Thanh Tuấn là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, cùng thời với Lệ Thủy, Mỹ Châu, Minh Cảnh… Nam nghệ sĩ từng gây ấn tượng với nhiều tác phẩm như Lỡ bước sang ngang, Ánh lửa rừng khuya, Tìm lại cuộc đời…
NSND Diệp Lang, NSƯT Vũ Linh ra đi là mất mát lớn của sân khấu cải lương
* Chào NSND Thanh Tuấn! Gần đây, nhiều nghệ sĩ cải lương như NSND Diệp Lang, NSƯT Vũ Linh qua đời để lại mất mát cho sân khấu. Cảm xúc của ông thế nào khi nhận tin buồn về đồng nghiệp?
– Quy luật của tạo hóa, sinh rồi tử là điều không tránh khỏi. Nhưng không ai không thương tiếc khi những tài năng của nghệ thuật nước nhà nói chung, của cải lương nói riêng ra đi. Chúng tôi rất buồn, rất nhớ vì sẽ khó tìm được những tài năng giỏi như vậy. Tôi dành sự thương yêu, trân trọng khi nói lời tiễn biệt những người anh, người em thân thương. Sự ra đi của Vũ Linh, NSND Diệp Lang là mất mát lớn đối với nghệ thuật, khó có thể bù đắp được.
* Với riêng NSND Diệp Lang, chắc nghệ sĩ Thanh Tuấn có nhiều kỷ niệm khó quên?
– Tôi với anh Diệp Lang có rất nhiều kỷ niệm. Khi đất nước thống nhất, chúng tôi biểu diễn chung một đoàn và gắn bó với nhau mấy năm trời. Chúng tôi hợp tác trong nhiều vở như Lỡ bước sang ngang, Ánh lửa rừng khuya, Tìm lại cuộc đời… và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Những lúc tập luyện, anh Hai (cách gọi thân mật với NSND Diệp Lang) là người chỉ dạy, hướng dẫn cho anh em nghệ sĩ. Có những lúc, dù khá mệt nhưng anh Hai vẫn dành thời gian để tập cùng tôi. Anh có nói rằng rất thích giọng ca của tôi.
Một kỷ niệm là khi tôi diễn tác phẩm Lỡ bước sang ngang, có đoạn phải đọc thơ lúc hay tin người yêu đi lấy chồng. Đêm nào diễn, anh Hai cũng phải chú tâm nghe cho được bài thơ đó. Anh ấy khen tôi ngâm thơ hay, có giọng ca đẹp để phục vụ cho khán giả.
Tình yêu nghề, khát khao được truyền lửa cho các bạn trẻ là động lực để NSND Thanh Tuấn miệt mài làm việc
* Lần cuối cùng nghệ sĩ Thanh Tuấn gặp NSND Diệp Lang là khi nào?
– Anh Hai sang Mỹ tính đến hiện tại cũng hơn 10 năm rồi. Cứ mỗi lần anh về Việt Nam đều dành thời gian hội ngộ anh em. Những năm sau này, chúng tôi không còn cơ hội gặp nhau nữa. Trong khoảng thời gian anh Hai ở Mỹ, tôi thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm, mong anh giữ sức khỏe. Đến khi hay tin anh qua đời tại Mỹ, tôi đã điện trực tiếp cho chị Thu Phong (vợ NSND Diệp Lang) để chia buồn. Tôi thương tiếc trước sự ra đi của một nghệ sĩ lớn của sân khấu cải lương. Khó có thể kiếm được một tài năng để thay thế cho NSND Diệp Lang.
* Chứng kiến sự ra đi của nhiều đồng nghiệp, NSND Thanh Tuấn có điều gì trăn trở?
– Tôi quan niệm có sinh thì có tử, đó là chuyện không thể tránh khỏi. Sự sống và cái chết là điều vô thường. Ở tuổi này, tôi không có gì phải lo sợ cả. Tôi không tiếc nuối vì mình đã làm tròn cho bản thân, gia đình, xã hội và đặc biệt là cho nghệ thuật. Nhưng ở hiện tại, tôi mong mình được khỏe để mỗi ngày, mỗi tháng được dạy dỗ, truyền lửa đam mê nghệ thuật cho các bạn trẻ, để các em dần dần kế thừa bản sắc dân tộc và đặc biệt là để cải lương Việt Nam được gìn giữ.
* Theo ông, việc những nghệ sĩ tên tuổi lớn lần lượt qua đời, trong khi thế hệ trẻ đam mê cải lương không nhiều như trước có phải sẽ khiến cho cải lương dần mai một?
– Tôi không dám khẳng định gì. Nhưng anh chị em nghệ sĩ trong giới cũng rất tiếc nuối khi cải lương có phần đi xuống. Và sự kế thừa của đàn em, đàn cháu – lực lượng rất nhiều và rất giỏi nhưng đọng lại trong lòng khán giả như các bậc tiền bối trước đây thì chưa. Chúng ta cần thời gian để các bạn học hỏi, nghiên cứu và các bạn nhất định phải khiêm tốn để dần thay thế bậc đàn anh, đàn chị.
Ở tuổi 75, NSND Thanh Tuấn có nhiều điều trăn trở cho cải lương. Ông mong bản thân có sức khỏe để truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ
Đã yêu nghề thì không thể bỏ được
* Gắn bó với cải lương nhiều năm, chắc hẳn nghệ sĩ Thanh Tuấn có nhiều trăn trở dành cho bộ môn nghệ thuật này?
– Tôi đã trăn trở điều đó từ rất lâu rồi. Khi cải lương chững lại, những người nghệ sĩ tâm huyết, làm nghề lâu năm đều có sự tiếc nuối và thấy buồn. Mặc dù có nhiều biện pháp nhưng làm sao được vì xã hội đã như thế đó. Nhiều mô hình nghệ thuật phát triển nên lượng khán giả cũng bị chia ra. Bây giờ không còn sân khấu để biểu diễn mỗi đêm nữa, không còn những kịch bản hay để phục vụ khán giả. Sân khấu không còn sáng đèn đều đặn nữa mà chủ yếu chỉ ca ở sự kiện, đám tiệc. Thỉnh thoảng mới có những chương trình lớn thì anh em nghệ sĩ góp mặt nhiều hơn, còn lại là tự bươn chải.
* Nhiều người thắc mắc rằng ở tuổi này, NSND Thanh Tuấn vẫn miệt mài với công việc giảng dạy, truyền lửa thay vì dành thời gian cho bản thân nhiều hơn?
– Lửa đam mê thì không có tuổi dừng. Khi tôi còn sức khỏe, còn được khán giả thương yêu, người ta cứ mời thì mình phải “nhả tơ” đến hơi thở cuối cùng. Mình không thể từ chối hay dừng lại được. Mặc dù cuộc sống của tôi ổn định nhưng đã yêu nghề thì không bỏ được. Tôi cứ theo nghề và đổi lại là có niềm vui. Tôi được gặp gỡ các nghệ sĩ, mở lớp dạy thì có học viên đến học. Tôi dạy các em ca hát và chứng kiến sự thành công của các em là điều khiến tôi hạnh phúc. Ngọn lửa đam mê của tôi cứ kéo dài, chưa mệt mỏi thì tôi chưa dừng. Tôi cứ theo nghề, cứ biểu diễn đến khi nào không ca hát nổi hay khán giả không yêu thương nữa thì mới thôi.
* Nhiều nghệ sĩ không tránh khỏi cảm giác tổn thương khi bị gọi là hết thời. Với NSND Thanh Tuấn, ông đã từng gặp phải trường hợp này chưa?
– Nghệ sĩ không có hết thời mà do mình không tạo được dấu ấn sâu đẹp cho quý khán giả yêu thương thì người ta bỏ mình. Khi ấy, mình không đứng trên sân khấu nữa và bị đào thải. Lúc đó mình mới thấy rằng đó là hết thời.
NSND Thanh Tuấn mong các bạn trẻ yêu cải lương cống hiến hết mình và giữ gìn bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc
* Mặc dù vẫn còn yêu nghề, vẫn nhiệt huyết khi truyền lửa nhưng trong thị trường giải trí hiện nay có quá nhiều thứ để các bạn trẻ lựa chọn. NSND Thanh Tuấn thấy sao về điều này?
– Chuyện này xảy ra lâu rồi. Đã có biết bao nhiêu mô hình nghệ thuật xuất hiện và chia sẻ lượng khán giả nên cải lương đi xuống. Mình phải đành chịu thôi. Mỗi mô hình nghệ thuật đều có giá trị và lượng khán giả riêng. Người xem thích cái gì thì sẽ ủng hộ cái đó. Đó là điều khó tránh khỏi nhưng tôi mong nghệ thuật cải lương cứ giữ được bản sắc vốn có. Cứ làm hết mình, phục vụ hết mình khi khán giả còn yêu thương.
* Trong quá trình truyền dạy nghề, NSND Thanh Tuấn thấy các nghệ sĩ trẻ đón nhận cải lương ra sao?
– Trung tâm dạy ca vọng cổ của tôi khi khai trương thì chỉ có khoảng chục người, sau đó lên hơn 40 – 50 người. Bây giờ tôi dạy 3 lớp và được đón nhận rất nhiều. Học viên của tôi ở nhiều độ tuổi, 13 tuổi cũng có và thậm chí ngoài 60 tuổi vẫn đến học. Tất nhiên ngọn lửa đam mê nghệ thuật cải lương không mất đi và lúc nào người ta cũng đến rất nhiều để ủng hộ sân khấu cải lương.
* Nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay vì nổi tiếng quá dễ dàng và được tung hô nên việc tôn trọng khán giả không còn như trước, thậm chí có người “đốp chát” với người hâm mộ. Ông cảm thấy thế nào về điều này?
– Thời của tôi luôn trọng khán giả, dù tên tuổi lẫy lừng cũng không dám làm gì hết. Nhưng bây giờ do xã hội đào tạo dễ, các em bây giờ dễ nổi tiếng nên môi trường không còn cực như xưa. Chứ thời của tôi cực lắm, phải bám trụ để đi lên bằng chính thực lực của mình. Ngày xưa tôi được thu đĩa, phát radio nên bà con mới biết đến. Bây giờ công nghệ phát triển nên các bạn dễ tạo tên tuổi hơn. Các em, các cháu đôi khi nghĩ dễ nổi tiếng nên hơi chủ quan, cho rằng mình đã bằng anh, bằng chị rồi. Ngày xưa tôi gặp những người lớn tuổi vẫn phải vòng tay thưa, dù khi đó tôi đã nổi tiếng rồi.
* Cảm ơn NSND Thanh Tuấn đã dành thời gian chia sẻ. Chúc ông nhiều sức khỏe để tiếp tục với niềm đam mê nghệ thuật.