Mai Hương đã nhận được thư thông báo trúng tuyển Texas Christian University (#83 NU) với học bổng 215.920 USD, Drexel University (#103 NU) với học bổng 150.320 USD, DePauw University (#47 LAC) với học bổng 160.000 USD, Beloit College (#75 LAC) với học bổng 172,000 USD, Knox College (#79 LAC) với học bổng 164.000 USD và Augustana College (#92 LAC) với học bổng 144.000 USD.
Mai Hương đạt được kết quả này mặc dù, như cô bé tự nhận xét “Em không có thành tích “khủng”, không phải là founder của bất kỳ dự án có tiếng nào, và cũng không bỏ túi những giải thưởng quốc gia”.
Làm hồ sơ du học trong 3 tháng
Mai Hương nhen nhóm ý định du học Úc hoặc Canada từ hồi cấp 2. Nhưng hồi đó, cô bé chưa có định hướng quá rõ ràng nên “mọi việc em làm là tiếp tục giữ điểm trung bình môn trên 9.0 kết hợp tham gia một số hoạt động ngoại khóa của trường”.
Sau thời gian tìm hiểu, Hương quyết định sẽ đi du học Mỹ.
“Em làm hồ sơ du học trong hơn 3 tháng vì quyết định đi Mỹ vào tháng 7/2021 – trong thời gian nghỉ dịch.
Em tìm hiểu về ranking, chất lượng đào tạo, yêu cầu của các trường, tỉ lệ nhận học sinh quốc tế, mức học bổng, môi trường học tập… và gộp hết các thông tin vào một bảng excel để tiện so sánh.
Trong lúc chọn trường, em cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Em tiếp thu chọn lọc và chọn ngôi trường phù hợp với bản thân nhất”.
Hương nói mình gặp khó khăn nhất trong vấn đề nghĩ ý tưởng luận chính, chưa kể các đề luận phụ của các trường.
“Phải nói là đó chính là thời gian em bị “xoay mòng mòng”. Không một giây nào em không nghĩ về các bài luận và hồ sơ. Mỗi khi đặt lưng xuống giường, chỉ cần có ý tưởng mới là em lại lục đục dậy ngồi vào bàn và mải mê tới quên cả thời gian”.
Có những ngày Hương không ngủ vì thời điểm đó đã là quá gấp. Hương cũng từng khóc vì thấy mọi việc bị dồn lại trong có vỏn vẹn hơn 3 tháng, nhưng cô không ngại đối mặt với nó.
“Trong khoảng thời gian đó, em luôn dặn mình bình tĩnh, kiểm tra lại toàn bộ những điểm thiếu sót và hạn nộp của từng phần của bộ hồ sơ, và từ từ giải quyết theo các thứ tự ưu tiên.
Sau khi nộp hồ sơ, em không quên viết email sao cho chỉn chu và chuyên nghiệp để giữ liên lạc với các trường”.
Vì múi giờ giữa Mỹ và Việt Nam khác nhau nên Hương có gặp chút khó khăn khi hẹn lịch phỏng vấn với các trường.
Các nhân viên tuyển sinh của trường thường hẹn lịch phỏng vấn vào khung giờ 1-3 giờ sáng Việt Nam. Không muốn bị muộn hay tệ hơn là lỡ luôn buổi phỏng vấn, Hương “nói không” với việc đi ngủ một chút và đặt báo thức rồi dậy.
“Em dành buổi tối hôm đó để luyện tập trả lời cũng như mường tượng ra không khí buổi phỏng vấn để … đỡ run”.
Hương nói cô cảm thấy biết ơn quãng thời gian qua rất nhiều. “Em cảm thấy mãn nguyện lắm vì đã đạt được điều mơ ước bằng sức lực của chính mình, và tất nhiên là cả sự hỗ trợ, động viên của rất nhiều người. Em đã đối mặt với những khó khăn ấy bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết tuổi 17”.
Những bài luận thuyết phục các hội đồng tuyển sinh
Về điểm mạnh của bộ hồ sơ của mình, theo Hương, đó chính là bài luận.
Hương không chọn những chủ đề quá to lớn mà chọn viết về cách cô dám đối mặt với cảm xúc của chính mình từ đó có thể giao tiếp tốt hơn.
“Một chủ đề đơn giản thôi nhưng em đã vô cùng tâm huyết. Bản thân là một người hướng nội, em có những giằng co trong nội tâm giữa việc sống thật với cảm xúc, biết nói và bộc lộ ra những lúc cần thiết với việc phải che dấu, trốn tránh những góc khuất của chính mình vì mong muốn trở nên trưởng thành.
Em cũng đan xen những giá trị khác của bản thân mà mình muốn thể hiện cho hội đồng tuyển sinh, cách viết “Creative Writing” (lối viết sáng tạo) để bài luận trở nên sinh động và thuyết phục hơn.
Nói về điểm yếu, em không có quá nhiều hoạt động ngoại khóa ấn tượng, không phải founder của bất kì một dự án nào. Điều đó khiến em lo lắng một thời gian dài, nhưng rồi em biết, việc này là không thể thay đổi. Em nên tìm cách khác, nên tập trung hơn vào bài luận và với điểm GPA cũng như chứng chỉ ngoại ngữ, em có thể bù đắp được nhưng thiếu sót trong danh sách những hoạt động ngoại khoá” – Hương chia sẻ kinh nghiệm.
Hương nói mình ấn tượng với nhất với hai câu hỏi luận phụ của trường ED1 – Texas Christian University.
“Trong bài luận về “Diversity” – bài luận cho phép nói về sự khác biệt của bản thân và cách sẽ làm để hoà nhập được với môi trường học, em đã chọn chủ đề về Nước mắm.
Nước mắm là một món đặc sản, là quốc hồn quốc túy của Việt Nam mình. Trong mỗi bữa ăn, mọi người thường sẽ cùng nhau quây quần bên mâm cơm và chấm chung một bát nước mắm. Bát nước mắm ấy dường như đã gắn kết mọi người lại với nhau vậy. Và em không thể chờ đến lúc được đem món đặc sản ấy tới TCU, tới hội học sinh Việt Nam nhớ nhà, và tới cả các bạn khắp nơi trên thế giới để gắn kết và giới thiệu về văn hoá nước nhà.
Trong đề luận phụ thứ hai (không bắt buộc), trường yêu cầu em có thể gửi một câu chuyện, một bài thơ, một bản nhạc hay thậm chí chỉ là một bức ảnh đáng nhớ để hội đồng tuyển sinh có một góc nhìn khác về em. Em đã chọn kể câu chuyện mà ở đó, em nhận ra rằng trở thành một siêu anh hùng không phải là điều không thể.
Việc sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh, từ những việc nhỏ nhất cũng có thể khiến bạn trở thành siêu anh hùng trong cuộc đời một ai đó. Em đã viết những điều ấy bằng chính trải nghiệm và những nhiệt huyết của bản thân, điều mà em sẽ luôn tự hào”.
Hương cho rằng không có một điều cụ thể nào giúp cô thuyết phục được ban tuyển sinh của các trường, mà toàn bộ hồ sơ của cô là một bức tranh rộng và toàn thể.
“Em có chủ đề chính cho bộ hồ sơ của mình, em gọi mình là một Mediator – là một người hướng nội, thích sáng tạo, có suy nghĩ cởi mở, không ngừng cố gắng và luôn mong mỏi được giúp đỡ mọi người. Một con người yêu đời và yêu người. Ở đó, bài luận chính, bài luận phụ, điểm số, chứng chỉ ngoại ngữ, hoạt động ngoại khoá, thư giới thiệu, CV, phần trình bày phỏng vấn… mỗi phần sẽ là một mảnh ghép không thể thiếu để vẽ nên bức tranh về Mediator ấy. Mỗi mảnh ghép sẽ là một ống kính nhỏ để ban tuyển sinh có cái nhìn toàn diện, và họ sẽ có nhiều góc nhìn về em hơn”.
Hương đã “chốt” trường Texas Christian University. Chia sẻ thêm, Hương nói rằng trong thời gian qua, đã có những lúc em nghi ngờ bản thân.
“Nhìn vào những thành tích học tập cũng như hoạt động ngoại khoá “khủng” và cạnh tranh của các bạn đồng trang lứa, em không khỏi nghi ngờ năng lực của chính mình. Nhưng dần dần, em hiểu ra mỗi người sẽ có điểm mạnh, điểm yếu riêng.
Có một câu nói mà em vô cùng tâm đắc: “Thời gian không quá quan trọng đâu, quan trọng là hướng đi thôi. Em hy vọng rằng các bạn học sinh khóa dưới có thể tìm ra được mục tiêu cho chính bản thân mình, chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ nếu cần. Và hãy luôn là chính mình để tìm được cơ hội phù hợp nhất”.
Phương Mai
9X giành 8 học bổng tiến sĩ Mỹ ‘bất an’ về việc làm
“Mục tiêu của tôi khi làm nghiên cứu là phải tận tâm, tận lực bằng niềm đam mê và có thể trao đi giá trị cho người khác. Do đó, tôi không muốn vì tiền bạc mà không thể toàn ý với khoa học”, Trần Quốc Đạt nói.