Biên phòng – Những năm qua, thấm nhuần tư tưởng của Bác về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ): “Mọi người công dân, bất kỳ già trẻ gái trai, bất kỳ làm việc gì, đều có nhiệm vụ giúp chính quyền giữ gìn trật tự an ninh, vì trật tự an ninh trực tiếp quan hệ đến lợi ích bản thân của mọi người”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Trị đã quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện tốt nghĩa vụ đối với cộng đồng, xã hội, chú trọng đẩy mạnh phong trào toàn dân BVANTQ.
Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tổ chức tập huấn “Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội”. Ảnh: Phương Thiện
Các cấp Hội xác định đây là nhiệm vụ quan trọng mang tính lâu dài nên đã tập trung triển khai thực hiện gắn với triển khai phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng người phụ nữ thời đại mới”, “Phụ nữ Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”… và các cuộc vận động: Rèn luyện 4 phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Công tác tuyên truyền, truyền thông phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội được các cấp Hội đẩy mạnh, thường xuyên đổi mới về nội dung, phong phú về hình thức, tạo sự lan tỏa trong hội viên phụ nữ và người dân trong cộng đồng, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ trong phong trào BVANTQ.
Trong thực hiện phong trào BVANTQ, Hội LHPN tỉnh đặc biệt chú trọng vùng biên giới, hải đảo và quan tâm đối tượng phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi, trong đó, đã phối hợp với Hội LHPN huyện Đakrông, Hướng Hóa triển khai Chiến dịch “‘An toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại 5 xã biên giới: Pa Nang, A Ngo và A Bung (huyện Đakrông), A Túc, A Xing (huyện Hướng Hóa) về kỹ năng phòng tránh xâm hại ở phụ nữ và trẻ em gái… Phối hợp với Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP Quảng Trị tổ chức giao lưu với các chi hội trưởng phụ nữ xã A Xing với chủ đề “Phụ nữ nói không với ma túy”; tổ chức đợt sinh hoạt chuyên đề về phòng, chống ma túy tại các chi hội phụ nữ toàn tỉnh.
Thông qua các kênh thông tin của Hội như: Bản tin Bình đẳng giới; website Hội LHPN tỉnh; Fanpage và tài khoản Facebook của Hội LHPN tỉnh và các huyện/thị/thành phố và đơn vị; đặc biệt, các cấp Hội phát huy tối đa các nhóm mạng xã hội Facebook, Zalo, với nhiều nhóm đối tượng để kịp thời cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ công tác Hội, công tác phòng chống dịch Covid-19, thông tin về tình hình tội phạm, tình hình an ninh trật tự và các quy định của pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới…
Đồng thời, thông qua các trang, nhóm…, các cấp Hội cũng nhanh chóng nắm bắt thông tin về các sự việc, vụ việc, những vấn đề nổi cộm trong cộng đồng dân cư, từ đó, kịp thời định hướng dư luận, can thiệp trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương ngăn chặn những vụ việc xấu có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm. Nhằm ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng trẻ em trong các gia đình nghèo bỏ học, vướng vào các tệ nạn xã hội, các cấp Hội đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với các hoạt động thiết thực như: quan tâm đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho hội viên, phụ nữ và con em phụ nữ nghèo; hỗ trợ các gia đình hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phụ nữ đơn thân, tàn tật; phân công đỡ đầu chủ hộ phụ nữ nghèo với nhiều hình thức: giới thiệu việc làm, cho vay vốn, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống…
Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh thường xuyên duy trì mối quan hệ hợp tác hữu nghị với Hội Phụ nữ 2 tỉnh Savannakhet, Salavan (Lào) và Ủy ban phát triển phụ nữ tỉnh Mukdahan (Thái Lan); tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm thường niên trên các lĩnh vực, trong đó, đặc biệt quan tâm đến nội dung về phòng, chống mua bán người, phòng, chống mua bán ma túy qua biên giới.
Diễu hành cổ động qua các tuyến đường liên xã Lìa, xã Thanh, xã Thuận của huyện Hướng Hóa, kêu gọi người dân hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. Ảnh: Phương Thiện
Không chỉ tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm, các cấp Hội còn tập trung xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Trong đó, đã xây dựng hơn 600 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 125 tổ hòa giải cơ sở, 31 tổ truyền thông cộng đồng, 370 mô hình: Khu phố an toàn, làng quê an toàn, “Chi hội phụ nữ nói không với ma túy”, các câu lạc bộ “Phụ nữ phòng chống tội phạm”, “Không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “Phụ nữ với an toàn giao thông”, “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ phòng chống mại dâm, HIV/AIDS”, “Giúp đỡ học sinh chậm tiến”, “Phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Tuổi trẻ nói không với ma túy”, “Xứ đạo bình yên”, “Giáo dục hành động thực hiện an toàn giao thông”, “Ngõ hẻm an toàn”, “Đường xanh, ngõ sáng”…
Bà Trần Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền thực hiện phong trào BVANTQ, phổ biến, giáo dục pháp luật trong hội viên, phụ nữ, thanh thiếu niên. Tăng cường công tác nắm bắt diễn biến tư tưởng, đời sống cán bộ, hội viên phụ nữ, thanh thiếu niên, kịp thời phản ánh, phối hợp thực hiện có hiệu quả phong trào BVANTQ. Cùng với đó, bồi dưỡng, tập huấn, tăng cường cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên phụ nữ về phong trào BVANTQ; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phối hợp với Công an, BĐBP nắm bắt tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là thanh thiếu niên hư hỏng, phạm tội…
“Việc quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên phụ nữ, học sinh, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp Hội trong thời gian tới. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho con em; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thăm, tặng quà, hỗ trợ cây, con giống, xây dựng, sửa chữa mái ấm tình thương, xây dựng tổ ấm gia đình cho hội viên, phụ nữ, từ đó, tạo nền tảng vững chắc để con em không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”. – Bà Trần Thị Thúy Nga khẳng định.
Phương Thiện