Cao tốc chạy qua Quảng Ngãi không chỉ rút ngắn chi phí, hành trình cho vận tải mà các điểm đường dẫn, đường kết nối với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ còn mở ra không gian sống mới cho người dân ở địa phương này.
Không gian phát triển mới
Thôn An Hội Nam 2, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa từ một vùng hẻo lánh chuyển mình trở thành phố thị khi có đường dẫn cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi
Tuyến đường dẫn vào cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có chiều dài hơn 9km từ QL1 qua địa bàn xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa chạy dài về phía Tây Bắc qua các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Điền, Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) và xã Hành Thuận (Nghĩa Hành).
Trong giai đoạn đầu dự án triển khai, người dân sống hai bên đường lo ngại công trình đường hỗn hợp sẽ xung đột giao thông, dễ gây tai nạn và hạn chế sự phát triển.
Thế nhưng, trái ngược với suy nghĩ đó, kể từ khi đưa vào sử dụng đến nay, tuyến giao thông quan trọng này đã mở ra một không gian phát triển vô cùng mạnh mẽ.
Không chỉ xẻ ngang các vùng đất trồng hoa màu kém hiệu quả để tạo nên tuyến giao thông đi lại thuận lợi, kết nối liên vùng, tuyến đường còn mở ra không gian phát triển đô thị.
Ông Nguyễn Văn Nam, thôn An Hội Nam 2, xã Nghĩa Kỳ cho biết, trước đây khu vực ông sống ngoài đồng ruộng ra thì phía Nam là núi cao, mỏ đá, bãi rác và nghĩa địa.
Cuộc sống rất khó khăn và gần như bà con đều di cư vào Nam mưu sinh. Tuy nhiên, kể từ khi tuyến đường dẫn cao tốc hình thành, các tuyến đường ngang kết nối được đầu tư mở rộng và hạ tầng các khu tái định cư được xây dựng khiến vùng đất này trở nên sôi động.
Dọc theo đoạn tuyến này, rất dễ thấy những ngôi nhà cao tầng mọc lên dọc hai bên đường, hàng quán được mở ra, đời sống người dân dần dịch chuyển từ nông nghiệp sang dịch vụ đô thị, biến vùng đất hẻo lánh một thời trở nên sầm uất.
Ngay sát bên hành lang tuyến, ngoài 3 khu tái định cư các công trình, dự án trọng điểm đã và đang được triển khai thực hiện. Đó là một vùng diện tích gần 50ha do huyện Tư Nghĩa đầu tư.
Hình dáng của một đô thị thu nhỏ với đầy đủ hạ tầng như công viên cây xanh, điện chiếu sáng công cộng… đã hình thành.
“Giờ nhìn lại thấy quê hương thay đổi đến không thể ngờ. Ở cái tuổi ngấp nghé 70 rồi, nhìn lại quê hương cứ ngỡ như đang mơ vậy”, ông Nam tâm sự.
Không chỉ riêng Nghĩa Kỳ mà các xã có đường dẫn cao tốc đi qua cũng đang chuyển mình lên phố thị một cách mạnh mẽ.
Cạnh đó, nút vào cao tốc đoạn qua xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh cũng lột xác. Từ chỗ người dân sống tập trung hai bên QL24B, thì nay cư dân đã trải đều ra các tuyến đường nhánh. Diện mạo xã Tịnh Hà dần nên hình nên dáng của đô thị loại V.
Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh cho biết, từ khi đường dẫn cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đưa vào sử dụng, địa phương đã đầu tư hạ tầng kết nối và chuyển hướng quy hoạch phù hợp cùng với chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo ra bước thay đổi lớn về chất lượng sống và bộ mặt đô thị.
Kích cầu thị trường nhà đất
Từ khi đường dẫn cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đưa vào khai thác, người dân hai bên đường xây dựng nhà cửa khang trang, hình thành khu dân cư mới
Đáng chú ý, từ khi tuyến đường dẫn vào cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi hình thành, đã thúc đẩy thị trường nhà đất trong vùng và xung quanh sôi động hơn.
Nếu như trước đây, giá đất ở các thôn An Hội Nam 2 (xã Nghĩa Kỳ), Điền Long (xã Nghĩa Điền) và Hành Thuận (huyện Nghĩa Hành) chỉ chưa đến 200 triệu đồng/lô 100m2 thì nay đã lên 600 triệu – 1 tỷ đồng/lô 100m2. Có những khu vực vị trí đẹp giá đất nền đã cán mốc trên 12 triệu đồng/m2.
Ghi nhận cho thấy, dù thị trường nhà đất tại Quảng Ngãi trong giai đoạn này trầm lắng, song đối với khu vực lân cận đường dẫn vào cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, tình hình vẫn khá sôi động.
Theo giới đầu tư bất động sản, lý do giá đất nền ở đây vẫn neo cao và hấp dẫn người mua là vì tính kết nối giao thông thuận lợi, khi mất chưa đầy 15 phút chạy xe là có thể đến trung tâm TP Quảng Ngãi. Hạ tầng khá hoàn thiện cũng là lý do hút khách hàng có nhu cầu thật mua để xây dựng nhà ở.
Bên cạnh đó, từ khi tuyến đường dẫn hình thành, nhiều khu vực đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả hai bên đường và vùng phụ cận đã được các doanh nghiệp đưa vào tầm ngắm để đề xuất đầu tư các dự án đất nền.
Nhiều dự án đất nền đã và đang được các doanh nghiệp đấu giá trúng và chuẩn bị đầu tư như dự án Khu đô thị Nam Bàu Giang, Khu dân cư Nghĩa Thương, Khu dân cư kết hợp chợ Nghĩa Trung, Khu dân cư Điền Phú Viên, Khu đô thị Kosy…
Còn ở nút giao cửa ngõ phía Bắc TP Quảng Ngãi, ngoài sức hút từ việc giáp ranh TP Quảng Ngãi thì thị trường nhà đất ở đây từng có giai đoạn bùng nổ là vì giới đầu tư nhận thấy tiềm năng, lợi thế về hạ tầng, nhất là kết nối với cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi rất thuận tiện để có thể di chuyển đến các nơi khác.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Quảng Ngãi, tuyến đường dẫn vào cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi như một “bà đỡ” quan trọng trong việc tạo tính kết nối về hạ tầng liên vùng. Đồng thời, trong tương lai sẽ là đường vành đai của đô thị Quảng Ngãi mở rộng về phía Nam và Tây Nam.
Theo vị này, tuyến đường kết nối trực tiếp QL1 với đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Tỉnh lộ 624, Tỉnh lộ 623B nên có ý nghĩa rất lớn trong đồng bộ kết cấu hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
“Thời gian tới, cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn đưa vào khai thác thì khi đó tuyến đường dẫn sẽ là đường trung tâm và là cơ sở để các địa phương đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường hiện hữu kết nối vào đường dẫn, tạo ra các trục giao thông xương cá, thúc đẩy hình thành đô thị”, vị lãnh đạo Sở cho biết thêm.
Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi Nguyễn Công Hoàng nhận định, tuyến đường dẫn vào cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi ngoài có ý nghĩa về giao thông, giao thương thì còn là điểm nhấn của khu vực phía Nam TP Quảng Ngãi. Đây sẽ là tuyến giao thông huyết mạch kết nối liên vùng và là bệ phóng quan trọng trong phát triển thị trường nhà đất cũng như đô thị trong tương lai gần.