Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có quy định về đất được sử dụng kết hợp vào nhiều mục đích khác để làm tăng hiệu quả sử dụng đất. Với quy định này, đất sử dụng đa mục đích có thể kết hợp du lịch sinh thái, du lịch về giáo dục trên đất nông nghiệp.
Du khách quốc tế trải nghiệm trồng rau tại làng rau Trà Quế, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: L.B
Làm du lịch trên đất nông nghiệp
Thời gian qua, nhiều địa phương tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên như Quảng Nam, Lâm Đồng đã và đang phát triển mạnh mẽ các loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái ngay trên đất nông nghiệp.
Đơn cử, khách du lịch khi đến với phố cổ Hội An không chỉ tham quan những công trình kiến trúc độc đáo trong khu vực trung tâm mà còn được tham quan, trải nghiệm nhiều loại hình du lịch cộng đồng, mang đậm bản sắc làng quê sông nước ngay trên những mảnh đất nông nghiệp đã được người dân canh tác từ bao đời nay.
Nhờ vào việc kết hợp giữa du lịch và canh tác nông nghiệp mà đời sống của người dân khu vực làng rau Trà Quế và nhiều khu vực vùng ven phố cổ Hội An đã giàu lên nhanh chóng.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân cho biết, nhờ vào sự phát triển của ngành du lịch địa phương, họ vừa có thể tiếp tục canh tác và làm giàu ngay trên mảnh đất nông nghiệp của gia đình.
Theo người dân địa phương, tại khu vực Làng rau Trà Quế hiện nay có nhiều nhà hàng ẩm thực, mỗi ngày đón hàng trăm lượt du khách quốc tế tìm đến trải nghiệm cách trồng rau, bón phân, tưới nước và cả việc học tập cách nấu những món ăn địa phương như bánh xèo, tôm hữu,…
Bên cạnh làng rau Trà Quế, nhiều địa phương khác tại vùng ven phố cổ Hội An cũng đã và đang phát triển rất mạnh mẽ ngành du lịch cộng đồng trên đất nông nghiệp.
Ở đó, du khách được lưu trú cùng với người dân tại các homestay và được trải nghiệm nhiều hoạt động du lịch như cưỡi trâu, tát nước, trải nghiệm thuyền thúng và tham quan rừng dừa nước Cẩm Thanh,…
Tại tỉnh Lâm Đồng cũng phát triển rất mạnh mẽ loại hình du lịch canh nông, kinh doanh du lịch sinh thái nghĩ dưỡng dưới tán cây rừng.
Ngày 22/3/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 603/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định tạm thời cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên địa bàn tỉnh.
Ngay sau khi ban hành quy định tạm thời nêu trên, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có khoảng 290 hồ sơ đề nghị thuê môi trường rừng do các tổ chức, cá nhân đăng ký.
Hiện UBND tỉnh Lâm Đồng đã thông báo tạm dừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký cho đến khi cơ quan chức năng hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý và có hướng dẫn cụ thể việc thuê môi trường rừng theo đúng quy định của pháp luật.
Riêng về kinh doanh du lịch canh nông, ngày 22/2 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư và phát triển kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh.
Đầu năm 2022, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định thực hiện khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang giai đoạn 2022-2025.
Đề án hướng đến mục tiêu phát triển các vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản của huyện Hòa Vang trở thành những điểm nông nghiệp gắn với khai thác dịch vụ du lịch, gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho người dân nông thôn. Đẩy mạnh phát triển, hình thành các các sản phẩm du lịch đặc thù của Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch nông thôn, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững; đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của khách du lịch, người dân đô thị, giáo dục trải nghiệm cho học sinh các trường phổ thông.
Theo quy định, các loại đất được thực hiện mô hình thí điểm gồm đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất rừng sản xuất.
Khách du lịch quốc tế thích thú với những trải nghiệm du lịch cộng đồng tại Hội An. Ảnh: L.B
Quy định mới về đất sử dụng đa mục đích
Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang tổ chức lấy ý kiến các cơ quan chức năng, người dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội thông qua.
Ngày 28/2/2023, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học “Thảo luận, lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Buổi hội thảo xoay quanh bốn chuyên đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; vấn đề thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư và phát triển quỹ đất; đăng ký đất đai, cấp GCN và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất và việc phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết những quy định mới trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này sẽ mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp.
“Trước đây chúng ta quy định đối với đất lúa thì phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa. Lần này thì dự thảo luật mở quy định, không có quy định về việc phải trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được nhận chuyển nhượng. Thay vào đó, người có vốn, có khả năng thì cũng có thể nhận chuyển nhượng để thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp”, ông Chính cho biết.
Ông Chính cũng cho biết thêm, liên quan đến chế độ sử dụng các loại đất thì dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cũng đã được rút kinh nghiệm, mở thêm loại đất sử dụng đa mục đích.
Theo đó, có thể kết hợp du lịch sinh thái, du lịch về giáo dục trên đất nông nghiệp; có thể khai thác kinh doanh du lịch dưới tán rừng; đất ở cũng có thể kết hợp các mục tiêu khác như du lịch, nhà nghỉ.