Với Đức Hùng, 29 tuổi, nhân viên tại phòng khách hàng công ty truyền thông sự kiện ở quận 1, TPHCM năm nay xem như mất Tết. Ngày 27 Tết vừa rồi, anh suy sụp khi vô tình biết được mức thưởng của đồng nghiệp.
Hôm đó, Hùng phấn chấn khi nhận được “ting ting” tiền thưởng Tết với con số 35 triệu đồng. Con số không cao nhưng cũng không thấp như nhiều người từng lo ngại khi kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Tình huống phát hiện đồng nghiệp được thưởng Tết hơn 100 triệu đồng gây tranh luận tại một diễn đàn (Ảnh chụp lại màn hình).
Niềm vui đó chỉ trong chốc lát, Hùng bị hạ gục hoàn toàn khi vô tình biết được người đồng nghiệp được thưởng Tết hơn 100 triệu đồng, gấp gần 3 lần mức của anh. Bức ảnh chụp lại màn hình giao dịch của người đồng nghiệp làm Hùng bủn rủn với cảm giác vô cùng khó chịu, kiểu vừa đau khổ vừa ấm ức.
Hùng cho biết, lương thưởng ở công ty là bí mật, không ai biết của ai nhưng ít nhiều vẫn rò rỉ. Nếu là quản lý nhận mức thưởng cách biệt Hùng không thắc mắc nhưng người đồng nghiệp này vào công ty sau Hùng, hai người cùng phòng, cùng vị trí, về hiệu suất công việc tương đương. Dù hiểu mức thưởng Tết sẽ không giống nhau nhưng anh không thể hình dung chênh lệch đến như vậy.
Con số tiền thưởng của đồng nghiệp làm Hùng mất Tết. Về quê với gia đình mà anh không vui, dễ cáu gắt, ăn uống cũng không ngon miệng…
Đầu năm đi làm trở lại, Hùng vẫn không thể nào vui vẻ lại. Anh mất hoàn toàn tinh thần phấn chấn, nhiệt tình, lởi xởi với đồng nghiệp, với công việc, trở nên khó chịu, lầm lì… Hùng khó chịu với người đồng nghiệp “thưởng tết trăm củ” kia ra mặt.
Việc khen thưởng nhân sự có thể dựa trên nhiều yếu tố (Ảnh minh họa)
Nam nhân viên lăn tăn có nên hỏi sếp chuyện thưởng Tết hay mang cục tức trong người xem như không biết.
Câu chuyện Hùng chia sẻ gây xôn xao trong một diễn đàn nhân sự. Nhiều ý kiến cho rằng, đi làm nên tập trung vào mình, đừng nhìn vào người bên cạnh. Công ty hiếm có sự nhầm lẫn, mức thưởng chênh như vậy chắc chắn có sự khác biệt giữa các nhân sự. Cách khôn ngoan nhất xem như “không biết”, đừng khui ra cái dở của mình bằng cách đi hỏi lãnh đạo, vì rồi sẽ chỉ càng… thêm tổn thương.
Ngược lại, nhiều ý kiến đồng tình với việc “méc sếp” để giải đáp những khúc mắc trong lòng vì nếu không thoải mái, ấm ức thì rất khó làm việc. Nếu câu trả lời hợp lý thì tiếp thu, còn không thỏa đáng có thể nghỉ việc.
Chị Đoàn Lê Thương, làm việc trong lĩnh vực nhân sự cho hay, dù đi làm rất nhiều nơi chị cũng chưa gặp tình huống có mức thưởng quá chênh lệch giữa nhân viên cùng bộ phận, vị trí như vậy nếu không có sự quá khác biệt về năng lực.
Nếu rơi vào tình huống này, chị Thương có thể cũng sẽ suy sụp nhưng cũng cần tỉnh táo để xem xét. Ở nhiều công ty, cuối năm có thể chi rất nhiều khoản tiền như lương tháng 13, thưởng theo thu nhập, tiền dự án, tiền hoa hồng, hiệu suất công việc, tiền nghỉ phép, tiền thưởng Tết… Một số công ty chi đồng loạt vào thời điểm cuối năm, mọi người thường gom tổng vào gọi là “thưởng Tết”. Điều này có thể dẫn đến sự chênh lệch rất lớn giữa các nhân sự, chỉ riêng việc thưởng theo lương, thu nhập đã khác nhau.
“Bạn có chắc chắn khoản tiền bạn nhận được và người khác nhận được chỉ là thưởng Tết không?”, chị Thương nghiêng về tình huống này. Còn nếu ấm ức, nhân sự có thể chia sẻ với quản lý để được giải thích rõ nhất.
Chị Thương cũng nhấn mạnh, việc phản ánh phải trên tinh thần để được giải đáp những thắc mắc của bản thân, tránh làm ảnh hưởng đến những người đồng nghiệp nhận thưởng cao. Ngoài ra, cũng cần cân nhắc sếp sẽ đưa ra những lý do làm mình bị sát thương nặng khi so sánh năng lực.
Anh Lê Minh Huy, phó phòng nhân sự công ty điện tử ở Bình Tân, TPHCM bày tỏ, mọi người thường nói “chỉ cần quan tâm vấn đề của mình” nhưng thực tế rất khó để không ngầm so sánh với người bên cạnh.
Anh Huy đề cập đến tâm lý này để nhấn mạnh việc nhân sự cảm thấy ấm ức, khó chịu và bất công khi có mức lương thưởng chênh lệch là điều hoàn toàn bình thường. Quản lý nếu tiếp nhận phản ánh, trước hết cần hiểu cho tâm lý này của người lao động để tránh việc phán xét hay những đánh giá tiêu cực.
So đo với người khác là tâm lý khó tránh ở môi trường làm việc (Ảnh minh họa).
Ngoài ra, theo anh Huy, đội ngũ quản lý cùng cần xây dựng những hạng mục, cơ chế thưởng dựa trên những tiêu chí rõ ràng, công tâm. Nếu không sẽ khó tránh những xung đột, so đo giữa nhân sự.
Việc nên hỏi sếp hay im lặng, anh Lê Minh Huy cho rằng, nhân sự cần cân nhắc kỹ lưỡng về thông tin mình nắm được, lường trước các tình huống và đặc biệt phải cân nhắc về tính cách, thái độ khả năng tiếp nhận của sếp.
Anh Huy cũng nói thêm, rất nhiều người có thú vui “quăng bom” về lương thưởng. Có người photoshop giao dịch của ngân hàng nội dung thưởng Tết “khè” cho vui, ai ngờ đồng nghiệp tưởng thật…