Phát huy vai trò của các cấp Hội Nông dân trong phát triển kinh tế

Biên phòng – Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, nhất là phong trào đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất lúa, ngô và chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi vườn tạp… Từ đó đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bền vững.


Du khách trải nghiệm bắt cá chép trên những thửa ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì. Ảnh: Khánh Huyền

Trong sản xuất nông nghiệp, các cấp Hội Nông dân Hà Giang đã tích cực vận động nông dân mở rộng diện tích thâm canh trên 2 loại cây lương thực chủ yếu là lúa và ngô. Trong năm 2023 vừa qua, diện tích lúa thâm canh của tỉnh đã đạt 91,4% trên tổng diện tích 36.217,09ha lúa của toàn tỉnh, tăng 850,29ha so với năm 2022. Nhờ đó, đã góp phần làm tăng tổng sản lượng lương thực trên địa bàn của tỉnh đạt 357.528,7 tấn, tăng 27.018 tấn so với năm 2022. Trong quá trình chăn nuôi, trong năm 2023, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tiêm phòng được 1.030.983 liều vắc xin cho các loại gia súc, gia cầm…

Đặc biệt, phong trào nông dân giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo đã được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Từ đó, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp với các ngành chức năng trong đó có BĐBP chỉ đạo, xây dựng, thực hiện hiệu quả các mô hình và các phong trào phát triển kinh tế, xã hội và xóa đói, giảm nghèo.

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh còn chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các gia đình thực hiện tốt phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, qua đó, đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm Khuyến nông mở được 1.300 lớp tập huấn kỹ thuật nông lâm nghiệp cho 53.000 lượt hội viên nông dân; hướng dẫn và hỗ trợ các hội viên nông dân xây dựng 433 mô hình thâm canh mẫu về lúa, ngô, trồng rừng kinh tế và phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân đã chỉ đạo thực hiện tốt việc củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Kết quả, đã duy trì tốt 972 tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện quản lý 31.894 hộ với tổng dư nợ 446.343 triệu đồng. Với số vốn trên đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển các làng nghề truyền thống. Cho đến nay, toàn tỉnh Hà Giang đã có 35.811 hộ đạt tiêu chí sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.


Gia đình một hội viên nông dân huyện Đồng Văn phát triển kinh tế từ mô hình trồng cây có múi kết hợp nuôi ong. Ảnh: Khánh Huyền

Trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, Hội Nông dân tỉnh đã làm tốt vai trò nòng cốt, đoàn kết sáng tạo, tập hợp cán bộ và hội viên nông dân nỗ lực thi đua hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Nông dân tỉnh lần thứ IX đã đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã thu hút đông đảo sự tham gia của các hội viên nông dân.

Bên cạnh đó, hàng năm, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã giúp đỡ trên 8.000 lao động có việc làm tại chỗ; giúp đỡ về vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 9.000 lượt hộ nông dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 5.000 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp cho thu nhập cao. Phối hợp hỗ trợ làm gần 6.000 ngôi nhà Đại đoàn kết, nhà Tình thương và 686 công trình phúc lợi vùng nông thôn… Trong năm 2023, quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã giải ngân trên 12 tỷ đồng cho hội viên, nông dân vay vốn phát triển kinh tế.

Ông Trần Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang chia sẻ, để phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh ngoài duy trì các hoạt động của Hội còn cần chủ động, sáng tạo những nội dung, phương thức hoạt động nhằm mang lại hiệu quả thiết thực. Đồng thời, tiếp tục phối hợp cùng với các sở, ban ngành của tỉnh và BĐBP Hà Giang đẩy mạnh phong trào, mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn của tỉnh”.

Phạm Văn Phú