Quy định về quản lý, chăm sóc sức khỏe người lao động và huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tại cơ sở lao động

Dưới đây là một số quy định về quản lý, chăm sóc sức khỏe người lao động và huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tại cơ sở lao động.

Công ty Cổ phần Quốc tế BHL Group huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tại Công ty  TNHH Gas Phoenix (VN) tại KCN Gò Dầu, tỉnh Đồng Nai.

Công ty Cổ phần Quốc tế BHL Group huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tại Công ty TNHH Gas Phoenix (VN) tại KCN Gò Dầu, tỉnh Đồng Nai.


Căn cứ vào Thông tư số 19/2016/TT- BYT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động. Việc quản lý, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động phải được thực hiện từ thời điểm người lao động được tuyển dụng và trong suốt quá trình làm việc tại cơ sở lao động.

Quy định về túi sơ cứu

– Các túi sơ cứu phải được đặt tại khu vực làm việc của người lao động, tại nơi dễ thấy, dễ lấy, có ký hiệu chữ thập.

– Nội dung và số lượng túi sơ cứu thực hiện theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

Tổ chức lực lượng sơ cứu, cấp cứu

– Lực lượng sơ cứu, cấp cứu gồm:

+ Có đủ sức khỏe và tình nguyện tham gia các hoạt động sơ cứu, cấp cứu.

+ Có thể có mặt sớm nhất tại vị trí xảy ra tai nạn lao động để hỗ trợ sơ cứu, cấp cứu trong thời gian làm việc.

+ Được huấn luyện về sơ cứu, cấp cứu theo hướng dẫn tại Điều 9 của Thông tư này.

+ Người làm công tác y tế tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

– Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh có công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động sắp xếp và bố trí số lượng người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu như sau:

+ Dưới 100 người lao động phải bố trí ít nhất 1 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu.

+ Cứ mỗi 100 người lao động tăng thêm phải bố trí thêm ít nhất 1 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu.

– Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh khác, người sử dụng lao động sắp xếp và bố trí số lượng người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu như sau:

+ Dưới 200 người lao động phải bố trí ít nhất 1 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu.

+ Cứ mỗi 150 người lao động tăng thêm phải bố trí thêm ít nhất 1 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu.

– Bảo đảm mỗi ca làm việc hoặc nhóm làm việc lưu động phải có người hoặc lực lượng chịu trách nhiệm sơ cứu, cấp cứu.

Yêu cầu đối với khu vực sơ cứu, cấp cứu

– Trường hợp trên 300 người cùng lao động tập trung trên một mặt bằng phải bố trí khu vực sơ cứu, cấp cứu.

– Khu vực sơ cứu, cấp cứu phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu như sau:

+ Phải đủ rộng để đặt cáng cứu thương và có chỗ cho người bị tai nạn lao động nằm và được thông khí, chiếu sáng và có biển hiệu (chữ thập).

+ Bố trí gần nhà vệ sinh, dễ tiếp cận với khu vực lao động, sản xuất và dễ dàng trong công tác sơ cứu, cấp cứu hoặc vận chuyển người lao động khi bị tai nạn lao động;

+ Danh mục trang thiết bị của khu vực sơ cứu, cấp cứu thực hiện theo quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

Huấn luyện sơ cứu, cấp cứu

– Đối tượng huấn luyện sơ cứu, cấp cứu bao gồm:

+ Người lao động, trừ trường hợp đã có Giấy chứng nhận huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.

+ Người được phân công tham gia lực lượng sơ cứu, cấp cứu.

– Thời gian, nội dung huấn luyện và huấn luyện lại hằng năm thực hiện theo quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này.

– Người được huấn luyện phải ký vào Sổ theo dõi huấn luyện sơ cứu, cấp cứu theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này sau khi được huấn luyện. Trường hợp người lao động đã có Giấy chứng nhận huấn luyện an toàn vệ sinh lao động thì không phải ký vào Sổ theo dõi huấn luyện sơ cứu, cấp cứu nhưng phải lưu bản sao Giấy chứng nhận huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.

– Định kỳ kiểm tra, rà soát việc tổ chức sơ cứu, cấp cứu; trang thiết bị, phương tiện sơ cứu, cấp cứu và số lượng người làm công tác sơ cứu, cấp cứu tại cơ sở lao động.

– Quản lý và tổ chức huấn luyện cho người lao động và người lao động được phân công tham gia lực lượng sơ cứu theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động

– Lập, quản lý, bổ sung hồ sơ vệ sinh lao động, hồ sơ sức khỏe cá nhân của người lao động, hồ sơ quản lý tình hình sức khỏe người lao động tại cơ sở lao động, hồ sơ cá nhân bệnh nghề nghiệp (nếu có), hồ sơ sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động (nếu có), theo dõi sức khỏe và diễn biến bệnh nghề nghiệp của người lao động.

– Bố trí, sắp xếp vị trí việc làm phù hợp với sức khỏe người lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này.

– Bảo đảm cung cấp đủ các công trình vệ sinh, phúc lợi để sử dụng tại nơi làm việc.

– Trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện sơ cứu, cấp cứu; tổ chức lực lượng sơ cứu, cấp cứu và có văn bản phân công người quản lý lực lượng sơ cứu, cấp cứu; tổ chức huấn luyện sơ cứu, cấp cứu.

 Danh mục trang thiết bị của khu vực sơ cứu, cấp cứu

– Túi sơ cấp cứu tại nơi làm việc.

– Bồn rửa tay có đủ nước sạch.

– Giấy lau tay.

– Tạp dề ni lông.

– Tủ lưu giữ hồ sơ.

– Đèn pin.

– Vải, toan sạch.

– Cặp nhiệt độ.

– Giường, gối, chăn.

– Cáng cứng

– Xà phòng rửa tay.

– Dụng cụ chứa chất thải nguy hại và không nguy hại.

– Bô hoặc chậu chứa chất thải của bệnh nhân.

– Ghế đợi.

– Tủ đựng vật tư tiêu hao và các dụng cụ, phương tiện sơ cứu, cấp cứu.

Huấn luyện sơ cứu chảy máu động mạch tại Công ty TNHH Gas Phoenix (VN) KCN Gò Dầu, tỉnh Đồng Nai

Huấn luyện sơ cứu chảy máu động mạch tại Công ty TNHH Gas Phoenix (VN) KCN Gò Dầu, tỉnh Đồng Nai


Nội dung và thời gian huấn luyện về sơ cứu tại cơ sở lao động

* Huấn luyện lần đầu

Thời gian huấn luyện:

– Đối với người lao động: 4 giờ.

– Đối với lực lượng sơ cứu, cấp cứu: 16 giờ (2 ngày).

Nội dung huấn luyện:

– Các nguyên lý cơ bản về sơ cứu, cấp cứu tại chỗ.

– Băng bó vết thương (nguyên tắc, các phương tiện dùng để băng bó, kỹ thuật băng bó).

– Kỹ thuật cầm máu tạm thời (nguyên tắc cầm máu, các biện pháp cầm máu tạm thời).

– Kỹ thuật cố định gãy xương tạm thời (nguyên tắc cố định gãy xương, các phương tiện cố định gãy xương).

– Kỹ thuật hồi sinh tim phổi (nhận biết dấu hiệu ngừng tuần hoàn hô hấp, hướng dẫn thông thoáng đường thở và hỗ trợ hô hấp, hướng dẫn hồi sức tim phổi).

– Xử lý bỏng (đánh giá nguyên nhân và mức độ bỏng, xử lý cấp cứu bỏng tại chỗ).

– Phương pháp vận chuyển nạn nhân an toàn không cáng và có cáng để cấp cứu ban đầu.

– Các hình thức cấp cứu: Cấp cứu điện giật; cấp cứu đuối nước; cấp cứu tai nạn do hóa chất; hướng dẫn chung nội dung và sử dụng túi sơ cứu; thực hành chung cho các nội dung.

* Huấn luyện lại hằng năm

Sau khi đã thực hiện huấn luyện lần đầu, nội dung huấn luyện lại hằng năm và thời gian như sau:

– Đối với người lao động: 2 giờ.

– Đối với lực lượng sơ cứu, cấp cứu: 8 giờ (1 ngày).

  –  Sổ theo dõi công tác huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc, gồm:  

+ Tên cơ sở huấn luyện.

+ Thời gian thực hiện huấn luyện (lần đầu/huấn luyện lại hằng năm).

+ Giảng viên thực hiện huấn luyện:

– Danh sách người lao động được huấn luyện

Đối với các trường hợp đã được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động phải lưu giữ sổ theo dõi người lao động được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, giấy chứng nhận huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.

– Danh sách thành viên lực lượng sơ cứu được huấn luyện (có xác nhận của người sử dụng lao động; xác nhận của tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu).