Những tấm lòng đồng hành với phụ nữ vùng biên

Biên phòng – Ở xã biên giới Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, mô hình bò sinh sản luân chuyển do Đồn Biên phòng Sơn Vĩ trực tiếp quản lý đang mở ra cơ hội thoát khỏi đói nghèo cho nhiều hộ gia đình khó khăn. Ngoài giá trị vật chất, mô hình sinh kế này còn tạo động lực tinh thần, giúp những người nghèo không còn cảm thấy lẻ loi trên chặng đường vượt khó.


Cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ tặng bò giống cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Bích Nguyên

Trong tiết trời Xuân, thời tiết ở Sơn Vĩ vẫn còn khá rét buốt. 4 người con cùng vợ chồng anh Chứ Mí Dống, chị Giàng Thị Mỷ, dân tộc Mông, ở thôn Lũng Chỉn, xã Sơn Vĩ ngồi xung quanh bếp lửa để giữ ấm cơ thể. Anh Dống đang loay hoay sửa cày, còn chị Mỷ thái cỏ voi. Nhìn thấy Đại úy Lò Ngọc Quý, cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, vợ chồng anh Dống phấn khởi như gặp người thân. Anh Quý nói chuyện với họ bằng tiếng Mông, rôm rả, thân tình.

Tấm lòng của người lính

Từ lâu, ngôi nhà của chị Mỷ đã là điểm dừng chân quen thuộc của anh Quý mỗi khi xuống địa bàn nắm tình hình. Mối quan hệ giữa đảng viên Biên phòng với đôi vợ chồng người Mông này vì thế thân thiết như anh em trong nhà. Vợ chồng chị Mỷ còn trẻ nhưng đã có 4 người con. Nương ít, lại đông con, năm nào gia đình anh Dống cũng thiếu ăn 2-3 tháng. Cả gia đình sống trong ngôi nhà gỗ nhỏ, lụp xụp, mưa xuống là ngập nước. Ăn còn chưa đủ, nói chi đến việc sửa nhà. Ước mơ có một mái nhà kiên cố đủ che nắng, che mưa của anh Dống trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Bất ngờ một ngày đẹp trời, vợ chồng anh Dống nhận được tin, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ đã kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí để xây tặng gia đình anh một ngôi nhà mới. Chỉ trong một thời gian ngắn, với sự giúp sức của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, ngôi nhà xây gạch vững chắc rộng gấp đôi nhà cũ của anh Dống đã hoàn thành. Ngày dọn lên nhà mới, vợ chồng anh Dống mừng vui không nói lên lời.

Ngồi trò chuyện với tôi bên bếp lửa đỏ rực, anh Dống chia sẻ: “Bộ đội đến nhà, trực tiếp láng nền, xây tường, làm sân. Các anh ấy làm việc nhiệt tình, tự lo việc ăn uống, không phiền hà gì tới gia đình tôi cả. Với chúng tôi, BĐBP tốt như anh em ruột vậy”. Anh Dống cứ áy náy mãi vì không có thứ quà gì để tặng lại cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ mà không biết rằng, đối với những người lính, món quà họ mong nhất là vợ chồng anh ổn định cuộc sống, làm ăn khấm khá, sớm thoát nghèo để cùng xây dựng biên cương giàu đẹp.

Gần gũi với vợ chồng anh Dống, Đại úy Quý và đồng đội của mình nhận ra một điều, đôi vợ chồng người Mông này có sức lao động lại cần cù, chịu khó và rất khát khao vươn lên. Rào cản lớn nhất là họ không có vốn để phát triển sản xuất.“Tôi muốn nuôi con bò, con lợn để thoát nghèo nhưng trong nhà không có tiền. Không mua được con giống thì không thể làm được gì” – chị Mỷ chia sẻ.

Biết được tâm tư đó, năm 2020, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ đã tặng chị một con bò mẹ như một nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình. Chị Mỷ vốn là người chịu thương, chịu khó, không nề hà việc gì. Từ ngày có bò của bộ đội cho, chị trồng cỏ, rồi đi cắt thêm cỏ, chăm sóc bò với niềm hy vọng sẽ thoát khỏi cảnh đói nghèo. Đại úy Quý vốn là người cẩn thận, suốt quá trình giao bò cho gia đình chị Mỷ, thỉnh thoảng anh lại xuống thăm, kiểm tra xem bò sinh trưởng thế nào. Anh còn tự mình bỏ tiền mua bạt, tặng gia đình để che chắn chuồng, chống rét cho bò. “Đợt trước, bò bị chướng bụng, bỏ ăn. Chúng tôi phải xuống ngay để tiêm thuốc trị bệnh. May là chữa trị kịp thời nên nó khỏe lại” – anh Quý kể.

Sau một năm chăm sóc cẩn thận, bò mẹ đã đẻ được một con bê. Chị Mỷ rất phấn khởi vì đã có sinh kế bền vững. Chị Mỷ tâm sự: “Tôi rất mong muốn làm ăn phát triển kinh tế để thoát nghèo, nhưng hai vợ chồng không có vốn, cũng không có kiến thức. Từ ngày có bộ đội hướng dẫn, giúp đỡ, tôi thấy yên tâm hơn. Bây giờ, tôi muốn vay vốn Nhà nước để mua thêm trâu bò về nuôi. Ở đây vật nuôi hay bị dịch bệnh, vì vậy, tôi cũng mong được hướng dẫn nhiều hơn về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho trâu bò”.

Giúp người dân bớt khó khăn hơn

Ước mơ có được “đầu cơ nghiệp” của bà Ly Thị Mê, dân tộc Mông, ở thôn Cò Súng, cuối cùng đã được hiện thực hóa bởi những người lính Biên phòng. Bà Mê sống cùng 3 người con trong một ngôi nhà nhỏ hẹp trên triền núi đá. Nhiều năm nay, dù đã làm lụng vất vả nhưng gia đình bà Mê vẫn không thể dành dụm đủ tiền để mua một con bò, việc làm nương vì thế cũng khó khăn, không chủ động được.


Với sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, gia đình chị Giàng Thị Mỷ, dân tộc Mông, ở thôn Lũng Chỉn, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang không chỉ có nhà mới, mà còn có sinh kế bền vững để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Bích Nguyên

“Đến mùa gieo hạt, tôi đều phải chạy khắp thôn để hỏi mượn bò về cày nương.Khi được bộ đội tặng bò, chúng tôi không phải lo sức kéo nữa, lại có phân để bón ruộng. Tôi sẽ chăm sóc thật tốt để nó sớm đẻ con. Tôi hy vọng, mỗi năm sẽ có thêm một con giống để gây thành đàn. Có được như vậy thì cuộc sống của gia đình tôi sẽ bớt khó khăn hơn” – anh Giàng Mí Mua, con trai bà Mê chia sẻ.

Đại úy Lò Văn Quý cho biết, từ 16 con bò giống ban đầu, đến nay, mô hình bò sinh sản luân chuyển do đơn vị quản lý đã phát triển được 69 con. “Chúng tôi giao bò giống cho người dân nuôi, đến khi đẻ con, sau 2 năm sẽ trao chuyển giao cho hộ khác nuôi. Chúng tôi rà soát các hộ nghèo, sau đó lựa chọn các hộ đủ tiêu chí (có chuồng, có nương trồng cỏ voi, chịu khó làm ăn, có ý chí vươn lên) để bàn giao. Với phương thức đó, đến nay, đã có 38 hộ nghèo được thụ hưởng chương trình này. Các hộ dân được thụ hưởng đều đã bớt khó khăn hơn. Một số hộ chăm sóc tốt, đã phát triển thành 4 con như gia đình anh Già Mí Già, thôn Cò Súng” – Đại úy Quý cho biết thêm.

Tận mắt chứng kiến niềm vui của những hộ dân được tặng bò, chúng tôi cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của mô hình bò sinh sản cũng như tấm lòng hướng về người dân biên giới của những người lính mang quân hàm xanh. Không chỉ mang lại sinh kế bền vững cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, chương trình hỗ trợ con giống còn tạo động lực cho các hộ dân tích cực lao động, sản xuất, có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, thắt chặt tình cảm đoàn kết, gắn bó quân – dân ở khu vực biên giới.

An Nhiên