Hà NộiTrần Phượng Anh, 18 tuổi, sẽ đến đại học Stanford học kiến trúc, mang theo ước mơ xây những thành phố có hệ thống giao thông cực kỳ tốt cho mọi người.
Phượng Anh, học sinh lớp 12 Lý 1 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, nhận tin trúng tuyển Đại học Stanford cuối năm 2022 với tổng học bổng bốn năm tương đương 6,6 tỷ đồng. Trường này đứng thứ ba trong bảng xếp hạng đại học thế giới của U.S News, có tỷ lệ chấp nhận chỉ 4% trong hơn 50.000 hồ sơ ứng tuyển hàng năm.
Vốn học chuyên Lý, ban đầu Phượng Anh đặt mục tiêu trúng tuyển Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ. Tuy nhiên, đầu năm lớp 11, em quyết định chuyển hướng, nộp hồ sơ vào Đại học Stanford để theo đuổi ngành Kiến trúc.
Bước ngoặt này diễn ra khi Phượng Anh nhận thấy có thể dành cả ngày lẫn đêm ngồi vẽ hoặc nghĩ về những dự án, công trình và đời sống ở trong đó. “Tư duy logic khi suy luận, khả năng ước lượng, nhận biết được sự phát triển khi học Vật lý giúp em tự tin theo đuổi ngành Kiến trúc”, Phượng Anh nói.
Khác với hình dung của nhiều người về học sinh trường chuyên, cô gái này cho biết không dành nhiều thời gian để học sau khi tan trường. Từ khi học cấp 1, trong giờ nghỉ giải lao giữa các tiết, Phượng Anh thường vẽ và làm những mô hình bằng giấy, làm hết các bài tập tự nhiên ngay ở trường. Về nhà, em chơi đàn, ăn tối rồi nói chuyện với mọi người. Năm 2020, khi vào lớp 10, Phượng Anh mới tập trung vào môn Vật lý.
Phượng Anh tại khuôn viên trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam, tháng 1/2023. Ảnh: Lê Lai
Phượng Anh giành giải nhất thi học sinh giỏi Hà Nội môn Vật lý năm 2021, huy chương Bạc kỳ thi Vật lý quốc tế Bắc Âu năm 2022; và huy chương Đồng kỳ thi Khoa học và Phát minh Quốc tế (ISIF) cùng năm đó.
Bộ hồ sơ ứng tuyển ngành Kiến trúc, Đại học Stanford của Phượng Anh gồm lý lịch, điểm số ở trường, điểm chuẩn hóa (SAT, IELTS), bài luận, thư giới thiệu, hoạt động ngoại khóa và hồ sơ nghệ thuật.
Phượng Anh đã chủ động các hoạt động ngoại khóa theo chiến thuật phân bổ thời gian hợp lý từ lớp 9 đến lớp 12. Em kể từng đi thực tập tại một công ty nội thất để tiếp cận với các bản thiết kế công trình, vật liệu thi công thường dùng ở Việt Nam. Em còn sáng lập dự án Tet Envelope Project, thiết kế phong bao lì xì Tết, dùng tiền thu được để quyên góp cho các lớp học mà em từng làm tình nguyện viên dạy học.
“Em làm hoạt động ngoại khóa theo những gì mình thích. Vì vậy, chúng đã tự đồng nhất với đam mê kiến trúc và là những mảnh ghép tạo nên con người em”, nữ sinh nói.
Bảng điểm mà các trường đại học Mỹ yêu cầu bao gồm từ lớp 9 tới lớp 12. Phượng Anh nhận định nếu lớp 10 hay 11 mới bắt đầu học chăm chỉ thì sẽ rất khó để tới được các trường thuộc top 20 của Mỹ. Em cố gắng duy trì kết quả học tập tốt với điểm trung bình GPA đạt 9.7/10, 7.5 IELTS và 1500/1600 SAT.
Từ năm lớp 11, nữ sinh viết luận, làm hồ sơ nghệ thuật (art portfolio), xin thư giới thiệu.
Các bài luận được Phượng Anh viết từ đầu năm 2022, với rất nhiều ý tưởng. Tổng cộng, nữ sinh đã nộp cho Stanford tới 9 bài luận, kèm theo art portfolio với 10 bức vẽ trên máy.
Phượng Anh (thứ ba từ phải) chụp cùng đội tuyển Vật lý Bắc Âu 2022 tại sân trường THPT Hà Nội – Amsterdam, tháng 5/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Điều đầu tiên bạn nên biết về tôi là: Tôi là một đứa trẻ và tôi tự hào về điều đó”, Phượng Anh mở đầu bài luận chính. Nữ sinh thừa nhận những đề xuất trên tài khoản Netflix của em đầy ắp phim hoạt hình; những chiếc bánh quy hình sư tử khiến em vui vẻ. Nhưng, không gì có thể ngăn cản em học tập.
“Giống như một đứa trẻ thở hổn hển kéo một chiếc xe đạp lên dốc, phát triển khả năng vận động qua từng bước chân, tôi cũng thích thử nghiệm với thế giới thực để hiểu thế giới lý thuyết của chúng ta”, nữ sinh viết trong bài luận, dẫn chứng về việc thường nhét vào ba lô những sợi dây thừng, đá sỏi và ống nhựa, sau đó thử nghiệm những ý tưởng “kỳ lạ” của mình.
Phượng Anh nghĩ ngoài bộ hồ sơ toàn diện, điều giúp em chinh phục hội đồng tuyển sinh Đại học Stanford là do em đã thể hiện bản sắc của mình một cách nhất quán.
Phượng Anh và mẹ. Ảnh: Lê Lai
Chị Lê Kim Phượng, mẹ của Phượng Anh, cho biết con gái độc lập, tốt bụng, ham học hỏi, dí dỏm và cũng rất bướng, thường xuyên tranh luận với mẹ. “Con thích dành thời gian ra ngoài chơi hơn là ngồi đèn sách nên nhiều khi tôi cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, thấy con ra ngoài cũng học được không ít thứ nên tôi để con thoải mái”, chị Phượng nói.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Quang, Trưởng bộ môn Vật lý, trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, nói điểm số, danh hiệu và giải thưởng không quá quan trọng với Phượng Anh. Ông nhớ học trò từng bỏ thi IELTS vào tháng 10/2022 vì bận hướng dẫn nhóm học sinh cấp 1,2 tham gia các kỳ thi khoa học. Một số em đã giành huy chương, cả trong và ngoài nước.
Tham gia hỗ trợ Phượng Anh thi Olympic Vật lý Bắc Âu, Phó giáo sư Nguyễn Cao Khang, khoa Vật lý trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đánh giá Phượng Anh có kiến thức rộng lớn và cách giải thích độc đáo về các hiện tượng xã hội dù ở độ tuổi khá trẻ. Ban đầu, ông thất vọng khi nữ sinh không chọn theo đuổi ngành Vật lý ở đại học, nhưng ông tin rằng Phượng Anh sẽ thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào mà em tham gia.
Phượng Anh sẽ đến Stanford học vào tháng 9 tới, dự định sau khi tốt nghiệp sẽ cố gắng tích lũy kinh nghiệm và nâng cao trình độ tại nước ngoài rồi trở về Việt Nam, nơi em cho rằng còn nhiều thứ để phát triển về kiến trúc đô thị.
“Em mong muốn xây những thành phố có hệ thống giao thông cực tốt, ứng dụng công nghệ cao vào từng ngóc ngách, quy hoạch nhà cửa chuẩn, để tiết kiệm thời gian đi học, đi làm và nâng cao đời sống người dân”, Phượng Anh nói.
Lệ Thu