Phòng khám Quân dân y ở thành phố biển

Biên phòng – Với việc áp dụng rộng rãi các phương pháp điều trị Đông y, các Phòng khám Quân dân y của Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng đã giúp nhiều bệnh nhân nghèo điều trị khỏi bệnh mà không tốn quá nhiều chi phí. Việc làm này đã góp phần cùng với địa phương củng cố thêm mạng lưới khám chữa bệnh ở cơ sở, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn khu vực biên giới biển của thành phố.


Lãnh đạo UBND quận Sơn Trà trao biển tượng trưng bàn giao thiết bị cho Phòng khám Quân dân y BĐBP tại quận Sơn Trà. Ảnh: Trúc Hà

Sau cơn bão Sangsane tháng 10/2010, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng kêu gọi, vận động các tổ chức, nhà hảo tâm chung tay xây dựng Nhà đa năng tại Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu). Nơi đây vừa là nhà sinh hoạt cộng đồng, vừa là nhà tránh trú bão và “kiêm” luôn Phòng khám Quân dân y khám chữa bệnh cho người nghèo. Ban đầu, cơ số thuốc không nhiều, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng cấp một phần, một phần thuốc bộ đội dùng không hết cũng được chuyển sang phục vụ điều trị cho nhân dân. Do tâm lí ngại đến bệnh viện, sợ tốn kém, trong khi các thầy thuốc Biên phòng lại “mát tay”, nhiều người đã khỏi bệnh, bởi vậy mà ngày càng có nhiều người ở các khu vực lân cận tìm đến điều trị.

Thiếu tá Ninh Công Khánh (khi đó là quân y Đồn Biên phòng Hải Vân) được giao phụ trách Phòng khám Quân dân y tại Nhà đa năng. Y sĩ Ninh Công Khánh tốt nghiệp Trường Trung cấp Quân y, chuyên ngành đa khoa, tuy nhiên, trong quá trình công tác, anh dành thời gian để học hỏi thêm về Đông y. Bởi vậy, khi thuốc chữa bệnh cho bộ đội được quyết toán theo chế độ bảo hiểm y tế, không thể đưa sang phòng khám, y sĩ Ninh Công Khánh nghĩ đến cách chữa bệnh bằng cách bấm huyệt và châm cứu. Anh cũng tự bỏ tiền túi để mua máy mát xa, kim châm cứu, dầu nóng, ngải đốt…

Việc thường xuyên thực hành khiến tay nghề của anh ngày càng được nâng cao, nhiều người nghe tiếng cũng tìm đến với phòng khám đơn sơ của người lính Biên phòng. Để nâng cao chất lượng phục vụ khám chữa bệnh cho bà con, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng cũng đầu tư nhiều hơn về thiết bị, máy móc cho Phòng khám Quân dân y tại Nhà đa năng của Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên.

Với đặc thù nhiều thế hệ sinh sống bằng nghề đi biển, buôn bán nhỏ, trong những năm qua chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, công việc mưu sinh của người dân khu vực biên giới biển quận Sơn Trà còn gặp nhiều khó khăn. Đó cũng là cơ sở để Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng và UBND quận Sơn Trà “mở” 2 phòng khám quân dân y BĐBP. Sau khi khảo sát, xây dựng kế hoạch chi tiết, vào ngày 8/9/2022, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng và UBND quận Sơn Trà tổ chức triển khai 2 phòng khám quân dân y tại Nhà sinh hoạt cộng đồng số 14 đường Hồ Thấu (phường Mân Thái) và Tổ quân y BĐBP thành phố Đà Nẵng (tổ 98, phường Thọ Quang). Theo đó, UBND quận Sơn Trà đầu tư một số thiết bị y tế, gồm: Giường mát xa, giường bệnh nhân, máy mát xa, đèn hồng ngoại, tủ thuốc, xe lăn, bàn dụng cụ, máy điện châm và máy siêu âm.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, quận Sơn Trà có 7 phường, trong đó có 4 phường biên giới biển gồm Mân Thái, Thọ Quang, Sơn Trà và Phước Mỹ. Trên địa bàn quận hiện có Bệnh viện 199, Trung tâm Y tế quận và 7 Trạm y tế thuộc 7 phường, thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân. Để góp phần giảm tải lượng bệnh nhân thăm khám, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế, giúp người dân quận Sơn Trà được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, UBND quận Sơn Trà đã phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng triển khai các phòng khám quân dân y BĐBP. Việc làm này cũng là cách tạo thêm mạng lưới khám chữa bệnh ở cơ sở, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, bộ đội, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng tiềm lực y tế, quốc phòng trong khu vực phòng thủ của quận Sơn Trà.

“Tổng kinh phí thực hiện cho 2 Phòng khám Quân dân y BĐBP tại quận Sơn Trà là gần 300 triệu đồng. Theo đó, giai đoạn 1 dự án, UBND quận Sơn Trà trang bị cho 2 phòng khám giường mát xa, giường bệnh nhân, đèn hồng ngoại, tủ thuốc, máy siêu âm điều trị, máy điện châm 5 cổng, bàn để dụng cụ, xe lăn…, với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng. Trong thời gian tới, UBND quận Sơn Trà sẽ tiếp tục trang bị thêm các thiết bị y tế phù hợp với 2 phòng khám. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà sẽ hỗ trợ 2 phòng khám bằng việc phối hợp điều chuyển các bệnh nhân điều trị nội trú” – Ông Huỳnh Văn Hùng nói.


Y sĩ Ninh Công Khánh điều trị cho người bệnh. Ảnh: Trúc Hà

Đại tá Phan Hữu Tiếp, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Đà Nẵng cho biết: Nhân sự chuyên môn tại 2 phòng khám quân dân y tại quận Sơn Trà sẽ do Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố bố trí cán bộ quân y thực hiện khám chữa bệnh. Tùy theo điều kiện thực tế và chương trình hoạt động, đơn vị sẽ bố trí thêm bác sĩ thực hiện thăm khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, hướng dẫn người dân tự sơ cứu ban đầu để bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Cơ số thuốc hỗ trợ điều trị cho việc chữa bệnh cũng do Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng đảm bảo, người bệnh đến khám, điều trị sẽ được miễn phí.

Công việc nhiều, trong khi lực lượng mỏng, bởi vậy, quân y BĐBP thành phố Đà Nẵng luôn nỗ lực nâng cao tay nghề để có trình độ chuyên môn tốt, cùng với tinh thần trách nhiệm cao để có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Chúng tôi hy vọng, các đơn vị sẽ phối hợp để 2 phòng khám thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân tại phường Thọ Quang, Mân Thái nói riêng và quận Sơn Trà nói chung.

Từ khi triển khai và đưa vào hoạt động, 2 phòng khám quân dân y tại phường Mân Thái và Thọ Quang luôn mở cửa để đón tiếp bệnh nhân. Phòng khám mở điều trị miễn phí, thầy thuốc chu đáo, nhiệt tình và bấm huyệt, châm cứu rất giỏi là những điều mọi người vẫn nói khi nhắc đến Phòng khám Quân dân y BĐBP ở Sơn Trà. Chị Lê Thị Hồng, mẹ của cháu Hoàng Hữu Phương (bị bại não bẩm sinh) chia sẻ: “Ở khu phố, ai cũng biết gia đình tôi vất vả vì con bị bệnh, đã chạy chữa nhiều nơi không khỏi. Tôi được bác Tổ trưởng tổ dân phố thông báo là BĐBP mở phòng khám Đông y, chuyên châm cứu, bấm huyệt. Đến đây, được các y sĩ Biên phòng tận tình điều trị, gia đình tôi rất cảm động. Chúng tôi hi vọng cháu sẽ được chữa trị tốt hơn trong thời gian tới”.

Nguyễn Hòa Bình