UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, có trường hợp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và hoàn thiện thủ tục pháp lý thì nhà đầu tư vẫn đảm bảo năng lực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, do tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn (nhà đầu tư đang kinh doanh ở các lĩnh vực khác) dẫn đến không đảm bảo nguồn vốn để tiếp tục thực hiện dự án làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa phát đi Báo cáo số 91/BC-UBND về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu; nhà ở xã hội, thị trường bất động sản; quản lý nhà nước ngành nội vụ.
Về thị trường bất động sản, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết trên địa bàn tỉnh có 176 dự án khu dân cư, khu đô thị đang triển khai trên địa bàn tỉnh và 17 dự án mới được chấp thuận nhà đầu tư năm 2022, 2023.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, đa số các dự án khu dân cư, khu đô thị có quy mô vừa và nhỏ; trong giai đoạn này điều kiện hạ tầng đô thị chưa phát triển, nguồn lực khó khăn; địa phương thu hút đầu tư và chủ yếu là doanh nghiệp địa phương và lân cận thực hiện để phát triển hạ tầng đô thị để sớm hình thành đô thị, đạt tiêu chí đô thị.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra một dự án bất động sản tại đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc. Ảnh: Lưu Bang
Thời gian qua, thị trường bất động sản nhà ở trên địa bàn tỉnh phát triển góp phần chung vào phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và phát triển nông thôn mới; sản phẩm bất động sản nhà ở trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân và cung ứng cho thị trường.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, thị trường bất động sản nhà ở trên địa bàn tỉnh cơ bản phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án (chủ yếu tại Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc) xảy ra khiếu nại, khiếu kiện tập trung đông người.
Để chấn chỉnh, khuyến cáo hoạt động kinh doanh bất động sản, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo về tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản, hướng dẫn thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
UBND tỉnh Quảng Nam đã cho biết nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư. Công tác xác nhận nguồn gốc đất, nhân khẩu phức tạp, gặp nhiều vướng mắc; công tác thoả thuận nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất khó khăn, kéo dài.
Trong quá trình xác định phạm vi, ranh giới triển khai dự án, một số nhà đầu tư chưa nghiên cứu kỹ mức độ tác động đến các khu dân cư hiện hữu, đánh giá hiện trạng các yếu tố hạ tầng, kỹ thuật chưa đầy đủ nên chưa tính toán phương án giải quyết ngay từ đầu, đến khi triển khai thực hiện dự án thì gặp vướng mắc dẫn đến bị động trong xử lý, làm chậm tiến độ thực hiện dự án.
Chưa hết, có trường hợp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và hoàn thiện thủ tục pháp lý thì nhà đầu tư vẫn đảm bảo năng lực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, do tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn (nhà đầu tư đang kinh doanh ở các lĩnh vực khác) dẫn đến không đảm bảo nguồn vốn để tiếp tục thực hiện dự án làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Ngoài ra việc gián đoạn, kéo dài tiến độ thực hiện dự án còn do hoàn thiện các hồ sơ quy hoạch, các thủ tục đầu tư đối với các dự án tại Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc; dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế – xã hội, việc cách ly xã hội đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của nhiều dự án đầu tư.
Đặc biệt, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư,…vẫn còn một số nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện.
Nội dung giữa các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới và các quy hoạch chuyên ngành khác thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, không thống nhất, khó thực hiện.
Sự biến động giá cả, nhất là vật liệu xây dựng trong thời gian qua cũng đã ảnh nhất định đến tiến độ thực hiện dự án,…