Quy định về công tác tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động trong cơ sở sản xuất, kinh doanh

Người sử dụng lao động phải quy định và tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động trong cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù, các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành các chính sách nhằm bảo vệ người lao động khỏi các nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy trong quá trình sản xuất, kinh doanh, người lao động luôn phải đối diện với các yếu tố nguy hiểm, có hại, cùng với đó là ý thức chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong đó có những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, gây chết nhiều người do các nguyên nhân khách quan và chủ quan vẫn xảy ra, để lại hậu quả nghiêm trọng cả về vật chất và tinh thần cho người lao động trong thời gian qua. Vì vậy, công tác tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa có vai trò rất quan trọng để hạn chế mức thấp nhất xẩy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nội dung, hình thức và thời hạn tự kiểm tra theo hướng dẫn tại Thông tư số 07/2016/BLĐTBXH ngày 15/05/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định một số nội dung tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh, cụ thể như sau:

 Nội dung kiểm tra:

1. Việc thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động như: khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bồi dưỡng bằng hiện vật, khai báo, Điều tra, thống kê tai nạn lao động; đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động; huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động,…;

2. Hồ sơ, sổ sách, nội quy, quy trình và biện pháp an toàn, sổ ghi biên bản kiểm tra, sổ ghi kiến nghị;

3. Việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, biện pháp an toàn đã ban hành;

4. Tình trạng an toàn, vệ sinh của các máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng và nơi làm việc như: Che chắn tại các vị trí nguy hiểm, độ tin cậy của các cơ cấu an toàn, chống nóng, chống bụi, chiếu sáng, thông gió, thoát nước …;

5. Việc sử dụng, bảo quản trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, phương tiện kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, phương tiện cấp cứu y tế;

6. Việc thực hiện các nội dung của kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động;

7. Việc thực hiện kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm tra;

8. Việc quản lý, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và việc kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại;

9. Kiến thức an toàn, vệ sinh lao động, khả năng xử lý sự cố và sơ cứu, cấp cứu của người lao động.

10. Việc tổ chức ăn uống bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe người lao động;

11. Hoạt động tự kiểm tra của cấp dưới, việc giải quyết các đề xuất, kiến nghị về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động;

12. Trách nhiệm quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động và phong trào quần chúng về an toàn, vệ sinh lao động;

13. Các nội dung khác phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Công ty Cổ phần Quốc tế BHL Group huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood Việt Nam.

Công ty Cổ phần Quốc tế BHL Group huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood Việt Nam.


 Hình thức kiểm tra:

1. Kiểm tra tổng thể các nội dung về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến quyền hạn của cấp kiểm tra;

2. Kiểm tra chuyên đề từng nội dung kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động

3. Kiểm tra sau đợt nghỉ sản xuất dài ngày;

4. Kiểm tra trước hoặc sau mùa mưa, bão;

5. Kiểm tra sau sự cố, sau sửa chữa lớn;

6. Kiểm tra định kỳ để nhắc nhở hoặc chấm Điểm để xét duyệt thi đua;

7. Các hình thức kiểm tra khác phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở.

 Tổ chức việc kiểm tra:

Để việc tự kiểm tra có hiệu quả, tránh hình thức, đối phó cần phải chuẩn bị chu đáo và thực hiện nghiêm chỉnh các bước sau:

1. Thành lập đoàn kiểm tra: ở cấp doanh nghiệp và cấp phân xưởng hoặc tương đương khi tự kiểm tra nhất thiết phải tổ chức đoàn kiểm tra, những người tham gia kiểm tra phải là những người có trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, có hiểu biết về kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động;

2. Họp đoàn kiểm tra phân công nhiệm vụ cho các thành viên, xác định lịch kiểm tra;

3. Thông báo lịch kiểm tra đến các đơn vị hoặc các tổ chức sản xuất;

4. Tiến hành kiểm tra:

a) Quản đốc phân xưởng (nếu là kiểm tra ở phân xưởng) phải báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động với đoàn kiểm tra và đề xuất các kiến nghị, biện pháp khắc phục thiếu sót tồn tại ngoài khả năng tự giải quyết của phân xưởng; dẫn đoàn kiểm tra đi xem xét thực tế và trả lời các câu hỏi, cũng như tiếp thu các chỉ dẫn của đoàn kiểm tra;

b) Mọi vị trí sản xuất, kho tàng đều phải được kiểm tra.

5. Lập biên bản kiểm tra:

a) Đoàn kiểm tra ghi nhận xét và kiến nghị đối với đơn vị được kiểm tra; ghi nhận các vấn đề giải quyết thuộc trách nhiệm của cấp kiểm tra vào sổ biên bản kiểm tra của đơn vị được kiểm tra;

b) Trưởng đoàn kiểm tra và trưởng bộ phận được kiểm tra phải ký vào biên bản kiểm tra.

6. Xử lý kết quả sau kiểm tra:

a) Đối với các đơn vị được kiểm tra phải xây dựng kế hoạch khắc phục các thiếu sót tồn tại thuộc phạm vi của đơn vị giải quyết, đồng thời gửi cấp kiểm tra để theo dõi thực hiện;

b) Cấp kiểm tra phải có kế hoạch phúc tra việc thực hiện kiến nghị đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; tổng hợp những nội dung thuộc trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết của mình đối với cấp dưới và giao các bộ phận giúp việc tổ chức thực hiện.

7. Thông báo kết quả tự kiểm tra đến toàn thể người lao động.