Phối hợp hiệu quả để đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển toàn diện, bền vững

Bà Phạm Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Hải quan: Góp phần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ công chức của ngành Hải quan

Qua hơn 10 năm phối hợp, trên cơ sở nhu cầu bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như hoàn thiện tiêu chuẩn ngạch công chức và bồi dưỡng năng lực lãnh đạo, quản lý, Tổng cục Hải quan đã cử hơn 3.600 lượt người tham dự các lớp đào tạo. Thông qua hoạt động phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng hiệu quả với Học viện Tư pháp đã góp phần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ công chức của ngành Hải quan. Đặc biệt, hoạt động bồi dưỡng đã góp phần hoàn thiện tiêu chuẩn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành Hải quan theo Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý và góp phần ngăn chặn, hạn chế tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại qua đó nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Hải quan, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và hội nhập quốc tế của đất nước ta hiện nay.

Phối hợp hiệu quả để đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển toàn diện, bền vững ảnh 1

Với những kết quả đã đạt được trong việc phối hợp với Học viện Tư pháp, trong thời gian tới chúng tôi mong muốn hai đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng với mục tiêu tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức của ngành Hải quan “vừa hồng, vừa chuyên”. Ngoài các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh, Tổng cục Hải quan rất mong muốn trong thời gian tới sẽ phối hợp với Học viện Tư pháp để tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành là thế mạnh của Học viện Tư pháp như các lớp bồi dưỡng về công tác pháp chế, xử lý vi phạm hành chính, giải quyết tranh chấp, tranh tụng tại tòa, bồi dưỡng về hội nhập và nội dung một số điều ước quốc tế, hòa giải thương mại, kỹ năng mềm…

Để việc phối hợp hiệu quả hơn, chúng tôi sẽ chú trọng việc khảo sát nhu cầu bồi dưỡng của anh em trong ngành; cử công chức tham dự các khoá bồi dưỡng theo đúng nhu cầu để đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực chuyên môn của từng cá nhân; đề nghị Học viện tiếp tục có những phương thức tổ chức linh hoạt trong kỷ nguyên số để công chức ngành dễ dàng đăng ký tham dự khoá học từ mọi miền tổ quốc.

Bên cạnh sự hấp dẫn về chương trình, tài liệu bồi dưỡng, chúng tôi cũng mong muốn Học viện sẽ tiếp tục chú trọng vào việc áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, tích cực, xây dựng được đội ngũ giảng viên, báo cáo viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, phong phú về kinh nghiệm thực tiễn để hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Học viện ngày càng phát triển hơn nữa. Chúc mừng tuổi 25 của Học viện Tư pháp!

Ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội: Công tác phối hợp hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch ở cơ sở

Trên chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển (11/2/1998 – 11/2/2023), Học viện Tư pháp đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực Tư pháp, nghiên cứu ứng dụng thực hành nghề luật, được Đảng, Nhà nước và Bộ Tư pháp ghi nhận, đánh giá và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

Ở góc độ quan hệ công tác với địa phương, trong những năm vừa qua, Học viện đã tích cực phối hợp với Sở Tư pháp TP Hà Nội thực hiện quy trình, thủ tục, tổ chức 22 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch đối với trên 1.000 học viên là công chức tư pháp – hộ tịch ở xã, phường, thị trấn đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Học viên tham gia các lớp bồi dưỡng được bố trí học tập tại trụ Sở Học viện với hệ thống cơ sở vật chất khang trang, hiện đại.

Học viện bố trí đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng của Học viện có trình độ, có kinh nghiệm quản lý và thực tiễn phong phú trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng với phương pháp mới theo hướng tăng cường trao đổi tương tác giữa giảng viên và học viên, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo và rèn luyện nâng cao các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình của học viên.

Ở mỗi chuyên đề bồi dưỡng, các học viên được cập nhật kiến thức, quy định pháp luật đầy đủ, kịp thời theo chương trình được Bộ Tư pháp phê duyệt, ban hành; đồng thời được phổ biến, tích lũy, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, rèn luyện chuẩn mực đạo đức công vụ, ý thức tổ chức kỷ luật, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân; kỹ năng xử lý các tình huống và các vấn đề thực tiễn phát sinh.

Phối hợp hiệu quả để đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển toàn diện, bền vững ảnh 2

Ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội.

Thực tiễn cho thấy, sau mỗi khóa bồi dưỡng, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội ngày càng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; về cơ bản đều đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Từ đó đã góp phần giúp chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trên địa bàn, tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Tin tưởng và hy vọng, trong giai đoạn tiếp theo, Học viện tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được cấp trên giao; tiếp tục giúp TP Hà Nội và các địa phương thực hiện tốt các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đối với đội ngũ công chức ngành Tư pháp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, góp phần xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành Tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, vì nhân dân phục vụ. Đồng thời giúp các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nhân dân; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận: Tạo nguồn các chức danh bổ trợ tư pháp của tỉnh

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh rất quan tâm đối với việc tạo nguồn phát triển các chức danh bổ trợ tư pháp, qua đó để chuẩn hóa và đảm bảo nguồn nhân lực ngành Tư pháp, các chức danh hoạt động bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng viên, thừa phát lại … tại địa phương đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp và góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ năm 2013 đến năm 2020, Sở Tư pháp đã liên kết, phối hợp với Học viện Tư pháp mở 02 lớp đào tạo nghiệp vụ luật sư tại tỉnh với 97 học viên tốt nghiệp hoàn thành chương trình đào tạo; mở 02 lớp đào nghề công chứng với 104 học viên tốt nghiệp hoàn thành chương trình đào tạo.

Qua công tác phối hợp liên kết mở 04 lớp đào tạo các chức danh tư pháp như nghề luật sư, công chứng viên tại tỉnh trong thời gian qua, Sở Tư pháp luôn nhận được sự hỗ trợ rất tích cực, tâm huyết từ Ban Giám đốc và các thầy cô của Học viện trong công tác đào tạo, giảng dạy tại tỉnh. Các giảng viên rất nhiệt tình, có chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tiễn và có phương pháp giảng dạy khoa học, nhiều thầy cô có học hàm, học vị, là những chuyên gia đầu ngành trong hoạt động nghề, luôn tâm huyết truyền đạt những kiến thức, kỹ năng cơ bản tốt nhất cho học viên.

Phối hợp hiệu quả để đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển toàn diện, bền vững ảnh 3

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận.

Trong giảng dạy đã luôn hướng dẫn gợi mở, sử dụng các hồ sơ vụ việc thực tế để rèn luyện kỹ năng tư duy cho học viên. Nhờ vậy, chất lượng của các học viên được nâng cao kiến thức, tiếp thu lĩnh hội đầy đủ các kỹ năng phục vụ cho việc hành nghề luật sư, công chứng được vững vàng hơn.

Hầu hết các học viên đều tốt nghiệp hoàn thành khóa học theo đúng Chương trình, thời gian đào tạo của Học viện; đồng thời, giúp cho Sở Tư pháp hoàn thành nhiệm vụ chính trị do UBND tỉnh giao, tạo nguồn phát triển đội ngũ luật sư, công chứng của tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho ngành Tư pháp trong công tác đào tạo đội ngũ chức danh bổ trợ tư pháp đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, có năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp của tỉnh nhà trong tình hình mới.

Từ năm 2013 đến nay, giữa Học viện Tư pháp và Sở Tư pháp luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp, phối hợp chặt chẽ trong ký kết thực hiện các hợp đồng mở các lớp đào tạo các chức danh bổ trợ tư pháp…, qua đó góp phần giúp cho hoạt động đào tạo nghề luật sư, công chứng cũng tỉnh Bình Thuận thời gian tới sẽ chất lượng hơn, hiệu quả hơn.

Phối hợp hiệu quả để đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển toàn diện, bền vững ảnh 4

Lễ bế giảng Lớp đào tạo nghề luật sư năm 2021 tại Bình Thuận.

Để tiếp tục tạo nguồn phát triển đội ngũ công chứng viên hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đảm bảo về số lượng và chất lượng, đáp ứng việc phát triển số lượng tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2025 theo định hướng nêu tại Đề án của tỉnh và thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về mở lớp đào tạo nghề công chứng viên tại tỉnh Bình Thuận trong năm 2023; bên cạnh đó, thực hiện chủ trương đề ra tại Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới”, thì trong giai đoạn sắp đến, việc tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ các chức danh hoạt động bổ trợ tư pháp là rất cần thiết để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền.

UBND tỉnh Bình Thuận hiện đã đồng ý cho chủ trương giao Sở Tư pháp tiếp tục liên kết, phối hợp với Học viện Tư pháp mở lớp đào tạo nghề công chứng tại tỉnh trong năm 2023 (dự kiến thời gian mở lớp trong tháng 6/2023). Sở Tư pháp tiếp tục mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo Học viện Tư pháp, lãnh đạo các phòng, ban và các thầy cô của Học viện Tư pháp cùng đồng hành với Sở Tư pháp trong việc mở Lớp đào tạo nghề công chứng tại tỉnh trong năm 2023. Giữa Học viện Tư pháp và Sở Tư pháp sẽ thực hiện một số công việc cần thiết để đảm bảo sớm ký kết hợp đồng liên kết phối hợp mở lớp đào tạo nghề công chứng năm 2023 tại tỉnh Bình Thuận.

Đồng thời, chắc chắn trong tương lai, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp mở thêm các lớp đào tạo các chức danh tư pháp khác như thừa phát lại, đấu giá viên… để phát triển tạo nguồn các chức danh bổ trợ tư pháp của tỉnh Bình Thuận. Chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác sẽ phát triển ở một tầm cao mới, toàn diện và bền vững hơn, mang lại kết quả tốt đẹp cho mỗi bên và cho công cuộc đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp của tỉnh nhà.

Ông Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh: Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng bám sát thực tiễn

Phối hợp hiệu quả để đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển toàn diện, bền vững ảnh 5

Ông Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh

Trong thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh, Sở Nội vụ đã phối hợp với Học viện Tư pháp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, phần lớn là các khóa bồi dưỡng liên quan đến lĩnh vực tư pháp.

Cho tới nay, Học viện Tư pháp đã phối hợp cùng Sở Nội vụ tổ chức các khóa bồi dưỡng cho 3.870 lượt học viên là lãnh đạo, công chức, viên chức các Sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố, như: bồi dưỡng về nghiệp vụ hộ tịch cho 1.889 người; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cho 315 người; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước tiêu chuẩn ngạch công chức cho 1.376 người; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thi hành pháp luật cho 290 người.… Nhìn chung, các nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng bám sát thực tiễn, phù hợp với vị trí việc làm, đáp ứng nhu cầu cần hoàn thiện nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết của cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị công tác.

Theo đánh giá các chương trình bồi dưỡng tổ chức trước đây đã phần nào góp phần kịp thời cập nhật, bổ sung kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, năng động. Trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2023 của Thành phố sẽ tiếp tục tập trung tổ chức các khóa bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm, trong đó có lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ hộ tịch dành cho cán bộ, công chức, viên chức phụ trách nhiệm vụ liên quan với nội dung khóa học, dự kiến khoảng 250 người.

Để các khóa bồi dưỡng này đạt kết quả cao như kỳ vọng của lãnh đạo Thành phố, Sở Nội vụ thiết nghĩ các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong đó có Học viện tư pháp cũng đồng tình với quan điểm cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, trong đó cần quan tâm đến một số nội dung như:

Về nội dung khóa học, bên cạnh các nội dung bồi dưỡng, đào tạo cứng theo quy định, nhà trường nên nghiên cứu bổ sung thêm các nội dung, chuyên đề phù hợp với đặc điểm tình hình của Thành phố, yêu cầu của vị trí việc làm, cũng như cập nhật các nội dung quy định mới, những kỹ năng cần lưu ý đối với cán bộ, công chức, viên chức. Nhất là kỹ năng xử lý tình huống và xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện các quy định chuyên ngành.

Về giảng viên tham dự, đề xuất bên cạnh thành phần là những giảng có trình độ cao, nếu được nên mời thêm những người có uy tín hoặc có kinh nghiệm trong ngành lĩnh vực liên quan để tham gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong các khóa bồi dưỡng. như vậy, nội dung sẽ có sự kết nối hiệu quả giữa lý thuyết và thực tiễn.

Về phương thức bồi dưỡng: nghiên cứu đa dạng hóa hơn các về thời gian và phương thức bồi dưỡng, đào tạo. Ví dụ như: bổ sung hình thức như học trực tuyến, kết hợp học lý thuyết và nghiên cứu thực tế…. Từ đó tạo thuận lợi hơn cho học viên trong lựa chọn khóa học.

Về chi phí tổ chức: nên nghiên cứu để đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm ngân sách nhà nước, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả của các khóa bồi dưỡng, đào tạo.

Luật sư Lê Đăng Tùng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp ngày càng được nâng cao

Phối hợp hiệu quả để đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển toàn diện, bền vững ảnh 6

Luật sư Lê Đăng Tùng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Học viện Tư pháp tiền thân là Trường đào tạo các chức danh tư pháp. Hiện tại, Học viện có 53 giảng viên, trong đó có 1 Phó Giáo sư – Tiến sĩ, 13 Tiến sĩ, 36 Thạc sĩ, 3 cử nhân cùng khoảng 600 giảng viên thỉnh giảng đến từ Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Toà án nhân dân các cấp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, các tổ chức hành nghề công chứng, luật sư; các Cục, Chi cục Thi hành án, Trung tâm bán đấu giá tài sản và các cơ quan, đơn vị khác. Phần lớn giảng viên tham gia giảng dạy đều rất nhiệt tình, có chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tiễn và có phương pháp giảng dạy khoa học. Nhiều người có học hàm, học vị, là những chuyên gia đầu ngành trong hoạt động nghề.

Hơn 10 năm tham gia giảng dạy tại Học viện cũng như theo dõi trong công tác đào tạo tại Đoàn Luật sư TP Hà Nội, tôi nhận thấy đội ngũ giảng viên của Học viện ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, chất lượng của học viên sau khi tốt nghiệp ngày một cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Cụ thể, ở lĩnh vực đào tạo nghiệp vụ luật sư, ngoài đào tạo chuyên sâu về lý thuyết, Học viện còn tập trung vào kỹ năng mềm, cho học viên diễn án, rèn luyện kỹ năng viết thông qua viết tiểu luận, soạn thảo văn bản tố tụng… Nhờ đó, khi học viên tốt nghiệp lớp đào tạo nghiệp vụ luật sư, sau đó đi tập sự và “đỗ” kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, trở thành luật sư là có thể hành nghề được. Thực tiễn hiện nay cho thấy, đội ngũ luật sư và hoạt động nghề nghiệp của luật sư Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, có những đóng góp to lớn trong việc phát triển nền kinh tế – xã hội, công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế của đất nước.

Ngoài tổ chức thực hiện các khóa đào tạo trên, Học viện Tư pháp còn tổ chức thực hiện bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho chấp hành viên, công chứng viên, luật sư, đấu giá viên, trợ giúp việc pháp lý và cán bộ có chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp; bồi dưỡng thừa phát lại; tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp; bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật tại các doanh nghiệp; tập huấn kiến thức pháp luật cho các cơ quan, đơn vị ngoài ngành tư pháp. Qua việc đào tạo trên, chất lượng đội ngũ những người làm công tác pháp luật trên ngày càng tốt hơn, đáp ứng công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo chủ trương, Nghị quyết của Đảng.