…Mỗi năm bán ra thị trường hàng nghìn viên ngọc có chất lượng đẹp, bỏ túi hàng trăm triệu đồng.
Qua khảo sát, nhận thấy ngọc trai trên thị trường hiện nay còn hạn chế, trong khi nhu cầu khách hàng lại cao, ông Trần Nhật Duật và con gái Trần Thị Ánh đã quyết định xây dựng mô hình nuôi trai lấy ngọc trên diện tích đất rộng 5 ha tại thôn Liên Công, xã Đồng Môn, TP.Hà Tĩnh (đây là mô hình nuôi trai lấy ngọc đầu tiên tại tỉnh Hà Tĩnh).
Mô hình nuôi trai lấy ngọc đầu tiên tại Hà Tĩnh của bố con ông Trần Nhật Duật và chị Trần Thị Ánh thôn Liên Công, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh.
Ban đầu, chị Ánh đã quyết định thả 10.000 con trai để nuôi thử nghiệm, tuy nhiên do chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật còn hạn chế, 15% số trai trong ao bị chết.
Ông Duật và chị Ánh đi học hỏi kinh nghiệm tại một số mô hình nuôi thành công ở Ninh Bình, nhờ các chuyên gia trong, ngoài nước tư vấn. Từ đó, trang trại nuôi trai lấy ngọc của ông Duật và chị Ánh dần ổn định và cho ra những sản phẩm chất lượng.
Theo chị Trần Thị Ánh, để tạo nên được viên ngọc đẹp, đạt chuẩn đưa ra thị trường đòi hỏi nhiều nhiều thời gian và công sức.
Chị Trần Thị Ánh, xã Đồng Môn, TP. Hà Tĩnh, cho biết: “Để tạo nên một viên ngọc đẹp cần rất nhiều thời gian và công sức. Đầu tiên phải lựa chọn những con trai có độ tuổi từ 5-8 tháng tuổi, khỏe mạnh, không bị bệnh, vỏ ngoài của chúng sáng, bóng, hình thức đẹp để lấy mô tế bào.
Giống trai được thử nghiệm trong vòng 4 tháng đảm bảo chất lượng, mỗi con được cấy từ 3-4 nhân ngọc trai.
Mô tế bào nằm ở 2 màng áo của trai, kỹ thuật viên phải cắt đúng điểm tạo ngọc nằm ở 2 thành dãi, nếu cắt lệch việc tạo ngọc sẽ không đạt hiệu quả. Công đoạn này cần đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Viên ngọc có đẹp, chất lượng tốt hay không phụ thuộc lớn vào công đoạn này.”
Các kỹ thuật viên làm nhiệm vụ cắt mô tế bào và cấy ghép ngọc trai.
Ngọc trai nhân tạo rất khó nuôi, nhưng chất lượng cho ra cao gấp nhiều lần so với ngọc tự nhiên. Sau 24 tháng, viên ngọc nhân tạo 0.6cm ban đầu sẽ lớn thành 0.8-1cm, độ tròn hoàn hảo là 60%. Trong quá trình nuôi, tỉ lệ trai đẩy nhân ra hoàn toàn là 10 %, tỷ lệ đẩy từ 1-3 viên nhân là 10%, đến khi thu hoạch trai đạt tỉ lệ hiệu quả là 70%”.
Cấy ghép là công đoạn cực quan trọng trong nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, quyết định đến 70% tỉ lệ thành công có ngọc, chất lượng của ngọc, màu sắc của ngọc.
Sau khi tách trai lấy ngọc, trai được gửi đến các Công ty vàng bạc đá quý trong khoảng một tuần để kiểm định, phân loại ngọc trai. Ngọc trai được bán với giá từ 300 nghìn đồng -1 triệu đồng/viên (tùy chất lượng), đặc biệt có những viên to, đẹp có thể lên đến 10 triệu đồng.
Nuôi trai nước ngọt lấy ngọc là một lĩnh vực tiềm năng và mang lại giá trị kinh tế cao.
Sau 4 năm tìm hiểu, học hỏi, hiện nay mô hình nuôi trai lấy ngọc của ông con Trần Nhật Duật và chị Trần Thị Ánh (trú tại xã Đồng Môn, TP. Hà Tĩnh) đã có những thành công bước đầu. Mỗi năm bán ra thị trường hàng nghìn viên ngọc có chất lượng đẹp, bỏ túi hàng trăm triệu đồng.
Theo bà Trần Thị Trang (kỹ thuật viên tại mô hình nuôi trai lấy ngọc của bố con ông Trần Nhật Duật và chị Trần Thị Ánh thôn Liên Công, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh), cấy ngọc vào trai, kỹ thuật viên phải dùng dụng cụ chuyên dụng để tách miệng trai rộng khoảng 1cm. Sau đó lần lượt cấy 4 viên nhân ngọc và 4 tế bào đã cắt từ trước vào 1 con trai. Ảnh: PV
Bà Trần Thị Trang (40 tuổi, kỹ thuật viên), cho biết: “Trai tự nhiên vẫn có thể tạo ra ngọc nhưng tỉ lệ rất thấp, ngọc cho ra không đẹp. Ngọc nhân tạo đã tròn, đẹp sẵn nên khi cấy vào con trai cho ra sản phẩm đẹp hơn. Trong môi trường nhân tạo, người nuôi dễ kiểm soát được bệnh, cho ăn đầy đủ dưỡng chất, sẽ khiến ngọc tròn, đẹp, bóng tỷ lệ cao hơn ngọc tự nhiên nhiều lần. Ghép ngọc hiệu quả nhất vào 2 mùa chính là mùa xuân và mùa thu”.