(Dân trí) – Một nắm lúa non (cây mạ) được bán với giá 15.000-20.000 đồng. Nếu người bán có thể thu 60.000-700.000 đồng thì người mua cũng mất tiền triệu để dặm kín ruộng lúa.
Chợ lúa non họp đông nhất vào khoảng 7h30-8h30 mỗi sáng (Ảnh: Phùng Úy).
Khu vực bán lúa non được gọi là chợ nhưng thực chất chỉ là một nhóm người mua bán trên đoạn đường nối với Quốc lộ 7, đoạn qua xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Đây được xem là phiên chợ “độc nhất vô nhị” tại địa phương khi mặt hàng được bán tại đây là những bó lúa non (cây mạ) của người dư, bán cho người cần.
Người bán để “hàng” ngay vỉa hè, người mua cũng chẳng câu nệ ngồi thụp xuống, chọn những nắm mạ vừa ý. Giá cả tùy thuộc vào giống lúa, từ 10.000 đồng/bó đối với giống lúa thuần, 15.000-20.000 đồng/bó đối với giống lúa lai, hoặc có thể thêm, bớt vài giá tùy vào khả năng mặc cả của người mua.
Tấp nập cảnh mua bán mặt hàng đặc biệt
Bà Nguyễn Thị Lộc (trú tại xã Thanh Dương, Thanh Chương, Nghệ An) vui mừng mua được 6 nắm mạ với giá 60.000 đồng. “Đây là mạ bắc (hạt lúa lên mầm được vãi xuống đất với mật độ dày – PV), cây nhỏ nhưng như thế sẽ lợi hơn khi dặm xuống ruộng”, bà Lộc lí giải.
Bà Lộc cẩn thận buộc những nắm mạ vừa mua bằng một sợ dây xé ra từ bao tải. Gia đình bà có 2 sào ruộng gieo sạ nhưng bị ốc bươu vàng phá nên nhiều diện tích trên ruộng mất trắng.
“Tôi đã mua đến 500.000 đồng tiền mạ để về dặm những phần bị ốc bươu vàng phá, ngày nào cũng phải mua. Ở chỗ tôi có nhà đã mất 1,5 triệu đồng tiền mua mạ”, bà Lộc cho biết thêm.
Người phụ nữ này mua 5 bó mạ, giống lúa Thái Xuyên. Cây mạ được tỉa ra từ ruộng, cứng cáp, đã đẻ nhánh. Giống lúa này phải dặm thưa nên chị hi vọng 5 bó mạ trên sẽ lấp đầy phần diện tích còn trống trên thửa ruộng nhà mình.
Trong khi người dân thiếu mạ phải bỏ ra hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu đồng để đủ dặm ruộng thì nhiều gia đình cũng có thêm khoản thu nhập không nhỏ từ việc tỉa mạ thừa đi bán. Ông Nguyễn Trọng Tuệ (trú xã Xuân Tường, Thanh Chương) có 3 sào ruộng trồng giống lúa Thái Xuyên. Nhờ ruộng nằm ở khu vực dễ lấy/tháo nước, không bị ốc bươu vàng phá hoại nên ông Tuệ dư ra một số mạ đáng kể, mang đi bán.
Hai vợ chồng ông Tuệ tuổi đã cao, không thể tự đi tỉa nên thuê thợ, công 300.000 đồng/người/ngày. Số mạ thừa được thợ tỉa, bó thành từng nắm, ông Tuệ chở ra chợ bán. “Sáng giờ bán được 20 bó, giá 15.000 đồng/bó, tổng được 300.000 đồng, vừa đủ để trả công cho một thợ cấy”, ông Tuệ cho hay. Người đàn ông này cho biết, ruộng lúa của mình có thể tiếp tục tỉa mạ để bán trong vài ngày tới.
Tầm khoảng 9h30, bà Nguyễn Thị Tâm (trú xã Thanh Dương, Thanh Chương) đi xe đạp điện mang theo 3 bó mạ “nhập chợ”. Cây mạ to, khỏe, cao tầm 30cm nên vừa đến chợ đã được người dân chặn để hỏi giá.
“Mấy hôm trước, mỗi bó mạ giống Thái Xuyên được bán 20.000 đồng, từ hôm qua đến nay thì chỉ còn 15.000 đồng. Từ đầu mùa tới nay tôi tỉa bán được 600.000 đồng tiền mạ”, bà Tâm vui vẻ kể.
Món hàng khá đặc biệt này được người bán, người mua xem xét kỹ. Ngoài việc chọn giống lúa phù hợp với ruộng của mình, người mua quan tâm đến chất lượng cây mạ. Những cây cứng cáp, khỏe, bộ rễ phát triển mạnh được ưu tiên hơn cả vì khi dặm xuống ruộng sẽ nhanh bén đất, “đuổi” kịp lúa có sẵn trên ruộng.
Người mua vài ba bó, có người mua cả bì mới đủ để dặm ruộng. Ngay khi hoàn tất việc mua bán, lúa sẽ nhanh chóng được đưa ra ruộng để dặm kịp trong buổi.
Ngoài việc thời tiết thất thường, thiếu nước sản xuất, nhiều hộ dân ở Thanh Chương đang phải đối mặt với nạn ốc bươu vàng tàn phá lúa. Để kịp thời vụ, không ít người dân phải bỏ ra một khoản tiền tương đối lớn để mua mạ về dặm phần ruộng trống. Việc dặm lúa thường hoàn tất trong vòng một tuần đến nửa tháng, bởi vậy chợ mạ cũng chỉ tồn tại trong quãng thời gian này rồi tự tan.