Khi người nông dân “chuyển hướng”
Những năm gần đây, nông nghiệp hữu cơ đã được coi là một xu thế của người làm nông nghiệp tại Việt Nam. Do nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước và trên thế giới, các sản phẩm nông nghiệp sạch luôn được quan tâm, chú ý, giá trị cao hơn so với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thông thường.
Một nỗi lo lớn của người nông dân Việt trong những năm qua là chất lượng, hiệu quả của nông sản chưa cao, đầu ra bị phụ thuộc. Thế nên, trường hợp “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn diễn ra thường xuyên. Nếu giải quyết được bài toán nâng cao chất lượng cho nông sản, tìm được nguồn ra ổn định, chắc chắn người nông dân sẽ có đời sống tốt hơn, không còn phải “làm thuê trên mảnh đất của mình”. Đồng thời, nông nghiệp sạch cũng được coi là giải pháp cần thiết để gìn giữ cho môi trường trong, sạch cho hiện tại và tương lai.
Tại Đắk Nông, một tỉnh chuyên về nông nghiệp, nhiều năm nay, có không ít người nông dân đã bắt đầu chuyển hướng canh tác sang nông nghiệp hữu cơ. Tuy bước đầu còn khá nhiều chật vật, nhưng may mắn của người nông dân là có không ít hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sạch đã ra đời trên địa bàn, hết lòng hỗ trợ nông dân.
Một buổi sáng cuối tuần, tại hội trường UBND xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đã diễn ra buổi tập huấn, thực hành bộ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho người nông dân trên địa bàn tỉnh. Chủ trì buổi tập huấn là ông Hà Công Xã, thành viên sáng lập HTX BeCharm, thuộc xã Trường Xuân, huyện Đắk Song. Buổi tập huấn có hàng trăm nông dân tham gia, họ không chỉ là nông dân trên địa bàn huyện, tỉnh mà có cả người nông dân từ các địa phương khác như Lâm Đồng, miền Tây… đến để “phổ cập kiến thức” về nông nghiệp hữu cơ. Việc chuyển đổi mô hình từ làm nông truyền thống gắn liền với thuốc trừ sâu, phân bón hóa học sang nông nghiệp hữu cơ với nhiều kiến thức mới mẻ khiến người nông dân rất hứng khởi. Không chỉ bổ túc kiến thức trên sách vở, các thành viên HTX còn tổ chức thực hành tại trang trại, trực tiếp hướng dẫn người dân thực hành nhân nuôi vi sinh vật (lợi khuẩn), sản xuất thuốc trừ sâu sinh học, tham quan quy trình ngâm ủ phân bón hữu cơ…
Ông Võ Ngọc Phụng, sinh 1970, nông dân thôn 4, Quảng Tín Đắc Rlap, Đắk Nông chia sẻ, vì háo hức được cập nhật kiến thức mới, ông đã có mặt tại hội trường từ 4 giờ sáng. Ông Phụng cho biết, trước kia ông làm nông nghiệp phụ thuộc thuốc trừ sâu, phân bón nhưng hiệu quả không cao, phụ thuộc phân thuốc nhiều khiến giống cây thoái hoá, sản phẩm tìm đầu ra khó khăn. Ông Phụng đến học hỏi kiến thức với mong muốn tìm một hướng đi mới cho ông và những bạn bè làm nông trong vùng.
Theo ông Hà Công Xã, các hoạt động tập huấn, hướng dẫn nông dân làm nông nghiệp hữu cơ được tổ chức thường xuyên, hiệu quả cao, với mục tiêu là thực hiện trách nhiệm với cộng đồng địa phương trong việc lan tỏa một phương phức sản xuất mới, nhân văn, nghĩa tình, giảm chi phí đầu vào cho người nông dân được khoảng 10 triệu đến 15 đồng/1ha.
Đồng thời, thông qua mỗi lớp tập huấn có thể nhân rộng được mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông dân làm nông nghiệp hữu cơ càng nhiều thì càng chủ động được vùng nguyên liệu thật, vùng nguyên liệu hữu cơ đúng nghĩa.
Còn theo ông Lê Đình Hùng, Chủ nhiệm HTX, sau một thời gian HTX hoạt động và tổ chức các buổi tập huấn, có thể thấy rõ được sự thay đổi trong nhận thức cũng như cách thức làm nông của bà con nông dân trong khu vực.
Tuy không phải là thay đổi ngày một ngày hai, nhưng nhận thức được thay đổi dần dần, thông qua việc giảm giá đầu vào, tăng đầu ra, lợi nhuận tối đa về cho nông hộ. Cạnh đó, HTX cũng nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm sạch của bà con nông dân, thậm chí mời các doanh nghiệp, chuyên gia về rang xay, chế biến cà phê, nông sản về để tạo ra những sản phẩm tinh chế chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng.
“Mong muốn của chúng tôi là góp phần cải thiện thu nhập cho bà con nông dân, khiến người nông dân không còn chịu cảnh sống bấp bênh “làm thuê trên mảnh đất của mình”. Về mục tiêu lớn lao hơn, mọi hoạt động của chúng tôi nhằm góp phần nâng giá trị nông sản Việt, để nông sản Việt có vị trí trên bản đồ nông sản sạch thế giới”, ông Lê Đình Hùng bày tỏ.
Xu thế của tương lai
Chồng mất, một nách hai con nhỏ với mảnh vườn cà phê, tiêu rộng gần 3ha, chị Nguyễn Thị Tốt, 37 tuổi, nông dân xã Trường Xuân, huyện Đắk Song loay hoay kiệt sức với mảnh vườn mà vẫn không đủ thu nhập nuôi sống gia đình. Sau khi tham gia các lớp tập huấn về nông nghiệp hữu cơ, học cách làm phân bón hữu cơ, men vi sinh, chị đã tìm ra hướng đi thích hợp cho mình là thực hiện một khu vườn chuẩn hữu cơ. Chị Tốt chia sẻ, trước kia chị phải phun thuốc trừ sâu thường xuyên cho vườn, một thời gian thấy kinh tế không hiệu quả, chi phí đầu vào lớn, thời gian, công sức nhiều và sức khỏe cũng bị ảnh hưởng không ít. Từ khi chuyển đổi mô hình, thời gian, công sức đỡ tốn kém hơn, sức khỏe cải thiện và thu nhập cũng tốt hơn rất nhiều. Chị Tốt cho biết, các thành viên của HTX đã hỗ trợ chị rất nhiều trong việc làm nông, từ kiến thức cho đến quy trình sản xuất các loại phân bón, men vi sinh trừ sâu bệnh, giải quyết mối lo đầu ra cho sản phẩm…
Canh tác xanh gắn với bảo vệ môi trường đang là xu thế tất yếu trong nông nghiệp hiện nay và trong tương lai.
Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông hiện có gần 170 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và các tiêu chuẩn khác trong sản xuất nông nghiệp. Tỉnh có khoảng 10 cơ sở sản xuất đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ với tổng diện tích hơn 659ha; sản lượng hơn 2.500 tấn.
Đáng nói, trong số đó có nhiều HTX đã hình thành và áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, tích cực hỗ trợ người dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi mô hình, hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho nông dân.
Có thể kể đến HTX SangS Farm, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) có 10ha bưởi được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng bình quân mỗi năm đạt gần 200 tấn. Trang trại trồng các loại cây ăn trái của HTX SangS Farm, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) rộng 80ha đang được canh tác theo hướng hữu cơ.
HTX sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông thì nổi tiếng với việc sản xuất nông nghiệp kết hợp lâm nghiệp theo mô hình vườn rừng sinh thái đa tầng, đa tán, tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy trình trong sản xuất nông nghiệp sạch hữu cơ, cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm nông nghiệp cam, quýt, rau với sản lượng hàng trăm tấn. Cạnh đó, HTX còn cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái vườn đạt chuẩn. Mô hình của HTX được nhiều nông dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi.
Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi bền vững, hiệu quả của nông nghiệp Đắk Nông. Hiện nay, lượng phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp là nguồn tài nguyên tái tạo lớn để sản xuất phân bón hữu cơ có chất lượng phục vụ cho hướng đi này. Không những vậy, nó còn giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường và hướng tới nền nông nghiệp bền vững.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học độc hại giúp bảo đảm an toàn và chất lượng thực phẩm, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và nguy cơ nhiễm chất độc từ việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.
Người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm đến sức khỏe và môi trường, sẵn lòng trả giá cao hơn cho những sản phẩm hữu cơ. Chính vì thế, canh tác xanh gắn với bảo vệ môi trường đang là xu thế tất yếu trong nông nghiệp hiện nay và trong tương lai.
Để người nông dân chuyển đổi từ canh tác lạc hậu sang nông nghiệp hữu cơ là cả một quá trình, trong đó, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của những HTX, những người ở gần với nông dân nhất. Tất nhiên, để sự hỗ trợ ấy phát huy tối đa hiệu quả, còn cần có những chính sách ở chiều rộng và chiều sâu, đến từ nhà quản lý. Phải có sự bắt tay, đồng hành của nhiều bên mới có thể tiến đến “đổi đời” cho người nông dân Việt, nâng giá trị nông sản Việt, giúp nông sản Việt tự tin, mạnh mẽ bước ra quốc tế.