(Dân sinh) – Những nội dung chủ yếu về an toàn, vệ sinh lao động mà người sử dụng lao động phải thực hiện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh
Theo quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hiện hành, các nội dung chủ yếu về an toàn, vệ sinh lao động bao gồm:
– Lập Danh mục các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động và danh sách lao động làm các công việc tương ứng (lập danh sách ghi theo các mục: Họ tên, năm vào làm việc, chức danh nghề, bộ phận) theo quy định tại Thông tư số 06/2016/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 8 năm 2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Ban hành Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
– Thực hiện thống kê, phân loại lao động làm các công việc theo danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện chế độ và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (lập danh sách ghi theo các mục: Họ tên, năm vào làm việc, chức danh nghề, bộ phận) theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
– Thực hiện xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 76 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Thực hiện thành lập hội đồng an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 38 Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động; Khoản 1 Điều 75 Luật An toàn, vệ sinh lao động .
– Thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên theo quy định tại Điều 74 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
– Thực hiện xây dựng phương án xử lý sự cố và tổ chức diễn tập theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
– Thực hiện tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc khoản 1 Điều 18 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
– Cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động và lập sổ cấp phát, theo dõi; việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân của người lao động khi làm việc theo danh mục theo quy định theo quy định tại Khoản 3 Điều 16, Điều 23 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
– Xây dựng nội quy, quy trình làm việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nơi làm việc; việc niêm yết các bảng chỉ dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nơi làm việc theo quy định tại Khoản 6 Điều 16 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
– Thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động nguy hiểm, độc hại theo quy định tại Điều 24 Luật An toàn, vệ sinh lao động; Thông tư số 24/2022/TT- BLĐTBXH ngày 30/11/2022 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại.
– Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người quản lý; người lao động theo quy định tại Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động; Điều 18, 19 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động (sau đây viết tắt là Nghị định số 44/2016/NĐ-CP); Khoản 5 Điều 1 Nghị định 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về sửa đổi Điều 17 của Nghị định số 44/2016/NĐ-CP.
Công ty Cổ phần Quốc tế BHL Group huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động tại Công ty Cổ phần Than Núi Béo – Vinacomin, tỉnh Quảng Ninh
– Bố trí cán bộ làm công tác y tế hoặc ký hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ năng lực để chăm sóc sức khỏe người lao động theo quy định tại Điều 73 Luật An toàn, vệ sinh lao động; Điều 37 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày15/5 /2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
– Xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động hàng năm theo quy định tại Điều 76 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
– Thực hiện biện pháp kỹ thuật nhằm cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, giảm thiểu các mối nguy hiểm, có hại và các biện pháp giảm thiểu các mối nguy hiểm có hại tại nơi làm việc có các mẫu không đạt theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
– Đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 77 Luật An toàn, vệ sinh lao động; Thông tư số 07/2011/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định một số nội dung tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.
– Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động 01 lần/năm đối với lao động làm công việc bình thường; khám sức khỏe định kỳ ít nhất 06 tháng/lần đối với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe của người lao động theo quy định tại Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động và hướng dẫn tại Thông tư 28/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế .
– Thực hiện lập hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe người lao động và hồ sơ theo dõi người lao động bị bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 4,5,6 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
– Tổng số các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đang sử dụng, trong đó: Số máy, thiết bị, vật tư đã kiểm định; số chưa kiểm định, lý do; việc khai báo sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định tại Điều 31 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
– Tổ chức quan trắc môi trường lao động: Số mẫu đã đo, số mẫu đạt tiêu chuẩn và số mẫu không đạt tiêu chuẩn. Biện pháp cải thiện môi trường lao động theo quy định tại Điều 45 Nghị định 44/2016/NĐ-CP.
– Bố trí lối thoát hiểm.
– Lắp đặt các biển cảnh báo nguy hiểm.
Công ty Cổ phần Quốc tế BHL Group huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động tại Công ty TNHH Green Vina, tỉnh Bình Dương
Một số hành vi vi phạm và xử lý vi phạm hành về an toàn, vệ sinh lao động
– Vi phạm quy định về sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động quy định tại Điều 24 Nghị định số 12/2022-CP ngày 17/01/2022, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.
Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động như sau:
+ Phạt tiền đến 4.000.000 đồng đối với hành vi không khai báo với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại địa phương trong khoảng thời gian 30 ngày trước hoặc sau khi đưa vào sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
+ Phạt tiền đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lưu giữ đầy đủ hồ sơ kỹ thuật máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
+ Phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: vi phạm một trong các quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trong sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động chưa được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng hoặc hết thời hạn sử dụng.
+ Phạt tiền đối với hành vi không kiểm định trước khi đưa vào sử dụng hoặc không kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật, Mức phạt cao nhất đến 150.000.000 đồng.
+ Phạt tiền đến 150.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động đã thực hiện kiểm định nhưng kết quả kiểm định không đạt yêu cầu.
– Vi phạm quy định về hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động quy định tại Điều 25 Nghị định số 12/2022-CP ngày 17/01/2022, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.
+ Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận với tổ chức hoạt động huấn luyện không huấn luyện mà nhận kết quả huấn luyện hoặc sử dụng người lao động không được cấp thẻ an toàn theo quy định của pháp luật làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trước khi bố trí làm công việc này, + Mức xử phạt đến 100.000.000 đồng
+ Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi tự tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động mà vi phạm quy định về hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động: Phạt tiền đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: không báo cáo hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật; không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo chương trình khung cho người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động (nhóm 2), người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt (nhóm 3), người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật. Phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: huấn luyện bắt buộc theo chương trình khung được pháp luật quy định nhưng không đủ nội dung; sử dụng người huấn luyện không đảm bảo tiêu chuẩn về người huấn luyện; không đảm bảo cơ sở vật chất để huấn luyện theo quy định; không có tài liệu huấn luyện cho các đối tượng.