(Dân sinh) – Phiên giao dịch việc làm Thị xã Tịnh Biên năm 2023, thu hút khoảng 1.000 người lao động trên địa bàn thị xã tham gia.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh An Giang vừa phối hợp với UBND Thị xã Tịnh Biên tổ chức Phiên giao dịch việc làm Thị xã Tịnh Biên năm 2023, với sự tham dự của khoảng 1.000 người lao động địa phương và các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm, phiên giao dịch việc làm lần này là một trong các hoạt động kết nối giúp lao động nhanh chóng tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, đặc biệt là lao động bị ngưng việc do doanh nghiệp thiếu đơn hàng và thu hẹp sản xuất trong thời gian qua.
Đồng thời, giúp doanh nghiệp tuyển dụng nhanh chóng nhân sự phù hợp với các vị trí ứng tuyển tại đơn vị. Kết thúc phiên giao dịch, đã có hơn 930 lượt người đăng ký việc làm trực tiếp tại doanh nghiệp, 346 lượt người tham gia phỏng vấn trực tiếp, 77 lượt người đăng ký xuất khẩu lao động và 221 lượt người đăng ký học nghề.
Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành tỉnh An Giang luôn xem công nhân là bộ phận không thể tách rời với chính quyền.
Trước đó, ngày 8/6, tại TP Long Xuyên, UBND tỉnh An Giang và Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang đã phối hợp tổ chức chương trình “Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2023”.
Tại chương trình gặp gỡ, đối thoại, công nhân lao động đã nêu lên nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề về chế độ đãi ngộ, thu hút người lao động có trình độ, tay nghề cao; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, ổn định sản xuất để người lao động có việc làm, thu nhập ổn định; tình trạng “tín dụng đen” trong công nhân; xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đối với các chủ doanh nghiệp đóng thiếu hoặc nợ bảo hiểm kéo dài; quan tâm đầu tư xây dựng các trường mầm non, chỗ giữ trẻ ở gần các khu công nghiệp với học phí ưu đãi cho con công nhân lao động…
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước khẳng định, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành tỉnh An Giang luôn xem công nhân là bộ phận không thể tách rời với chính quyền, và đặc biệt là đối với doanh nghiệp, vì công nhân có vai trò to lớn góp phần cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà nói chung, của doanh nghiệp nói riêng.
Để tiếp tục quan tâm chăm lo, thực hiện tốt chính sách đối với người lao động trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh chủ động tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của người lao động và doanh nghiệp. Cùng với đó, phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp giải quyết từng vấn đề cụ thể; thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi động viên doanh nghiệp, người lao động để vượt khó trong giai đoạn hiện nay, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu đề xuất với lãnh đạo tỉnh có chính sách chăm lo, hỗ trợ kịp thời đối với người lao động bị ảnh hưởng từ việc cắt, giảm đơn hàng tại các doanh nghiệp.
Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân để giải quyết kịp thời. Theo dõi sát thông tin thị trường, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, chủ động các phương án xử lý kịp thời những khó khăn của doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến công nhân…