Người mua bất động sản vẫn đang “dò đáy”; TP.HCM chốt phí làm hồ sơ nhà đất từ ngày 1/6; Loạt chính sách mới có giúp “rã đông” thị trường bất động sản; Hàng loạt “ông lớn” bất động sản nợ đọng thuế bị bêu tên, số tiền nợ lên đến gần chục nghìn tỉ đồng… là những thông tin nóng trong tuần qua.
Hình minh họa
Hàng loạt “ông lớn” bất động sản nợ đọng thuế bị bêu tên, số tiền nợ lên đến gần chục nghìn tỉ đồng
Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết số lượng người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, cơ quan thuế đã thực hiện công khai năm 2022 nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước là 3.454 người nộp thuế, với số tiền gần 7.760 tỉ đồng.
Cùng với đó, số lượng người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước thuộc diện là người nộp thuế công khai lần đầu là 929 người nộp thuế, với số tiền nợ thuế hơn 1.490 tỉ đồng. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp có số tiền nợ thuế lớn được Cục Thuế TP. Hà Nội công khai lần đầu như: Công ty cổ phần công nghệ thương mại Giga 1 có địa chỉ tại tầng 4, toà nhà Star Tower, lô D32 Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy nợ 23 tỉ đồng.
Người mua bất động sản vẫn đang “dò đáy”
Quan sát thị trường gần hai năm nay, Thành Được – một môi giới chuyên bất động sản Bình Dương – cho biết có nhiều nhà đầu tư cầm tiền mặt, tìm hiểu thị trường, đi xem đất nhưng vẫn chưa xuống tiền vì có tâm lý chờ đợi xem giá đã đến đáy hay chưa. Theo vị môi giới này, việc giá bất động sản đã liên tục tăng nóng do sốt đất, trượt giá, lãi suất và tác động của yếu tố quy hoạch hạ tầng và tâm lý đẩy giá lên cao cũng phổ biến trong cộng đồng nhà đầu tư.
Chính vì vậy, khi thị trường khó khăn, các chủ tài sản sẵn sàng giảm giá bán, nhưng đa số không bán lỗ, chỉ giảm lời. Cá biệt có nhà đầu tư khó khăn do dùng đòn bẩy tài chính quá đà có thể chấp nhận bán huề vốn hoặc lỗ chi phí lãi vay, thậm chí lỗ vốn nếu không thể thu xếp thêm. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ xảy ra với các sản phẩm đất nền ở xa, kết nối hạ tầng không tốt.
Gỡ vướng bất động sản, chuyên gia chỉ ra hai đối tượng cần tập trung
Theo ông Nghĩa, hai đối tượng nên tập trung hiện nay là các doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn, không có khả năng tiếp cận vốn mới từ ngân hàng, đang trong quá trình đàm phán tái cấu trúc, đảo nợ.
Thứ hai là người mua bất động sản theo hướng đầu tư, phải vay tiền ngân hàng để mua bất động sản. Hiện nay, giá cả tài sản xuống thấp, nợ ngân hàng rất lớn và nếu xảy ra vấn đề thì cả người vay và ngân hàng cho vay phải gánh chịu hậu quả. TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, cho rằng thị trường bất động sản tập trung vào ba vướng mắc chính. Thứ nhất là vướng mắc pháp lý. Thứ hai là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, và thứ ba là vấn đề cung cầu.
TP.HCM chốt phí làm hồ sơ nhà đất từ ngày 1/6
Trong trường hợp thẩm định hồ sơ để chuyển nhượng, các hộ gia đình, cá nhân cần đóng mức phí 1.010.000 đồng – 1.400.000 đồng thay vì 650.000 đồng – 950.000 đồng như trước đây. TP.HCM cũng bổ sung đối tượng là cộng đồng dân cư vào nhóm phải đóng loại phí này.
Các tổ chức phải đóng 1.800.000 đồng – 2.250.000 đồng khi thẩm định hồ sơ để chuyển nhượng thay vì mức phí 950.000 đồng – 1.650.000 đồng như trước đây. TP.HCM bổ sung đối tượng là cơ quan, cơ sở tôn giáo vào nhóm phải đóng loại phí này.
Đề xuất giảm 35.000 tỷ đồng thuế GTGT năm 2023
Đồng ý đề xuất giảm thuế VAT về 8% đến hết năm nay, Chính phủ giao Bộ Tài chính sớm chuẩn bị để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết theo thủ tục rút gọn. Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép xây dựng, ban hành nghị quyết của Quốc hội theo thủ tục rút gọn. Bộ này xây dựng hồ sơ, báo cáo Chính phủ trước ngày 25/4.
Theo Tờ trình Chính phủ, năm 2023, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%.
Loạt chính sách mới có giúp “rã đông” thị trường bất động sản?
Sau loạt chính sách mới về đất đai, thuế và trái phiếu được ban hành trong năm 2022, nhiều nghị quyết quan trọng cũng được ban hành kể từ đầu năm 2023 tới nay được kỳ vọng sẽ giúp thị trường Bất động sản chuyển biến tích cực hơn.
Sau hội nghị trực tuyến toàn quốc do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vào ngày 17/2 nhằm tìm cách tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển lành mạnh và bền vững, đến ngày 05/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều khoản quy định của Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.
Theo đó, Nghị định 08 cho phép các công ty kéo dài thời gian đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp thêm 2 năm. Doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác theo các nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan.