dịch đất tại xã Cam An Bắc. Dọc đường Trần Hưng Đạo dẫn về trung tâm xã, gần trăm xe ô tô ra vào tấp nập. Dọc hai bên đường là hàng dài ô tô đậu kín. Nhiều đoạn xe ô tô né nhau mới qua được. Ngoài các xe biển số của Khánh Hòa còn có nhiều xe mang biển số TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Đắk Lắk, Lâm Đồng…
Các quán cà phê ven đường cũng sôi động không kém bởi hàng trăm môi giới bất động sản ngồi nói chuyện về các khu đất; các “cò đất” liên tục báo giá, chốt cọc. Phía ngoài đường, nhiều “cò đất” dùng điện thoại livestream, chụp hình đăng Facebook, Zalo.
Báo Khánh Hòa cũng dẫn phát biểu từ ông Đặng Ngọc Thế – Phó Chủ tịch UBND xã Cam An Bắc cho biết, trước đây, một số nhà đầu tư đã tìm đến mua đất tại xã với giá khá cao, có thời điểm đường chính lên đến hơn 300 triệu đồng/mét ngang, đường nhỏ dao động từ 120 triệu đồng đến 130 triệu đồng/mét ngang. Tuy nhiên, hơn một năm nay, thông tin mua bán chuyển nhượng hầu như không có. Không hiểu vì lý do gì mấy ngày gần đây, môi giới tập trung về xã rất đông.
Trong khi quy hoạch đô thị mới Cam Lâm vẫn chưa được phê duyệt, thông tin chưa có gì chính thức. UBND xã Cam An Bắc sẽ báo cáo UBND huyện Cam Lâm về tình trạng này để có phương án tuyên truyền, tránh tình trạng sốt ảo bất động sản tại đây.
Ông Đỗ Minh Thạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, huyện đã nắm được thông tin hàng trăm môi giới đổ dồn về xã Cam An Bắc mua bán đất. Nhưng sau khi kiểm tra tại các văn phòng công chứng trên địa bàn huyện cũng như tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Cam Lâm, kết quả trong 3 ngày nay không hề có giao dịch hoặc đăng ký biến động đất đai tại huyện Cam Lâm. “Có thể trước kia nhiều người tại các địa phương ngoài tỉnh đã mua đất khu vực này, giờ lợi dụng sự kiện công bố quy hoạch của tỉnh để “tạo sóng ảo” nhằm thoát hàng của năm 2020 – 2021.
Do đó, UBND huyện sẽ có văn bản khuyến cáo người dân cần thận trọng với những thông tin của môi giới bất động sản về tình hình ở địa phương. Tất cả thông tin chính thống phải có văn bản, đóng dấu, do cơ quan chức năng công bố. Còn người nào đăng thông tin sai sự thật, UBND huyện sẽ thu thập, gửi cơ quan chức năng xử lý theo quy định”, ông Thạnh nói.
Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm chưa được phê duyệt
Cố tình tạo “sóng ảo” để thoát hàng?
Nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm trên lĩnh vực bất động sản cho biết, có thể nhận định hiện tượng sốt đất tại Cam Lâm như nói trên là sốt đất ảo.
Nhận định như vậy bởi trên thực tế, thị trường bất động sản Cam Lâm từng xảy ra giai đoạn sốt đất rồi trầm lắng kéo dài trong năm 2022.
Trong giai đoạn trầm lắng như hiện nay, không riêng gì Cam Lâm mà nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh thành khác, nhiều nhà đầu tư đang bị “chôn tiền” trong bất động sản và mong muốn sớm thoát được hàng.
Do đó, không loại trừ khả năng nhiều môi giới nhà đất đang cố tình tạo “sóng ảo” để sớm bán được những sản phẩm đã đầu cơ, lướt sóng nhưng chưa kịp thoát được hàng thì thị trường rơi vào trầm lắng như vừa qua.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, các nhà đầu tư này cho rằng, thời gian gần đây, có rất nhiều thông tin mới đã tác động tích cực đến thị trường bất động sản Khánh Hòa, như quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng vừa tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, công bố dòng vốn đầu tư mới sắp đổ bộ vào tỉnh. Đặc biệt là thông tin dự án khu đô thị ven vịnh Cam Ranh quy mô 85.000 tỷ đồng vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư,…
Những thông tin nói trên là rất dễ bị giới “cò đất” lợi dụng nhằm tạo sóng tại thị trường Cam Lâm nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung.
Để thuận tiện cho việc tuyên truyền các nội dung về quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình thực hiện quy hoạch này trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Đơn cử, ngày 15/3 mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành liên quan về báo cáo Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Tuân – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đồ án quy hoạch, trong đó xác định đây là quy hoạch đô thị mới, tính chất đô thị thể hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu kỹ và làm rõ các nội dung về chính sách tái định cư, việc làm, số lượng di dời dân, cải tạo nạo vét đầm Thủy Triều, nắn tuyến Quốc lộ 1 không đi qua trung tâm đô thị, diện tích chuyển đổi đất rừng…
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, khu vực nghiên cứu lập Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Cam Lâm với tổng diện tích tự nhiên hơn 54.000 ha, 14 đơn vị hành chính.
Quy mô dân số quy hoạch đến năm 2030 khoảng 330.000 người; đến năm 2045 khoảng 770.000 người. Đồ án quy hoạch định hướng phát triển đô thị mới Cam Lâm thành 7 phân khu chức năng, trở thành đô thị sân bay tầm quốc tế, mô hình đô thị thông minh và là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tầm quốc gia, hạt nhân phát triển du lịch của khu vực và thế giới.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã lý giải sự khác nhau giữa Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm và việc triển khai dự án.
Theo đó, đây là hai bước khác nhau. Hiện nay, nội dung công việc liên quan phát triển đô thị mới tại huyện Cam Lâm chỉ đang thực hiện công tác lập quy hoạch ở cấp độ quy hoạch chung (tỷ lệ 1/10.000) nhằm tạo công cụ, cơ sở quản lý và phát triển đô thị cho huyện Cam Lâm theo Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng phát trien tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồ án quy hoạch chung sau khi được Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai các đồ án quy hoạch ở cấp thấp hơn như quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000), quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) và các quy hoạch này sẽ được lập, thẩm định, phê duyệt đúng trình tự thủ tục theo quy định.
Các khu vực, phạm vi sau khi xác định tại các quy hoạch phân khu được phê duyệt làm cơ sở để lựa chọn nhà đầu tư triển khai đầu tư dự án theo đúng quy định.
Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm là cơ sở quan trọng để UBND tỉnh, các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo triển khai và cụ thể hóa các định hướng quy hoạch trong quá trình phát triển, đầu tư, thu hút nguồn vốn xây dựng đô thị mới Cam Lâm; là công cụ pháp lý để chính quyền các cấp quản lý, kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển theo quy hoạch được duyệt.
Coi chừng sập bẫy trong cơn sốt đất ảo
Trong các cơn sốt đất ảo, nhiều đối tượng đã đưa ra các thông tin không đúng sự thật nhằm mục đích tạo lòng tin cho người mua rồi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Công an tỉnh Quảng Nam và Công an thành phố Đà Nẵng vừa liên tiếp khởi tố, bắt tạm giam nhiều cá nhân liên quan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điểm chung của các vụ việc này là lợi dụng lòng tin của người dân, các đối tượng đã lừa đảo bán đất.
Trong đó có vụ việc, đối tượng bán đất rồi hứa hẹn sẽ làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất ở. Thậm chí có đối tượng hứa làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, làm thủ tục giao đất có thu tiền sử dụng đất để người dân tin tưởng giao tiền, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chiếm đoạt.
Chưa dừng lại ở đó, có trường hợp do cần tiền tiêu sài, đối tượng đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm tạo lòng tin cho người mua rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản,…