Nuôi con chuột “khổng lồ”
Ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, ai cũng biết đến Huỳnh Lê Việt (30 tuổi), chàng cử nhân bỏ phố về quê khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi dúi thương phẩm và dúi sinh sản.
Anh Huỳnh Lê Việt (30 tuổi) khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi dúi thương phẩm và dúi sinh sản (Ảnh: Ngô Linh).
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, anh Việt kể, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Công nghệ thông tin (ĐH Đà Nẵng), anh tiếp tục đi lính nghĩa vụ Công an Nhân dân.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ công dân, Việt trở về và ngay lập tức tìm được công việc phù hợp với chuyên môn của mình.
Năm 2020, bước ngoặt đến với Việt khi anh tình cờ xem một video trên mạng internet về trang trại nuôi dúi. Lập tức, Việt bị thu hút bởi loài động vật hoang dã thuần chủng này. Nghĩ là làm, anh cùng một người bạn bắt tay vào tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi và chuyển hẳn về quê nhà để thuận tiện công việc.
9X khởi nghiệp thành công từ nuôi con chuột “khổng lồ” (Video: Ngô Linh).
Ban đầu, anh có ý định nuôi dúi rừng mà người dân săn bắt được, nhưng không hiệu quả bởi việc cho dúi tự nhiên thích nghi với môi trường nuôi nhốt rất khó. Không bỏ cuộc, Việt tìm hiểu và lặn lội đi tìm mua dúi giống thương phẩm.
Nhờ kinh nghiệm học hỏi, đúc kết từ sách báo, những người đi trước và sự chăm sóc kỹ lưỡng, dúi của Việt nuôi phát triển, sinh sản tốt. Từ vài chục cặp dúi sinh sản ban đầu, nay Việt đã nhân đàn lên hơn 350 con, trong đó có hơn 100 cặp dúi bố mẹ sinh sản. Quy mô trang trại cũng dần dần được mở rộng.
Hiện nay, trại nuôi dúi của Việt có hơn 350 con, trong đó có hơn 100 cặp dúi bố mẹ sinh sản (Ảnh: Ngô Linh).
Chia sẻ kinh nghiệm sau 3 năm đồng hành cùng loài vật “ăn đêm, ngủ ngày”, anh Việt cho biết, nuôi dúi sinh sản phải đảm bảo các yếu tố như: kỹ thuật nuôi, môi trường sống, cơ sở vật chất và đầu ra sản phẩm. Khâu quản lý trại nuôi cũng được số hóa, thể hiện ở việc ứng dụng công nghệ thông tin vào khâu quản lý đàn vật nuôi, vòng đời, vòng sinh sản, yếu tố phả hệ của dúi.
“Dúi nuôi ở trại được theo dõi hồ sơ, xuất bán theo ô, ngay cả việc cho ghép đôi giữa con đực và cái cũng được theo dõi chặt chẽ, khoa học, tránh giao phối cận huyết”, anh Việt nói thêm.
Theo anh Việt, chuồng trại nuôi dúi cũng khá đơn giản, chỉ cần 4 viên gạch men vuông 50cm được dựng lên, ghép lại và kết dính bằng keo dán là được một ô vuông, nhốt 1-2 con dúi. Chuồng cần được đảm bảo thông thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp rọi vào và gió lùa. Phía trên chuồng lợp tôn, giăng lưới che để chống nhiệt, nền chuồng được lót xi măng để thuận tiện vệ sinh và tránh dúi đào hang trốn đi.
Dúi nuôi ở trại được theo dõi hồ sơ, xuất bán theo ô, việc ghép đôi giữa dúi bố mẹ cũng được theo dõi chặt chẽ, tránh giao phối cận huyết (Ảnh: Ngô Linh).
Dúi là loài động vật gặm nhấm, thức ăn chủ yếu là ngô, mía, lá tre, thân cỏ… có thể tự trồng nên chủ động được lại ít tốn kém. Cái hay của dúi là phân nó giống mùn cưa, không có mùi hôi tanh nên có thể nuôi ở nhiều nơi, hạn chế ảnh hưởng môi trường.
Thu nhập khá từ nuôi dúi
Hiện trại dúi của Việt bắt đầu cung ứng giống cho các cơ sở nuôi từ năm 2022. Có thời điểm trại xuất bán dúi bố mẹ sinh sản lên tới vài chục cặp. Dúi sinh sản có thể bán giống ở nhiều lứa tuổi, tùy theo yêu cầu của khách.
Dúi giống nuôi 8 tháng là trưởng thành, bắt đầu đẻ lứa đầu, thời gian khai thác từ 4 đến 5 năm, thậm chí có con giống khai thác được 6 năm, mỗi năm đẻ khoảng 3 lứa, mỗi lứa đẻ 3-5 con.
Nguồn thức ăn cho dúi rẻ tiền, dễ kiếm như mía, cỏ voi, tre (Ảnh: Ngô Linh).
Dúi thịt nuôi khoảng 10 tháng đến một năm là có thể xuất bán với trọng lượng 1,2-1,5 kg/con; giá khoảng 550.000 đồng/kg. Dúi giống có giá 2,5-3 triệu đồng/cặp.
“Hiện nay nguồn cung không đủ cầu, thương lái đi gom dúi thương phẩm rất nhiều, có nhiều người còn sẵn sàng đặt cọc trước để giữ chỗ. Thu nhập từ trại dúi của tôi trung bình mỗi năm khoảng 150 triệu”, anh Việt cho hay.
“Thời gian tới tôi sẽ mở rộng quy mô trang trại để đáp ứng nhu cầu thị trường”, Huỳnh Lê Việt chia sẻ.
Hiện anh Việt đang là thành viên của Tổ hợp tác nuôi dúi Đại Lộc. Tham gia tổ, các thành viên sẽ được cung cấp, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi từ các thành viên đi trước giàu kinh nghiệm.
Theo anh Huỳnh Thế Toàn – Bí thư huyện đoàn Đại Lộc, mô hình nuôi dúi hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi cho nhiều hộ dân ở địa phương.
Huyện đoàn cũng có nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích thanh niên tham quan học tập kinh nghiệm để có thể nhân rộng nghề nuôi dúi, nâng cao thu nhập.