Nhờ trải nghiệm giáo dục phong phú, Giáng Hương giành học bổng trị giá 364.000 USD, tương đương 8,5 tỷ đồng đến Đại học Wesleyan, Mỹ.
Hoàng Việt Giáng Hương, 20 tuổi, người Phù Ninh, Phú Thọ, nhận tin báo đỗ từ Đại học Wesleyan hồi cuối tháng 3. Ngôi trường ở vị trí thứ 18 trong bảng xếp hạng đại học khai phóng nước Mỹ năm 2023, theo U.S News, trao cho Hương suất học bổng toàn phần Wesleyan Freeman. Đây là học bổng dành cho 11 học sinh đến từ châu Á.
Theo Hương, lợi ích lớn nhất của học bổng Freeman là hỗ trợ toàn phần học phí và sinh hoạt phí 91.000 USD mỗi năm, trong bốn năm. Ngoài ra, sinh viên được gia nhập cộng đồng cựu học sinh từng nhận học bổng, là những chính trị gia, doanh nhân, nhà giáo dục có ảnh hưởng.
Cách đây 5 năm, nữ sinh Phú Thọ thi đỗ vào lớp 10 trường chuyên Ngoại ngữ (Hà Nội), rồi du học Singapore theo học bổng ASEAN. Tại đây, Hương theo học trường nữ sinh Paya Lebar Methodist và trường phổ thông ST.Joseph’s Institution.
Hương nói những trải nghiệm với nhiều môi trường giáo dục khác nhau đã giúp em phát triển bản thân và có chất liệu xây dựng hồ sơ, bài luận để chinh phục học bổng.
Giáng Hương tham gia đoàn tình nguyện trồng rừng ở chùa Tản Viên, vườn quốc gia Ba Vì hồi tháng 3/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khi tìm hiểu các trường đại học Mỹ, Hương ấn tượng với Đại học Wesleyan bởi triết lý giáo dục phóng khoáng, cộng đồng học thuật đa dạng nhưng tôn trọng sự khác biệt.
Khi tham gia buổi phỏng vấn với một cựu sinh viên gần 70 tuổi của trường, Hương tự tin thảo luận về những trải nghiệm giáo dục ở Singapore từ năm 15 tuổi. Theo Hương, những điều đó giúp em hình thành tư duy sáng tạo, phản biện, quan tâm đến các vấn đề xã hội và cộng đồng.
Với câu hỏi “Vậy tại sao lại muốn đến Mỹ học?”, Hương trả lời rằng đại học khai phóng ở Mỹ đa dạng về văn hóa tư tưởng, chủng tộc, em tin mình sẽ học được nhiều kiến thức xã hội và kỹ năng sống khi đến đây.
Một trong hai đề luận tự chọn của Đại học Wesleyan hỏi: “Câu chuyện tin tức nào gần đây ở địa phương hoặc trên thế giới đã gây ấn tượng với bạn? Hãy chia sẻ câu chuyện và cho chúng tôi biết lý do tại sao nó lại tác động đến bạn như vậy?”.
Giáng Hương lập tức nhớ lại bài học của thầy giáo người Singapore gốc Ấn tại trường St Joseph’s Institution về một vấn đề gây tranh cãi: Công khai danh tính, quốc tịch, chủng tộc trong truyền thông tin tức ở một đất nước đa dạng sắc tộc như Singapore.
Đến tháng 7/2021, tờ Straitstimes đưa tin “Phát hiện ổ dịch Covid-19 ở quán karaoke, liên quan nhóm nữ tiếp viên người Việt”, lúc này Hương mới cảm nhận được điều thầy giáo dạy.
“Em và một số bạn bè trong cộng đồng người Việt ở Singapore bị xa lánh, dù không mắc Covid-19”, Hương kể.
Vì vậy, trong bài luận, Hương phản đối việc gắn các thông tin tiêu cực như bệnh dịch, tai nạn với một chủng tộc hoặc quốc tịch cụ thể, bởi điều đó có thể làm dấy lên làm sóng phân biệt với các nhóm người trong cộng đồng. Nữ sinh cũng đưa vào một số ý kiến đa chiều, cho rằng việc công khai chủng tộc, quốc tịch của người phạm luật là tự do ngôn luận và có tính răn đe.
Cuối cùng, Hương kết luận “Không phải cứ cung cấp nhiều thông tin hơn là tốt hơn; thông tin chỉ mang lại lợi ích khi khơi dậy những hành động có ý nghĩa và không gây thù hận sai với nhóm người nào trong xã hội”.
Hương cũng đưa ra những hành động hướng đến cộng đồng nhằm giảm bớt bất bình đẳng giáo dục. Giáng Hương giải thích, em quan sát được và đã tìm hiểu về thực trạng này giữa nông thôn và thành thị, nam và nữ, giữa các nhóm thu nhập khác nhau trong một quốc gia hoặc so sánh giữa hai hay nhiều quốc gia.
“Bất bình đẳng cũng tồn tại trong các dân tộc và địa lý, các dân tộc thiểu số thường bị tụt hậu về học vấn”, Hương nói, cho biết là chủ tịch ban điều hành Education for Vietnamese Youth với sứ mệnh vượt qua các rào cản để mang lại cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi học sinh ở Việt Nam. Hương cùng các bạn trong nhóm hợp tác với tổ chức LabXChange, Đại học Harvard, dịch tài liệu STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) từ tiếng Anh sang tiếng Việt.
Tháng 12/2022, Hương thực tập ở một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ thanh niên. Em tham gia nghiên cứu, liên hệ nhà tài trợ, duy trì mối quan hệ với đối tác và thực hiện các chiến dịch gây quỹ học bổng cho sinh viên nghèo ở 8 tỉnh miền Trung. Nữ sinh cũng dạy tiếng Anh giao tiếp và làm cố vấn cho một số học sinh có ý định du học nhưng không có điều kiện đến trung tâm tư vấn.
Thầy Chai Wee Jie, giáo viên chủ nhiệm ở trường nữ sinh Paya Lebar Methodist, Singapore, đánh giá cao trải nghiệm quốc tế của Giáng Hương từ khi còn rất trẻ.
“Em là một học sinh tài năng, thông minh với sự tự tin, có chính kiến và sự tôn trọng người khác, sẵn sàng tạo ra sự khác biệt tích cực trong thế giới xung quanh”, thầy Chai nói.
Giáng Hương trong chuyến du lịch Ninh Bình, tháng 12/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khó khăn lớn nhất của nữ sinh Việt trong quá trình ứng tuyển là cân bằng giữa việc học, hoạt động ngoại khóa và chuẩn bị hồ sơ. Để tối ưu thời gian, Hương tranh thủ làm bài ở trường hay trên phương tiện công cộng. Em cũng cố gắng dành thời gian tập thể dục, nghỉ ngơi. Nỗ lực giúp Hương đạt 1560/1600 SAT; 44/45 điểm trong kỳ thi lấy bằng tú tài quốc tế hồi tháng 11/2022 và 160/160 Duolingo English Test hồi tháng 1 năm nay.
Cô Đỗ Thị Việt Hà, mẹ của Hương, cho biết từ nhỏ con gái đã chăm chỉ, chỉn chu trong học hành. Trong nhà không có ai giỏi tiếng Anh nên Hương phải nỗ lực học hỏi từ bạn bè và thầy cô.
“Khi vào cấp ba, con đã có ý chí tự lập, muốn đi xa để trải nghiệm các nền văn hóa khác. Mặc dù có những nỗi lo khi con tự lập sớm, gia đình yên tâm khi thấy con trưởng thành hơn sau mỗi chuyến đi”, cô Hà nói.
Trước khi sang Mỹ vào tháng 8 tới, Giáng Hương sẽ về Việt Nam nghỉ ngơi, kết hợp trang bị kỹ năng lái xe, quản lý tài chính.
“Ước mơ lớn nhất của em là sau này trở về, sáng lập doanh nghiệp xã hội về giáo dục, cung cấp cơ hội giáo dục bình đẳng cho các đối tượng có điều kiện khó khăn, yếu thế”, Hương nói.
Lệ Thu