Trúng tuyển thạc sĩ hệ vừa học vừa làm, Lê Vũ Thục Anh được Tập đoàn Điện lực quốc gia Pháp trả lương, thưởng cùng toàn bộ học phí.
Lê Vũ Thục Anh sinh năm 2000 tại Hà Nội, là cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM. Tại đây, Thục Anh giành giải nhất thi học sinh giỏi thành phố và là thành viên đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Pháp.
Sau khi tốt nghiệp, nữ sinh chọn du học tự túc ngành Kế toán Quản lý của Đại học Paris Saclay, Pháp rồi lấy bằng cử nhân vào tháng 7/2021 với luận văn tốt nghiệp đạt 18/20 điểm.
Tháng 9/2021, Thục Anh giành học bổng thạc sĩ ngành Kiểm soát Quản lý và Kiểm toán tổ chức, hệ Alternance (vừa đi học, vừa đi làm) tại hệ thống trường Institut d’administration des entreprises (IAE) – Học viện Quản trị Doanh nghiệp Pháp.
Nữ sinh sau đó ứng tuyển vào các doanh nghiệp có ký kết hợp tác với trường và trúng tuyển hai tập đoàn lớn. Cô chọn Tập đoàn Điện lực quốc gia Pháp Electricite de France (EDF), nhận định những quy trình nghiêm ngặt, phần mềm quản lý dữ liệu phức tạp cùng một mạng lưới chi nhánh dày đặc trải dài trên toàn nước Pháp là môi trường lý tưởng để học hỏi.
Thục Anh nói ngoài mức lương, thưởng gần bằng nhân viên chính thức, công ty còn chi trả cho cô học phí trong hai năm học thạc sĩ. Thục Anh cũng được hưởng trợ cấp nhà ở, chi phí đi lại theo quy định của Chính phủ Pháp dành cho sinh viên hệ vừa học vừa làm.
“Có thể ở Việt Nam mô hình này còn khá lạ lẫm, nhưng ở Pháp, mô hình này khá phổ biến”, cô nói.
Thục Anh tại quảng trường San Marco, Venezia, Ý năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từ kinh nghiệm bản thân, Thục Anh cho hay muốn theo đuổi chương trình vừa học vừa làm tại Pháp, du học sinh cần có định hướng và chuẩn bị sớm.
Thục Anh chú tâm học tập, duy trì điểm số tốt ở các môn chuyên ngành ngay từ năm thứ nhất đại học. Cô cũng tham gia các hoạt động của Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp, làm thêm ở vị trí bán hàng và thực tập đúng chuyên ngành để nâng cao kỹ năng giao tiếp, kinh nghiệm làm việc.
“Những hoạt động đó giúp mình chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thấy không chỉ có điểm số học tập tốt, mình còn là một người năng nổ, ham học hỏi, cân bằng được việc học và làm”, Thục Anh chia sẻ.
Để ứng tuyển vào Tập đoàn Điện lực quốc gia Pháp, Thục Anh phải chuẩn bị CV (sơ yếu lý lịch), thư động lực cho vòng hồ sơ, sau đó dự vòng phỏng vấn.
Trong CV, cô gái Việt trình bày kinh nghiệm học tập và thực tập, các kỹ năng phần mềm có được (Excel, Sap). Nữ sinh cho biết chỉ cần dành vài ngày để viết những nội dung này, nhưng điểm cần lưu ý là nên nhờ bạn bè, thầy cô hướng dẫn thực tập đọc qua, giúp sửa lỗi nếu có để CV hoàn thiện hơn.
Với thư động lực, kinh nghiệm của Thục Anh là viết ngắn gọn, câu từ trau chuốt, đúng chính tả và thể hiện rõ mong muốn của bản thân. Trong thư, cô nói muốn thử sức ở tập đoàn lớn để trải nghiệm các môi trường khác nhau, từ đó có so sánh để định hướng tìm việc phù hợp sau khi tốt nghiệp.
Sau đó, cô gái Việt tham gia hai cuộc phỏng vấn với bộ phận nhân sự và người quản lý. Trước buổi phỏng vấn, Thục Anh đã tìm hiểu kỹ lịch sử công ty, các số liệu quan trọng, chuẩn bị phương án để trả lời một số câu hỏi phỏng vấn cơ bản như: Bạn là ai? Lý do ứng tuyển vào công ty? Kỹ năng bạn có phù hợp với vị trí công việc? Mục tiêu, động lực của bạn là gì? Tại sao chúng tôi nên chọn bạn?.
Đến với buổi phỏng vấn thực tế, Thục Anh khá tự tin vì không có câu hỏi hoặc tình huống nào quá bất ngờ, khó xử. Cô cho biết điều quan trọng nhất là phải thể hiện bản thân chân thật, thái độ khiêm tốn và tinh thần ham học hỏi.
Thục Anh dẫn chứng khi nhà tuyển dụng hỏi “Bạn đã biết về phần mềm này chưa?”, nếu chưa, ứng viên cần trả lời đúng như vậy, nhưng sẽ ngay lập tức tìm hiểu và tham gia các khoá học online (nếu có) để chứng tỏ mình năng nổ và ham học hỏi.
Từ vị trí thực tập ở công ty nhỏ thời đại học đến một tập đoàn lớn với mạng lưới chi nhánh có cấu trúc phức tạp khiến Thục Anh không khỏi bỡ ngỡ. Nữ sinh chủ động đăng ký tham gia các lớp đào tạo nội bộ của công ty, không ngại ngần đặt câu hỏi và nhờ chỉ dạy mỗi khi gặp kiến thức khó.
“Mình đã phải dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu các tài liệu, quy trình hay những tập tin Excel nặng hơn 40.000 KB với nhiều công thức phức tạp”, cô nói.
Sau 45 ngày thử việc, Thục Anh trở thành nhân viên của Tập đoàn Điện lực quốc gia Pháp, hồi tháng 10 năm 2021.
Cô gái Việt đảm nhận vị trí Kiểm soát quản lý viên bộ phận Thuỷ điện ở trụ sở chính của tập đoàn. Công việc của Thục Anh là tham gia tính toán chi phí, dự trù ngân sách, quản lý dòng tiền, các công cụ quản lý dữ liệu tài chính, báo cáo và phân tích dữ liệu tài chính; đề xuất chiến lược phát triển phù hợp với ngân sách.
Thục Anh cùng người quản lý tại công ty OLFEO, Paris, Pháp, nơi cô thực tập hồi tháng 5 năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ông Edouard Maquet – Quản lý phòng Hoạch định chiến lược và Kiểm soát hiệu suất công ty EDF Hydro (EDF Thuỷ điện), thuộc Tập đoàn Điện lực quốc gia EDF, đánh giá, Thục Anh đã hòa nhập rất tốt, mặc dù môi trường làm việc giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022 khá phức tạp do thay đổi về nhân sự.
“Thục Anh là người có năng lực, nghiêm túc, luôn sẵn sàng, có khả năng hoạch định tổ chức, thích nghi và hiểu biết tốt”, ông Edouard Maquet nói.
Theo Thục Anh, chương trình vừa học vừa làm giúp ứng viên được thực hành kiến thức ở giảng đường vào thực tế làm việc; làm sáng CV so với các ứng viên chỉ học chương trình lý thuyết. Điều không kém quan trọng là theo học chương trình này, người học còn được hỗ trợ chi phí sinh hoạt.
Vừa học thạc sĩ vừa đi làm, ý thức được việc học tập thi cử sẽ khá căng thẳng, Thục Anh xin người quản lý danh sách các đầu việc cần làm ở công ty để tìm hiểu trước. Kết thúc năm đầu với kết quả đạt loại giỏi, theo Thục Anh bí quyết là sắp xếp thời gian một cách khoa học, cân bằng giữa học và làm.
Tháng 10/2023 tới, cô gái Việt sẽ hoàn thành chương trình thạc sĩ.
“Mình đã vững vàng với những kiến thức đã học được từ tập đoàn và hy vọng sẽ tìm được công việc phù hợp ngay sau khi ra trường”, nữ sinh bày tỏ.
Lệ Thu