Nỗ lực đảm bảo quyền lợi cho lao động thất nghiệp

Là đơn vị được giao nhiệm vụ giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định của Luật Việc làm, thời gian qua các Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTN cho người lao dộng và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn

Có thể thấy rằng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chính sách BHTN đã thật sự trở thành “điểm tựa” cho hàng triệu người lao động, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì ổn định cuộc sống;

Là đơn vị được giao nhiệm vụ giải quyết chính sách BHTN theo quy định của Luật Việc làm, thời gian qua các Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTN cho người lao dộng và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; Đồng thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm chính sách BHTN theo chương trình của Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Ngoài ra, các Trung tâm Dịch vụ việc làm đã hỗ trợ học nghề, xây dựng và triển khai kế hoạch chi tiết hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho NLĐ đến trung tâm giải quyết chính sách BHTN, tham vấn và tư vấn cụ thể về các ngành nghề có xu hướng phát triển, về chuyển đổi nghề, đào tạo nghề; Đồng thời, giới thiệu những cơ sở đào tạo nghề uy tín để NLĐ chủ động liên hệ đăng ký học tập.

Đặc biệt,  trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mọi người dân đều phải hạn chế ra đường. Tuy nhiên, hệ thống cơ quan thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp nhất là ở những tỉnh, thành lớn và tập trung nhiều người lao động như: Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… luôn phải hoạt động hết công suất vì có hàng trăm nghìn người thất nghiệp đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm việc làm mới. Các cán bộ tiếp nhận giải quyết chính sách này tại các Trung tâm dịch vụ việc làm đã  phải rất nỗ lực làm việc để giải quyết quyền lợi cho người lao động cũng như  tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng triệu người thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động.

Cán bộ Trung tâm DVVL tiếp nhận hồ sơ BHTN qua đường bưu điện

Cán bộ Trung tâm DVVL tiếp nhận hồ sơ BHTN qua đường bưu điện


Sau 13  năm thực hiện chính sách BHTN, số lượng người tham gia đã tăng mạnh, đến nay có hơn 14 triệu người; Tỷ lệ lao động tham gia BHTN trong tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm 28,3%. Dịch vụ BHTN do các Trung tâm dịch vụ việc làm cung cấp đã phát huy được hiệu quả. Tỷ lệ người nộp hồ sơ BHTN đã nhận trợ cấp thất nghiệp luôn ở mức 96 – 98%.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết,  đối với người lao động bị mất việc làm, tùy theo nhu cầu, nguyện vọng mà họ nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi công việc. Riêng năm 2022, các cơ quan chức năng của 63 tỉnh, thành phố đã giải quyết cho hơn 977.600 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Cùng với việc được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn là nhóm đối tượng ưu tiên được trợ cấp khó khăn đột xuất, hỗ trợ về nhà ở cùng nhiều hoạt động trợ giúp khác. Tính đến hết ngày 31/12/2022, toàn ngành triển khai hỗ trợ, giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng số tiền hơn 47.200 tỷ đồng, bằng 54,3% các gói hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của Chính phủ. Nguồn hỗ trợ này góp phần giúp hơn 13 triệu người lao động có thêm khoản tiền để trang trải cho cuộc sống trong giai đoạn khó khăn, yên tâm làm việc…

Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, trong thời gian tới, song song với công tác giải quyết chính sách BHTN hiệu quả, nhanh chóng cho người lao động, các Trung tâm Dịch vụ việc làm cần tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền về sàn giao dịch việc làm một cách sâu rộng, vận động người lao động có nhu cầu tìm việc, học nghề tham gia tư vấn và giao dịch việc làm tại địa phương; Tiếp tục thực hiện chính sách BHTN một cách thông suốt từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến khâu ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, trả kết quả cho người lao động theo mô hình một cửa; Phối hợp với BHXH, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp có ý định trục lợi BHTN…